Việt Nam “giải phóng” hay “xâm lược” Campuchia? Người Campuchia ghét Việt Nam? Là những chủ đề mà mấy năm gần đây được giới trẻ Campuchia và Việt Nam tranh cãi, thậm chí gây hấn, xúc phạm nhau trên mạng xã hội. Vậy sự thật thế nào? Mời các bạn cùng thảo luận với Khám Phá Lịch Sử nhé.
Nội dung
- Góc nhìn của cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk
- Góc nhìn của Sok Touch – người từng là thành viên của Khmer Đỏ
- Góc nhìn của thủ tướng Campuchia Hun Sen
- “Một bộ phận người Campuchia” thể hiện tình cảm với Việt Nam như nào?
- Vì sao Việt Nam phải đóng quân 10 năm tại Campuchia?!
- Quan điểm của Hun Sen
- Quan điểm của Việt Nam
- Vì sao có “một bộ phận người Campuchia ghét Việt Nam” và cái luận điểm này xuất phát từ đâu?
Góc nhìn của cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk
Chính trị vốn phức tạp hơn nhiều so với những tuyên bố ngoại giao nhất thời. Sihanouk là một ví dụ điển hình.
Cố gắng trung lập rồi bị lật đổ bởi Lon Nol (chế độ thân Mỹ), ông quay sang hợp tác cùng Khmer Đỏ (lúc này ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ) và nhận trợ giúp từ Việt Nam và Trung Quốc.
Khmer Đỏ cầm quyền, ông trở thành tù nhân không tuyên bố, họ hàng bị Khmer Đỏ giết, bị sỉ nhục, ngồi nghe radio hóng nước nào đó sẽ mang quân đến cứu nước mình. Chỉ mỗi Cuba tố cáo, và chỉ mỗi Việt Nam đã đến.
Khmer Đỏ ép ông đến Liên Hiệp Quốc vung vít tố cáo Việt Nam xâm lược. Tuyên bố xong thì ông nhờ cựu thù Mỹ giúp trốn khỏi tay Khmer Đỏ ngay tại New York.
Ông xin sang Pháp tị nạn thì Pháp cho, nhưng cấm ông đến đó để hoạt động chính trị. Không chấp nhận, ông đến Trung Quốc là nơi ông gọi là “Tổ quốc thứ hai“. Nhưng ông từ chối gợi ý của Trung Quốc về việc hợp tác lại với Khmer Đỏ, kẻ mà ông căm ghét nhưng lại đang được Trung Quốc bảo trợ.
Căm ghét ít lâu, ông lại cộng tác cùng Khmer Đỏ để tiếp tục rủa xả Việt Nam xâm lược.
Đến khi Heng Samrin (cựu thủ lãnh Khmer Đỏ, sau chống lại Polpot và sang Việt Nam nhờ hỗ trợ, cùng với 150.000 quân tình nguyện quay về tiêu diệt Khmer Đỏ, trở thành Lãnh tụ Đảng nhân dân cách mạng Campuchia) đủ mạnh để khống chế các phe phái ở Campuchia… Việt Nam rút quân theo quy ước đã bàn trước đây. Sihanouk về nước làm vua, đến lễ lạt ngoại giao lại cảm ơn bạn Việt Nam đã giải phóng cứu thoát khỏi diệt chủng.
Mời các bạn đọc Hồi ký Sihanouk, để biết rõ: “Việt Nam đã nhân nhượng, nhưng Khmer Đỏ càng lấn tới ngay từ khi chúng còn chưa cầm quyền; và Sihanouk đã hóng gì trong những ngày đen tối nhất dưới tay Khmer Đỏ – ông không một lời đổ lỗi cho Việt Nam, không oán trách 10 năm Việt Nam có mặt tại Campuchia bởi ông hiểu rõ không có 10 năm đó thì ngai vàng của ông sẽ không bền lâu, Campuchia sẽ không bao giờ hòa bình thực sự”.
Cũng trong hồi ký này quốc vương Campuchia cũng bày tỏ sự kính trọng đối với những nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Ông ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “công dân của Đông Dương, của châu Á và thậm chí là thế giới”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “một con người thông minh và nhạy cảm nhất” và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thiên tài, là nhà chiến lược vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta, và là một trong những nhà chiến lược vĩ đại nhất của mọi thời đại”.
Việt Nam đã nhân nhượng, nhưng Khmer Đỏ càng lấn tới ngay từ khi chúng còn chưa cầm quyền.
– Cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk
Góc nhìn của Sok Touch – người từng là thành viên của Khmer Đỏ
Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia khi còn là cậu bé 5 tuổi, chạy theo cha vào rừng và phải gia nhập Khmer Đỏ, trả lời phỏng vấn trên Khmer Times.
Dù từng là một thành viên của Khmer Đỏ, Touch luôn ca ngợi và bảo vệ sự chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot.
Là một học giả, thông điệp rõ ràng của tôi là khi người Việt Nam vào Campuchia năm 1979, họ đã giải cứu người Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ. Nếu không có sự can thiệp của bộ đội Việt Nam, tất cả chúng ta có thể đã bị giết… Năm 1989, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, sau khi đánh bại về cơ bản tàn quân Khmer Đỏ, củng cố chính quyền cách mạng cho nước bạn và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình.
– Ông Touch nói, bác bỏ các luận điệu thù địch về sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia.
Góc nhìn của thủ tướng Campuchia Hun Sen
2 tác giả Harish Mehta và Julie Mehta của cuốn “Hun Sen nhân vật xuất chúng của Campuchia” (Hun Sen: Strongman of Cambodia) cho biết ngay tại Chương 1, về phần phỏng vấn HunSen rằng: “Cuộc phỏng vấn đã diễn ra êm xuôi cho tới khi chúng tôi hỏi ông một câu, trong đó chúng tôi đã nhắc đến hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot như là một sự xâm chiếm.”
Điều này đã khiến cho ông Hun Sen đưa ra câu trả lời đầy sôi nổi, phẫn nộ. Ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng.
Ông hỏi lại bằng tiếng Anh với giọng phải cố uốn ép lên xuống, một ngoại ngữ mà ông thấy khó và chưa bao giờ cảm thấy cần phải thành thạo “Làm thế nào tôi, một người Campuchia lại xâm chiếm đất nước của chính mình?”
Sau khi được bộ đội Việt Nam tiếp nhận ngày 20/6/1977, ông đã yêu cầu phía Việt Nam giúp đỡ để lật đổ chế độ Pol Pot. “Tôi đã bị từ chối,” ông thất vọng kể.
Việt Nam cho biết nếu họ đồng ý yêu cầu của tôi xin giúp đỡ, họ sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia Dân chủ. Khi ấy chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng đàm phán với Campuchia Dân chủ để làm dịu các căng thẳng quân sự trên biên giới chung.
Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo của Việt Nam đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của tôi và nói điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước.
– Thủ tướng Campuchia HunSen
Ông Hun Sen nói, một cơ hội “vàng” đã xuất hiện khi Pol Pot tấn công Việt Nam vào năm 1977. Thái độ gây hấn của Pol Pot đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của Việt Nam.
“Một bộ phận người Campuchia” thể hiện tình cảm với Việt Nam như nào?
Ngày 7/1/2009, hàng chục nghìn người Campuchia ở Phnom Penh tụ tập tại sân vận động Olympic quốc gia ở Phnom Penh, nhiệt liệt chúc mừng 30 năm ngày kỷ niệm Campuchia thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ. Các hoạt động kỷ niệm quy mô lớn sau đó do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tổ chức và đã thu hút hơn 40.000 người tham gia.
Ngày 7/1/2019, Hàng chục nghìn người tập trung ở sân vận động tại Phnom Penh kỷ niệm 40 năm ngày kỷ niệm Campuchia thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ. Sau khi giúp chính phủ mới của Campuchia ngăn chặn những âm mưu trỗi dậy trở lại của tàn quân Khmer Đỏ, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh nghĩa cử đó của Việt Nam mãi được khắc ghi. Các hoạt động kỷ niệm quy mô lớn sau đó do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tổ chức và đã thu hút hơn hàng vạn người tham gia trên toàn quốc.
Vậy “người Campuchia ghét Việt Nam”? hay “một bộ phận nào đó” người Cam ghét Việt Nam?!
Qua tìm hiểu các bài viết có liên quan đến chủ đề “người Campuchia ghét Việt Nam” đều có những luận điểm sau:
– “Một thanh niên Cam nói “17/20 người trong số bạn bè của tôi ghét Việt Nam, và cho rằng Việt Nam có âm mưu mờ ám””. Luận điểm này thường được ghi nguồn là “Một bài viết trên báo Campuchia ngày 6-9-2014 đưa lời dẫn…”, qua tìm hiểu thì đó là tờ “The Phnom Penh Post”, nếu chỉ đọc cái tên thì đa số mọi người đều “ồ, đây là 1 tờ báo của người Campuchia”. Tất nhiên đây là 1 tờ báo ở Campuchia, có điều chủ của tờ báo này là “nhà xuất bản Michael Hayes” và được 01 tổ chức NGOs có trụ sở tại Úc đầu tư. Và bài báo này đăng tải năm 2014 (nhớ kỹ cái năm này nhé).
– “Nhà tù S21 nơi trưng bày hàng trăm cái đầu lâu của dân Campuchia bị giết, giấy trắng mực đen ở đây vẫn tuyên bố Việt Nam xâm lược Campuchia. Tại sao người Campuchia coi Việt Nam là quân xâm lược?”. Luận điểm này xuất hiện trên tờ “The Cambodia Daily” và tờ báo này do Bernard Krisher, một nhà báo Mỹ thành lập. Krisher thuê hai nhà báo trẻ và tương đối thiếu kinh nghiệm, Barton Biggs và Robin McDowell, là biên tập viên của tờ báo từ năm 1993. Đồng thời luận điểm này cũng xuất hiện trên báo từ năm 2014 (lại là năm này).
Nói thêm thì “Invade” và “occupy” được nhắc tới trong bài Nhà tù S21 thì trong tiếng Anh không mang hàm ý xấu dù theo tiếng Việt nhiều người lại hay dịch là “xâm lược”, “chiếm đóng”. Bởi trong tiếng Anh người ta cũng gọi nó là The Normandy Invasion – mà nếu dịch ra tiếng Việt sẽ là cuộc xâm lược Normandy, hàm ý là bọn xâm lược là bọn xấu xa. Các lực lượng Mỹ đóng quân ở Nhật Bản hay châu Âu sau Thế chiến cũng được gọi kể cả trong văn bản chính thức là Occupation Forces – các lực lượng chiếm đóng. Hai ví dụ này là bằng chứng để mọi người hiểu và bình tĩnh lại khi phản ứng quá mạnh mẽ với những từ ngữ không có chung nội hàm trong các ngôn ngữ.
Như vậy cái cụm từ “Invade” và “occupy” xuất hiện ở các bảng hướng dẫn tại Nhà tù S21 không có ý nghĩa là “xâm lược” hay “chiếm đóng”. Theo đúng bản chất tiếng Anh là “Invade” có nghĩa là “đưa quân vượt biên giới…” và “occupy” có nghĩa là “duy trì sự hiện diện”.
– “Tìm hiểu ân oán Việt Nam – Campuchia” do Tiến sĩ (?) Nguyễn Mai Phương đăng tải trên facebook cá nhân và được Page The X-file of History đăng tải lại gần đây đều sử dụng nguồn từ các báo chí phương Tây, thậm chí là trích nguồn các luận điểm trên của 2 tờ báo nêu trên để cho đậm đà bản sắc Campuchia. Và cũng thật lạ là bài này được tăng tải lên mạng từ năm 2014!
(Lát nữa phần dưới sẽ nói về cái năm 2014 này!)
Vì sao Việt Nam phải đóng quân 10 năm tại Campuchia?!
Quan điểm của Hun Sen
Về việc quân đội Việt Nam ở lại Campuchia sau khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ về vùng biên giới, Ông Hun Sen giải thích: “Chính tôi đã nói với Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam) và những người khác rằng nếu họ rút quân và Pol Pot quay trở lại được, thì càng nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pol Pot và chúng tôi cần thời gian để củng cố các lực lượng và nền kinh tế của mình.”
Ông nói thêm:
“Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên. Ngay cả khi là một Bộ trưởng Ngoại giao, tôi vẫn can dự vào một chiến lược như thế.
“Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao gồm Campuchia, Lào và Việt Nam ở Hà Nội vào năm 1985, chúng tôi đã đồng ý là các lực lượng bộ đội Việt Nam sẽ rút quân từ 10 tới 15 năm nữa. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Campuchia, và các cuộc đàm phán (hòa bình) giữa Sihanouk và tôi, chúng tôi đã rút các lực lượng bộ đội Việt Nam sớm hơn”.
Quan điểm của Việt Nam
“Năm 1979 chúng ta mới chỉ đánh tan chế độ diệt chủng Pol pot, nhưng chưa tiêu diệt hết lực lượng Khmer Đỏ và kể cả thủ lĩnh của chúng, chúng vào rừng và chạy qua Thái Lan lập chiến khu nhận viện trợ của Mỹ, Trung Quốc, Singapore rồi sẽ phản công trở lại. Nếu Việt Nam rút quân thì vài ngày sau Pol pot sẽ trở lại Phnompenh, mọi chuyện quay lại xuất phát ban đầu. Tiếp tục ở lại tiêu diệt bằng hết Khmer Đỏ và giúp Campuchia xây dựng nhà nước là điều phải làm, không có cách nào khác.”
Ngoài ra, Việt Nam vừa trải qua cuộc kháng chiến trăm năm mới giành lại toàn vẹn độc lập, thống nhất từ tay Pháp – Nhật – Mỹ, Chiến tranh biên giới với Trung Quốc cũng chỉ vừa mới lắng xuống, quan hệ giữa 2 nước vẫn đang nóng. Không thể để xảy ra tình trạng “lưỡng đầu thọ địch” như năm 1979. Đồng thời, khối ASEAN lúc đó được thành lập chủ yếu là để chống lại Việt Nam, tư duy lãnh đạo Việt Nam lúc đó thấy rõ “Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào nhưng chư hầu của Mỹ thì vẫn vây bám Việt Nam”. Nếu không thể đảm bảo tuyến phòng thủ phía Tây Nam vững chắc để duy trì sự bình ổn cho đất nước thì vĩnh viễn Việt Nam sẽ không bao giờ có thời gian xây dựng, phát triển đất nước. Ở thế bất khả kháng, Việt Nam buộc phải duy trì sự hiện diện ở Campuchia trong một thời gian dài.
Thêm nữa, khi đó quân đội Cách mạng nhân dân Camphuchia mới được tái thành lập, khí tài thiếu thốn, kinh nghiệm gần như không có. Các thế lực trong nước (Cam) liên tục xuất hiện chống đối, Thái Lan đã tổ chức hàng ngàn căn cứ “kháng chiến” xung quanh biên giới “Thái – Cam” làm nơi ẩn náu không chỉ cho Khmer Đỏ mà còn cho các thế lực chống Việt Nam. Phe “Bảo Hoàng” gia tăng việc tuyên truyền hình ảnh cho Sihanouk như “một vị cứu tinh có thể gắn kết dân tộc” chống lại việc xây dựng 01 nhà nước XHCN ở Campuchia. Vấn đề “thù trong – giặc ngoài” ở Campuchia chỉ trực nổ tung, cái hòa bình cỏn con mà người Cam mới đạt được có thể bị hủy chỉ trong 01 ngày! Tướng Heng Samrin giữ trạng thái trung lập càng gây khốn khó cho HunSen trong việc chấn chỉnh nội bộ Campuchia. Chính vì thế việc duy trì sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia đã giúp đất nước này thoát khỏi cái vấn nạn như Syria, Yemen, Libia… đang diễn ra lúc này.
Vì sao có “một bộ phận người Campuchia ghét Việt Nam” và cái luận điểm này xuất phát từ đâu?
– Jaturapattarapong, cựu sinh viên trường Đại học Queensland trả lời BBC News (UK) như sau: “Đảng đối lập Chính phủ Hun Sen luôn duy trì chính sách bài Việt Nam. Các chương trình tuyên truyền đều nhắm vào cộng đồng người Việt, với phần lớn dân số Campuchia sống tại nông thôn, họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin truyền bá này.”
– Năm 2012, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) được thành lập và năm 2013 thực hiện cuộc chạy đua cuộc tổng tuyển cử năm đối đầu với Đảng nhân dân Campuchia. Để thực hiện việc “kiếm phiếu bầu”, CNRP đã tung ra chiêu bài “cây thốt nốt mọc đến đâu, đất (xưa) của người Cam trải dài đến đó” xúi giục bộ phận người dân Cam mà nòng cốt là những thành phần trước đây được hưởng lợi từ chế độ Lon Nol và Khmer Đỏ ra mặt chống phá, cũng trong quá trình chạy đua này CNRP đã nhiều lần tổ chức các cuộc “vượt biên trái phép” sang Việt Nam để cắm mốc chủ quyền, đòi lại đất của Đế quốc Khmer (trước đây), đỉnh điểm là năm 2014 số vụ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam do CNRP giật dây ngày càng nhiều, khiến cho Việt Nam phải tăng cường mức độ cảnh báo quốc phòng.
Tại thời điểm này (năm 2014), “Đoàn hòa bình (Peace Corps)” của Mỹ bị Cục An ninh Campuchia điều tra với lý do đứng sau việc hẫu thuận cho CNRP tổ chức các hoạt động nhằm lật đổ HunSen. Được biết việc thành lập CNRP cũng có sự “lobby” của PC đối với các chính trị gia, đảng phái khác trong chính phủ nhằm tạo ra thế cân bằng với Đảng Nhân dân Campuchia của HunSen. Đến năm 2017, “Đoàn hòa bình (Peace Corps)” bị Chính phủ Campuchia buộc phải rút khỏi Campuchia, cũng trong năm này CNRP bị Tòa án Tối cao Campuchia ra phán quyết giải thể với tội danh “phản quốc”, âm mưu lật đổ chính quyền hiện tại một cách bất hợp pháp.
Như vậy, Luận điểm “người Campuchia ghét Việt Nam” thực chất bắt đầu nở rổ và phát triển mạnh tạo thành “dòng tư tưởng” trong người Việt là từ năm 2014. Khi mà CNRP và Mỹ đứng sau thực hiện các âm mưu nhằm phá hoại tình đoàn kết “Việt-Cam” cũng như âm mưu lật đổ chính quyền HunSen.
Phải chăng “tinh thần tự nhục” của người Việt đã vượt quá sự kiểm soát kể cả về mặt tinh thần khi mà chỉ cần “nghiên cứu” các tài liệu có nguồn gốc từ “Tây – Mỹ” là y rằng tin răm rắp, rồi từ đó về biên thành 01 bài dài ngoằng gắn thêm cái mác “Tiến sĩ” sau đó khiến cả ngàn người Việt “tự nhục” tin theo, để rồi trong tiềm thức cứ đinh ninh “người Campuchia ghét Việt Nam”.
Tôi đảm bảo rằng, “một bộ phận người Campuchia ghét Việt Nam” là có, bởi ở thời kỳ nào, đất nước hay chế độ nào luôn luôn có 01 bộ phận nào đó của dân tộc nào đó ghét những dân tộc, đất nước khác. Có điều đừng nhập nhằng ghi rằng “người Campuchia ghét Việt Nam”, một bộ phận kia không đại diện cho tất cả. Còn những người Campuchia có tiếng nói, có uy tín và đã từng tham gia Khmer Đỏ đã lên tiếng nhiều lần phản bác cái luận điểm “người Campuchia ghét Việt Nam”!
Các bạn không chung tay xây dựng đất nước được thì cũng đừng góp công phá hoại! Giữa đám đông có thể lạc quan, có điều khi còn một mình thì… lạc lối đấy!
Bão Lửa