Phan Thanh Giản – Bi kịch 4 lần chết và nỗi oan 140 năm

Phan Thanh Giản – Nhân vật lịch sử 4 lần chết

Cụ Phan Thanh Giản là một nhân vật lịch sử có số phận khác thường, cụ Phan Thanh Giản đã chết bốn lần.

– Lần thứ nhất là cụ uống thuốc độc tự tử.

– Lần thứ hai, cụ bị thực dân Pháp ám sát khi khen cụ sáng suốt không chống lại Pháp.

– Lần thứ ba, cụ bị triều đình vua Tự Đức bức tử với bản án “truy đoạt tất cả chức hàm, đục tên trong bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu”.

– Lần thứ tư là vào thời gian 1960 – 1963, khi chúng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, và nền sử học rời khỏi con đường dài phục vụ cách mạng mà đi vào con đường tắt phục vụ chính trị đương thời đã xử tử cụ (cũng như phê phán những người yêu nước chủ trương không dùng bạo lực như Phan Châu Trinh), gây ra một công án đau lòng khiến những trí thức như Ca Văn Thỉnh đương thời day dứt và các chính khách như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở.

Cụ Phan Thanh Giản trong trang phục Mãng bào đại triều
Cụ Phan Thanh Giản trong trang phục Mãng bào đại triều

Hội thảo Phan Thanh Giản tại Hà Nội 1956 – Lên án Phan Thanh Giản

Cuộc hội thảo diễn ra từ năm 1956, nhưng mãi đến năm 1963 mới được “công khai hoá” trên báo Nghiên Cứu Lịch Sử, mà bài kết luận của GS Trần Huy Liệu đã được đăng tải dưới tiêu đề “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản” (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 55, tháng 10/1963).

Quan điểm chung của bài kết luận này là lên án Phan Thanh Giản:

“Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân, là phạm tội “dâng thành hiến đất cho giặc” và từ đó phủ nhận tất cả “tư đức” của ông như “đức tính liêm khiết”, “lòng yêu nước”, “thương dân”… vì “công đức đã bại hoại thì tư đức còn gì đáng kể”.

Hội thảo tại Vĩnh Long năm 1994 “Phan Thanh Giản, con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử”

Năm 1994 vấn đề cụ Phan Thanh Giản lại được đặt ra trong Hội thảo khoa học ở Vĩnh Long, nhưng hầu như không có tiếng vang nào đáng kể. Các công trình cũ vẫn còn đó, các giáo trình cũ vẫn còn đó, quan niệm cũ vẫn còn ngự trị, tâm lý cũ vẫn còn tác động. Nhiều người không ngại khẳng định Phan Thanh Giản, mà sợ phản đối đồng chí và đồng nghiệp, cấp trên hay thầy học của mình.

Có lẽ do vậy mà mãi đến ba năm sau (1997) cuộc hội thảo này mới được phổ biến bản đúc kết của GS Phan Huy Lê với tiêu đề vừa nêu, xin lặp lại lần nữa mấy câu, mấy đoạn quan trọng ghi trong bản đúc kết cuối hội thảo:

“Tư liệu lịch sử của ta cho thấy Phan Thanh Giản không phải đầu hàng, nộp thành cho giặc như sự miêu tả của một số tư liệu Pháp, nhưng việc mất 3 tỉnh miền Tây cũng là hậu quả tai hại của những chủ trương sai lầm của Tự Ðức và triều Nguyễn, trong đó dĩ nhiên có trách nhiệm của bản thân Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản là người yêu nước, thương dân nhưng cũng là một tín đồ của Nho giáo với lòng trung quân sâu nặng.

Nỗi đau lòng và tính bi kịch của Phan Thanh Giản là một mặt ông cùng “chủ hoà” với triều đình, rất mực trung thành với vua, mặt khác ông lại nặng lòng yêu nước, thương dân. Mâu thuẫn đó đã đẩy ông đến chỗ bế tắc và chỉ còn biết lấy cái chết để kết thúc cuộc đời và bày tỏ nỗi lòng của mình.

Qua cuộc hội thảo nầy, chúng ta thấy rõ những mặt hạn chế và bế tắc của Phan Thanh Giản, nhưng đồng thời chúng ta cũng trân trọng ghi nhận những cống hiến tích cực của ông trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, đánh giá cao nhân cách và phẩm chất cao quý của ông.

Những kết quả và thái độ của hội thảo sẽ giải toả phần nào những mặc cảm bấy lâu đè nặng lên tâm tư của nhiều người, kể cả con cháu Phan Thanh Giản và con cháu Trương Ðịnh, những người “chủ chiến” đã kiên quyết chiến đấu chống Pháp xâm lược và đã hy sinh vì tổ quốc, vì nhân dân”. (Tạp chí BÔNG SEN của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất bản tại Cần Thơ do nhà thơ Lê Chí chủ trương thực hiện).

Xem thêm  Vua Gia Long - Nguyễn Ánh: Công và tội

Tham dự cuộc hội thảo nầy, GS Văn Tạo đã nói “Về sự nghiệp & vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản” trong đó đã đưa ra quan điểm về “Công minh lịch sử” và “Công bằng xã hội”, ông cho rằng “không nên thấy cụ Phan sai lầm trong giữ nước mà quên đi tư tưởng yêu dân, thương dân, sớm có xu hướng canh tân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cụ”.

Tọa đàm “Thế kỷ XXI nhìn về Phan Thanh Giản” 2003 tại TP Hồ Chí Minh

Cho nên đến cuộc Toạ đàm Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16.8.2003, cái số phận nhiều cay đắng mà ít vinh quang ấy lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ.

Trong cuộc Toạ đàm này, nhiều người đã khẳng định cụ Phan Thanh Giản là một người yêu nước và thương dân. Thương dân có đồng nghĩa với trọng dân hay không ở các nhà nho xưa còn là chuyện phải bàn, nhưng uyên nguyên của tấn bi kịch lịch sử nơi cụ Phan Thanh Giản là ở chỗ ông đã theo một cái học coi triều là nước. Cho nên lúc vua sợ giặc mà dân chống giặc, cụ Phan Thanh Giản cũng dần dần rơi vào bế tắc trên một lập trường chính trị chiết trung.

Vừa mong ái dân vừa muốn trung quân, cái tâm thế lưỡng phân này khiến từ 1859 cụ Phan không kế thừa được một cách tích cực truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và sau Hoà ước 1862 thì có nhiều hành động bất lợi cho phong trào chống Pháp “chẳng nghe Thiên tử chiếu”.

Cho nên bi kịch lúc còn sống của cụ Phan Thanh Giản trước hết là sự thất bại về trí tuệ của thế giới cũ, một thế giới già cỗi đang rúng động và từng bước giải thể trong quá trình tiếp xúc với cái thế giới mới sung sức, năng động và tàn nhẫn hơn tới từ phương Tây.

Đây cũng là bi kịch của chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XIX nói chung và nhà Nguyễn nói riêng, vì với một chính quyền thì sự bất lực trước nhiệm vụ thực tiễn luôn gắn liền với sự suy thoái về đạo đức chính trị. Dĩ nhiên trong chính trị thì không phải có tội lỗi hay sai lầm là không có tinh thần yêu nước, nên vẫn có thể nói cụ Phan Thanh Giản là một người yêu nước ít nhất theo kiểu của cụ.

Trong cuộc Toạ đàm 2003 có một số người đi sâu khẳng định cụ Phan trên phương diện đạo đức cá nhân, nhưng điều đó không có nhiều tác dụng trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử, nhất là một nhân vật có hành trạng chính trị phức tạp như cụ Phan Thanh Giản.

Tham dự toạ đàm tại TP Hồ Chí Minh, GS Văn Tạo cho rằng:

Theo quan điểm về “Công minh lịch sử” và “Công bằng xã hội”, tôi cho rằng không nên thấy cụ Phan có sai lầm trong giữ nước mà quên đi tư tưởng yêu dân, thương dân, sớm có xu hướng canh tân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cụ.

Sai lầm trên phải được xem xét, trong sự hạn chế giai cấp, hạn chế lịch sử của Phan. Đó là do ông ra đời trong lúc chế độ phong kiến Việt Nam đã suy yếu đến cực độ, lại được đào luyện trong “Cửu Khổng sân Trình”, lấy đạo vua tôi làm trọng. Ông tự thấy bất lực trong nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn phải nhận nhiệm vụ một khi vua đã giao cho.

Đồng thời khi lịch sử nhân loại đã sang trang, chính nghĩa phong kiến đã nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản mà ở Việt Nam giai cấp địa chủ phong kiến đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại và nắm giữ quyền uy… Tất cả những điều trên đã góp thêm vào nguyên nhân gây lên sai lầm của Phan Thanh Giản. Vì vậy chúng ta phải gắn sai lầm của Phan với sai lầm của triều đình nhà Nguyễn.

Như vậy mới là công minh và công bằng.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi có từ cuối thế kỷ XX về cụ Phan. Nay bước sang đầu thế kỷ thứ XXI, nhìn lại lịch sử Việt Nam nói chung, nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản nói riêng, tôi có một vài suy nghĩ bổ sung hay nói rõ hơn điều đã nói về cụ Phan Thanh Giản như sau:

1. Khẳng định cụ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước, thương dân, trọng dân.

2. Cụ Phan Thanh Giản không có ý đồ phản bội quyền lợi dân tộc mà là muốn bảo vệ quyền lợi dân tộc bằng cách gắn quyền lợi đó với ý thức thương dân, với tinh thần “dựng nước” trong điều kiện mới và với lòng mong muốn canh tân đất nước.

3. Công lao xây dựng đất nước của cụ Phan, trong điều kiện lịch sử lúc đó thật đáng ca ngợi, phải đánh giá là xuất sắc.

4. Những hoạt động dựng nước của cụ trước khi cụ qua đời gắn liền với những di chúc của cụ cho con cháu và cho hậu thế sau khi qua đời đã biểu hiện cụ rõ: Cụ là một trong những nhà yêu nước đầu tiên có xu hướng canh tân.

5. Việc cụ ký hoà ước về 3 tỉnh miền Ðông cũng như để thất thủ ba tỉnh miền Tây là những sai lầm, nhưng cần thấy trách nhiệm chính về sai lầm đó là thuộc triều đình Tự Ðức mà cụ chỉ là người thừa hành và liên đới chịu trách nhiệm.

Sự quyên sinh của cụ trong điều kiện và hoàn cảnh đó – là đáng ca ngợi, bởi nó biểu lộ rõ phẩm chất của một người suốt đời tận tụy với dân với nước, nhận trách nhiệm trước sai lầm của mình, không tham danh hám lợi, không tham sống sợ chết, đã tự nguyện quyên sinh.” 

Theo tài liệu của Bà Phan Thị Minh Lễ – Tiến sĩ sử học tại Paris đã có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam như Phong trào Duy Tân,Phụ nữ Châu Á, nhân vật lịch sử Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh Giản…, nhân toạ đàm “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” bà Minh Lễ đã có gởi thư cho ban tổ chức và tham luận hội nghị “Phan Thanh Giản đã chết đúng theo luật định của người giữ thành!”

Cuối bài tham luận, bà viết:

Xem thêm  Tại sao Campuchia ghét Việt Nam?

“Trên căn bản và nguyên lý của tài liệu công cũng như tư thì từ ký hiệp ước 1862 đến việc mất ba tỉnh miền Tây Nam kỳ 1867; Phan Thanh Giản hoàn toàn vô tội, ông chỉ là kẻ thừa hành để bảo vệ sự bình an cho dân, còn bảo vệ lãnh thổ thì Phan Thanh Giản chỉ cầu xin trời đất vì một Phan Thanh Giản không thể làm nổi. Muốn có một quân đội hùng mạnh, kỷ cương và vũ khí tối tân hơn thì khi Gia Long lên ngôi (1802) đã phải nghĩ ngay đến vấn đề này. Gởi người tài giỏi ra nước ngoài để học cái văn minh của người mà về truyền bá cho nước ta. Vì sự đóng cửa và hạn chế của vua cũng như đình thần, đã đưa đến nước nhà một sự chậm tiến. Khi có dịp nguy mới tìm đến việc kêu cứu chữa. Phan Thanh Giản chết bằng cách này hay bằng cách khác đúng theo luật định của người giữ thành”. (Phan Thanh Giản đã chết đúng theo luật định của người giữ thành! – Phan Thị Minh Lễ – tạp chí XƯA & NAY.)

Chín chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan” như một lá đơn từ chức gởi cho người đương thời và hậu thế của ông vì thế cũng mang ý nghĩa của một biểu trưng hai mặt, hay nói như Nguyễn Đình Chiểu “Minh sinh chín chữ lòng son tạc, Trời đất từ nay bặt gió thu”, đó là sự buông xuôi của nhà chính khách bất lực mặc dù thông qua cách chuộc tội của bậc quân tử chí thành.

Cái nhục mất thành mất đất của nhà Nguyễn, cụ Phan Thanh Giản đã tình nguyện gánh chịu “Theo nghĩa thì thần phải chết, không dám tạm bợ sống mà để lại cái nhục cho quân phụ” (Di sớ). Nhưng nỗi khổ làm dân vong quốc của sĩ dân Lục tỉnh thì cụ tự biết mình không sao gánh được “Minh sinh xin bỏ, nếu không xin đề Quan tài của người học trò già họ Phan ven biển nước Đại Nam, cũng lấy đó đề trên bia mộ”.

Bi kịch của cụ Phan Thanh Giản lúc còn sống vì vậy còn là sự phá sản về đạo đức của trật tự cũ, một trật tự không phản ảnh thực tiễn mà khẳng định tín điều.

Xem thêm  5 Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc di cư 1954

Tập hợp những tham luận của 2 cuộc thảo luận gần đây nhất (1994 và 2003) được ghi lại trong cuốn sách Phan Thanh Giản – Trăm Năm Nhìn Lại do nhà xuất bản Thế giới phát hành tháng 12 năm 2017

Không phải chén độc dược nào cũng đắng

Năm cụ Phan Thanh Giản 4 tuổi, Ngô Tòng Châu đã uống rượu độc tự tận ở thành Quy Nhơn. Chén rượu của Ngô được các nhà nho phù Nguyễn chống Tây Sơn đương thời ca ngợi về hiệu quả chính trị “Tận chước thuần thành thù hoạ loạn – Rót hết lòng thành mời hoạ loạn” (Lê Quang Định, Ngô Lễ bộ tửu) cũng như về ý nghĩa lịch sử “Thiên cổ công danh tuý hậu hoàn – Say rồi, ngàn thuở vẹn công danh” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Lễ bộ tửu).

Còn chén độc dược của cụ Phan Thanh Giản thì đắng ngắt nỗi đau bất lực và thất bại. Nhưng vị đắng mà chén rượu Xuân thu dành cho cụ Phan Thanh Giản không chỉ có thế. Sau khi “nhắm mắt đi vào cơn trường dạ” (Đinh Hùng) năm 1867, cụ vẫn có một cuộc đời không ngừng thăng trầm cùng vận nước. Từ bản án xử tội của triều đình vua Tự Đức năm 1868 tới sắc văn khai phục của triều đình vua Đồng Khánh năm 1885, các thế lực phi nghĩa luôn tiếp tục lợi dụng cái hành trạng chính trị đa diện và đa nghĩa này.

Nhưng điều xót xa là năm 1963 giới sử học mácxít lại cường điệu sự khác biệt giữa cụ Phan với Trương Định, Nguyễn Hữu Huân mà quên đi sự khác biệt giữa cụ với Trần Bá Lộc, Tôn Thọ Tường, thậm chí trong khi lẽ ra phải chống lại những kẻ lợi dụng lịch sử thì lại quay ra lên án cụ Phan Thanh Giản…

Và đến khi thấy cần sửa chữa sai lầm ấy, một nhà sử học nổi tiếng đã phải kê khai chi tiết công tội của cụ Phan Thanh Giản theo hai hệ thống dựng nước và giữ nước như một báo cáo ưu khuyết điểm của đương sự để trình lên Ban Bí thư! Cái bi kịch sau khi chết của cụ Phan Thanh Giản vì vậy còn là bi kịch của một hệ thống nhận thức luận và phương pháp luận sử học.

Xem thêm  "Tảng đá biết đi, bụi cây biết nói" - Ác mộng của lính Mỹ

Phát biểu trong cuộc Toạ đàm ngày 16.8.2003, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng nói “Một nhà sử học lớn như Trần Huy Liệu (người tổng kết cuộc Hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1963 ở Hà Nội) không thể không biết điều đó (tức sự thành kiến với cụ Phan Thanh Giản)”. Chính nghĩa cũng có những bất công của nó!

Chén đắng rượu Xuân thu…

Từ 1975 đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu mới về cụ Phan Thanh Giản nào được xuất bản ở Việt Nam. Dĩ nhiên việc tìm hiểu cụ Phan Thanh Giản mà trọng tâm là tấn bi kịch của cụ có phải là vấn đề khoa học cấp thiết cần đưa ra vào lúc này hay không là chuyện khác.

Nhưng chắc chắn nó phải được tiến hành một cách thật sự khoa học, nghĩa là trên một cơ sở tư liệu chính xác, toàn diện và nhất là với một thái độ nghiêm túc và không vụ lợi. Điều này có thể sẽ giúp cụ Phan Thanh Giản tránh được cái chết lần thứ 5 trong thời hội nhập. Bởi vì cụ Phan Thanh Giản là một bi kịch của cả lịch sử lẫn sử học trong quá khứ, nhưng nếu không nhận thức và chia sẻ được bi kịch ấy thì đó là tấn bi kịch của chính chúng ta.

Giải oan sau 140 năm

Sau 140 năm, 4 lần tuyên án chết cho cụ Phan Thanh Giản, đến năm 2006 nhiều tư liệu mới đánh giá công bằng về nhân cách, sự nghiệp và bi kịch cuối đời của cụ Phan Thanh Giản được tìm lại và bổ sung. Từ nước Pháp xa xôi, bà Phan Thị Minh Lễ với sự cho phép của gia đình dòng họ Đô đốc De la Grandière đã may mắn tiếp cận để tra cứu một số hồ sơ cất kỹ chưa hề mở ra xem từ khi đô đốc này qua đời. Nội dung hồ sơ trên với bốn tập thủ bản gồm các thư từ riêng của De la Grandière cho thấy người Pháp rắp tâm chiếm đóng ba tỉnh miền Tây và bí mật sắp đặt như thế nào.

Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc 3 tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”. Với “tuyên ngôn” này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận. Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế…

Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều.

– Nguyên Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt.

Đó là nguồn tài liệu mới nhất mà bà Minh Lễ, tiến sĩ sử học Đại học Paris VII, đã công bố và kết hợp sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác từ kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp (cũng như từ châu bản triều Tự Đức) để cùng giáo sư Pierre Ph.Chanfreau đồng biên khảo công trình: Những năm cuối đời của Phan Thanh Giản, nhà yêu nước và người mở đường cho một nước Việt Nam hiện đại (Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam moderne, ses dernirères années 1862 – 1867) xuất bản tại Pháp cuối năm 2002, song tới nay vẫn chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam.

Phan Thanh Gian, Patriote Et Précurseur Du Vietnam Moderne: Ses Dernières Années (1862 1867)
Phan Thanh Gian, Patriote Et Précurseur Du Vietnam Moderne: Ses Dernières Années (1862 1867)

Mới đây để giới thiệu công trình này, hai tác giả Nguyễn Nghị và Nguyễn Hạnh có bài viết chung in trong cuốn “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” (Tải về) (nhiều tác giả, dày hơn 300 trang, do Tạp chí Xưa và Nay kết hợp NXB Đồng Nai ấn hành tháng 8.2006) đã nhận định rằng, bằng những tư liệu chưa được công bố, TS Minh Lễ và GS Chanfreau đọc lại lịch sử với ánh sáng mới đi đến “minh chứng một cách hùng hồn và đầy thuyết phục Phan Thanh Giản không phải là một kẻ bán nước, phản quốc và phản dân tộc”.

Đồng thời, có 30 nhà khoa học, chính khách trong và ngoài nước như các vị: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu, Văn Tạo, Trương Bá Cần, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Như Mai, Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Khắc Thuần, Trần Viết Ngạc, Sơn Nam, Cao Tự Thanh, Trần Đại Vinh góp bài trong sách để “ghi nhận một chặng đường nhận thức dài cùng những biến thiên của lịch sử đất nước, chân dung cụ Phan học sĩ đang dần trở lại với cái nhìn đầy lòng vị tha truyền thống của người Việt Nam”.

Ngôi mộ cụ ngày nay đã được Ủy Hội Quốc Gia bảo tồn cổ tích liệt hạng. Trước mộ có tấm bia ghi hàng chữ: “Nam kỳ hải nhai lão thơ sanh Phan công chi mộ”.

Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 10 âm lịch, người dân khắp nơi đổ về đình Tương Bình Hiệp để viếng cụ Phan Thanh Giản.

Xem thêm  Vì sao vua Quang Trung chết? Sự thật về cái chết của vua Quang Trung

Bến Tre là nơi cụ Phan Thanh Giản sống đến cuối đời. Từ tháng 10-2003 đến tháng 2-2004 tại ấp Thạnh Nghĩa, xã bảo Thạnh, huyện ba Tri, Bến Tre đã tiến hành xây dựng đền thờ và dựng tượng cụ Phan Thanh Giản. Sáng 4-5-2004, Hội khoa học Lịch sử VN, tạp chí Xưa & Nay và UBND tỉnh Bến Tre, UBND huyện Ba Tri tổ chức lễ Khánh thành đền thờ, dựng tượng cụ Phan Thanh Giản.

Đền thờ cụ Phan Thanh Giản
Đền thờ cụ Phan Thanh Giản. (Ảnh tuoitre.vn)

Riêng tại Cần Thơ, ngôi trường Phan Thanh Giản theo hồ sơ có được thì bắt đầu xây dựng từ năm 1917 đến nay đã gần 90 năm. Vào tháng 11 năm 1995, trường đổi tên là trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm. Với chiều dài lịch sử như vậy, nếu tên trường không hoàn trả lại như cũ là một điều rất đáng tiếc. Có dư luận cho rằng, nhà nước địa phương có dự tính xây cất một ngôi trường mới đồ sộ hơn ở bên kia Xóm Chài và đặt tên Phan Thanh Giản mới tương xứng (?).

Việc xây dựng trường ốc để nâng cao dân trí là việc làm của chính quyền, chọn tên để đặt thế nào cũng được, đâu bắt buộc phải đặt tên cụ Phan Thanh Giản? Trong khi ngôi trường cũ là một di tích văn hoá lâu đời cần được tôn tạo và giữ gìn – ít nhất cũng đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số người dân địa phương nói riêng, toàn dân các tỉnh đồng bằng miền Nam và cả nước nói chung, đó là tình cảm yêu thương, gắn bó với một tên gọi trân quý và hãnh diện trong lịch sử dựng nước và giữ nước: PHAN THANH GIẢN.

Trường Phan Thanh Giản - Vào tháng 11 năm 1995, trường đổi tên là trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
Trường Phan Thanh Giản – Vào tháng 11 năm 1995, trường đổi tên là trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm.

Một vấn đề thiết nghĩ nên sớm bàn, nhà nước cần làm ngay là sửa chữa, điều chỉnh lại toàn bộ sách giáo khoa về những điểm sai lầm đối với các nhân vật lịch sử mà trước đây do chính kiến đã không trung thực như vấn đề cụ Phan Thanh Giản… Ðừng để kiến thức học sinh nhiều thế hệ tiếp tục bị hiểu sai lạc lịch sử, dẫn đến nhiều sai lạc trầm trọng khác nữa cho đời sau.

“Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Một vùng mây bạc chốn Ngao Châu.
Ba triều công cán đôi hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải bắc ngày trông tin nhạn vắng,
Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Minh tinh chín chữ lòng con tạc,
Trời đất từ đây bặt gió thu.”

Bài thơ trên được Đông Hồ đăng trên Nam Phong tạp chí số 107 (7-1926) với chú thích: Ông Phan Thanh Giản khi sắp mất có làm bài thơ di bút để lại, và dặn con để minh tinh chín chữ “Hải nhai thư sinh Phan Lương Khê chi cữu – 海涯書生潘良溪之柩.”

—————————-

Bài viết được Khám Phá Lịch Sử tổng hợp từ:

Hoàng Lê, Wikipedia, Tạp chí Xưa & Nay, Tuổi Trẻ Online, Báo Đồng Khởi, Thi Viện, Vusta, khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, thuvienbentre.gov.vn…

Phan Thanh Giản – Bi kịch 4 lần chết và nỗi oan 140 năm

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Bài viết liên quan