Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về nguyên nhân cuộc di cư 1954 với những quan điểm trái chiều và gây tranh luận trong giới sử học. Còn với chúng tôi, cuộc di cư Việt Nam năm 1954 có 5 nguyên nhân chính. Mời các bạn cùng Khám Phá Lịch Sử thảo luận về vấn đề này.
Khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư Việt Nam năm 1954, chúng tôi nhận thấy không thể có được sự đồng thuận hoàn toàn từ các nhà khoa học về nguyên nhân chính của cuộc di cư. Mỗi nhà khoa học có những quan điểm riêng dựa trên cách tiếp cận với những góc độ khác nhau của vấn đề. Xã hội loài người rất đa dạng và phong phú, với nhiều mối quan hệ chằng chéo, đan xen nhau, những cách suy nghĩ, toan tính khác nhau. Tất cả những yếu tố phức tạp đó sẽ tổng hợp nên một sự kiện lịch sử. Cuộc di cư năm 1954 cũng không phải là một ngoại lệ.
Theo chúng tôi, cuộc di cư năm 1954 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và tất cả hành động của các bên, cả chủ quan lẫn khách quan, đều ít nhiều tác động đến quyết định di cư của giáo dân: vai trò của chính quyền Mỹ và chính quyền VNCH, vai trò của chính quyền VNDCCH, vai trò của các cha cố, của bản thân đồng bào Công giáo di cư, sự tác động của hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Chúng tôi thấy rằng tất cả diễn biến, hoạt động, suy nghĩ của các đối tượng người nói trên đều góp phần tạo ra nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư ồ ạt.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư 1954 vừa có yếu tố tác động bên ngoài như chính quyền Mỹ cần duy trì một chính quyền thân Mỹ và chấp nhận sự điều khiển của Mỹ ở miền Nam, vừa xuất phát từ tâm lý chủ quan mà các nhà nghiên cứu luận giải là niềm tin Công giáo.
Đặc biệt, việc bản thân Ngô Đình Diệm là người Công giáo cũng là một yếu tố cần lưu tâm khi xem xét nguyên nhân cuộc di cư. Đồng bào Công giáo miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, họ chưa đánh giá được tình hình và trên một khía cạnh nào đó họ cũng bị kế hoạch di cư của chính quyền Ngô Đình Diệm tác động đến nhận thức và quyết định.
Đối với chính quyền VNCH, việc khuyến khích số đông người di cư vào Nam (trong đó chủ yếu là người Công giáo) là một việc làm hết sức cần thiết và bức bách trong 62 chiến lược của Ngô Đình Diệm. Bởi thế, việc chính quyền VNCH đã lên kế hoạch một cách tỉ mỉ cho cuộc di cư với nguồn tiền hỗ trợ khổng lồ từ các nước Phương Tây, chủ yếu từ Mỹ, là điều không thể chối bỏ.
Tóm lại, chúng tôi nhận thấy rằng cuộc di cư của người dân miền Bắc vào miền Nam có thể tóm gọn trong 5 nguyên nhân chính yếu sau:
– Thứ nhất, chính quyền Mỹ xem cuộc di cư là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của mình, muốn biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, phục vụ lợi ích và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Do đó chính quyền Mỹ đã ra sức giúp đỡ chính quyền VNCH trong việc di chuyển dân chúng vào Nam. Theo chúng tôi, nếu không có sự giúp đỡ này, cuộc di cư sẽ khó có thể có quy mô lớnvà nhanh chóng như vậy.
– Thứ hai là sự tuyên truyền mạnh mẽ của chính quyền VNCH, trong đó có những lời tuyên truyền bóp méo sự thật.
– Thứ ba, vai trò quan trọng của Giáo hội và phản ứng của các vị linh mục trước thời cuộc, đã có những tác động rất lớn đến quyết định nên đi vào Nam hay không của giáo dân.
– Thứ tư là phản ứng chậm trễ của chính quyền VNDCCH trước kế hoạch di cư đồng bào Công giáo miền Bắc của Chính quyền VNCH.
– Cuối cùng, dư âm của nạn đói, sự tàn phá của chiến tranh, nền kinh tế khó khăn khiến một số người di cư vì muốn tìm đến nơi làm ăn thuận lợi hơn. Đó là lý do mà trong cuộc di cư này không chỉ có người Công giáo mà còn có bộ phận dân cư theo tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, người không có đạo,…
Mời các bạn xem một số hình ảnh lịch sử về cuộc di cư 1954 này: