Đàng Trong và Đàng Ngoài là gì? Nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của cách gọi “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài” này thế nào? Mời các bạn cùng Khám Phá Lịch Sử tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Nội dung
Niên đại 1600, đánh dấu sự thoát ly của Nguyễn Hoàng khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng. Nói rõ hơn, niên đại 1600, Nguyễn Hoàng dứt khoát bỏ miền Bắc, đặt Thuận – Quảng vào thế đứng biệt lập với Thăng Long.
Sau biến cố Tết Đoan Ngọ, 1600, có một chỉ danh mới xuất hiện trong ngôn ngữ địa phương, đặc biệt là vùng Bắc Bố Chính, đó là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Bàn về sự xuất hiện hai địa danh Đàng Ngoài, Đàng Trong, đã có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau.
Nguồn gốc của sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài
Nguồn gốc của sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài bắt nguồn từ cuộc chiến Nam – Bắc triều. Trong công cuộc phục hồi triều Lê dấy lên ở Thanh Hoá, sau khi Nguyễn Kim bị mưu sát, Trịnh Kiểm được vua Lê đưa lên nắm quyền, đã tìm cách loại trừ phe cánh của Nguyễn Kim. Con trai đầu của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông bị ám hại, con trai thứ Nguyễn Hoàng, theo gợi ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm và giúp đỡ của chị là vợ Trịnh Kiểm đã cùng anh em, bà con người Tống Sơn và quan lại cũ của Nguyễn Kim xin được vào trấn thủ Thuận Hoá (1558) rồi kiêm lĩnh luôn đất Quảng Nam (1570).
Từ đó, con cháu họ Nguyễn thế tập giữ tước quận công do vua Lê ban cho Nguyễn Hoàng và về danh nghĩa vẫn tôn phù vua Lê, nhưng trên thực tế hoàn toàn cai quản vùng Thuận-Quảng và nhân dân gọi là chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn một mặt xây dựng hệ thống thành luỹ kiên cố, như lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ (lũy Thầy), lũy Trường Sa, lũy Trấn Ninh, lũy Sa Phụ để gia tăng phòng thủ, đánh lui các cuộc tiến công của quân Trịnh, mặt khác mở rộng dần lãnh thổ về phía nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long. Trong gần nửa thế kỷ từ 1627 đến 1672, hai bên đánh nhau 7 lần mà không có kết quả, dân tình quá khổ cực, chán nản, hai họ Trịnh, Nguyễn phải ngừng chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt lãnh thổ, miền Nam sông Gianh thuộc quyền chúa Nguyễn, được gọi là Đàng Trong hay Nam Hà
“Chữ Đàng” trong danh từ “Đàng Ngoài, Đàng Trong” vốn có nghĩa là gì?
Trong cuốn Từ điển An nam – Lusitan – La tinh (thường gọi Từ điển Việt – Bồ – la, NXB KHXH, 1991 của A. de Rhodes (do Thanh Lãng – Hoàng Xuân Việt – Đỗ Quang Chính dịch), Đàng Ngoài là “bốn tỉnh chung quanh thủ đô Đông Kinh”, Đàng Trong là “những tỉnh còn lại từ nước (sic) Đông Kinh cho tới vương quốc Chămpa”.
Nhiều từ mang nguyên âm “ă” trong tiếng Việt hiện đại thì ở thế kỷ XVII còn mang nguyên âm “a” nên trong từ điển của De Rhodes ghi: có chang (chăng), chảng có (chẳng có), chạt tay (chặt tay),… Do đó, trong từ điển trên có đàng mà chưa có đằng.
Trong Từ điển tiếng Việt (2000), Hoàng Phê (chủ biên) ghi nhận đàng và đằng là hai dạng của một từ. Đằng có hai nghĩa (trong bốn nghĩa) có liên quan tới từ Đàng (Đàng trong, Đàng ngoài):
- Nơi, trong quan hệ đối lập với một nơi khác: Ngồi ở đằng mui thuyền, chứ không phải ở đằng lái.
- (khẩu ngữ) Phía của người hoặc những người nào đó, trong quan hệ đối lập với một phía khác; bên: đằng họ nhà gái; bà con về đằng ngoại.
Trong cuốn Xứ Đàng Trong (NXB Trẻ, 1999, tr. 16–17) của Li Tana (Nguyễn Nghi dịch), dịch Đàng Trong là “vùng trong”. Dịch “Đàng” là “vùng” cũng tạm được nhưng chưa sát nghĩa.
Tóm lại, Đàng trong danh từ Đàng Trong và Đàng Ngoài có nghĩa là “phía bên”, mang ý nghĩa đối lập nhau. Đàng ngày trước chính là đằng ngày nay.
(PGS.TS Lê Trung Hoa)
Chỉ danh Đàng Ngoài – Đàng Trong và thời điểm xuất hiện
Sau năm 1600, khi ba cái đồn ở Bắc Bố Chính được thiết lập, thì sinh hoạt địa phương trở nên nhộn nhịp. Một phần do binh lính trong đồn có nhu cầu của đời sống, một phần dân cư gần đó muốn có sự trao đổi mua bán với quân sĩ trú đóng trong ba cái đồn. Do vậy mới có một cái chợ [gia binh] nhóm gần đồn Phan Long. Lúc đầu tên cái chợ cũng là tên cái đồn, chợ Phan Long. Về sau chợ được cải tên là chợ Ba Đồn. Có lẽ do binh lính và cả vợ con của họ ở đồn Xuân Kiều và đồn Trung Ái tập trung về chợ Phan Long, càng ngày càng đông, do đó mới có một tên chung là Chợ Ba Đồn [chợ chung cho cả ba cái đồn]. Chợ Ba Đồn từ ngày khai sinh, nay đang tồn tại và trở thành một thị trấn lớn, nơi đặt huyện lỵ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay.
Do hoàn cảnh lịch sử, phương dân cả phía bắc Đèo Ngang, cả phía nam Đèo Ngang đã có cơ hội gặp gỡ nhau, mua bán, trao đổi hàng hoá địa phuơng với nhau tại một cái chợ phiên, cứ 10 ngày họp một lần vào các ngày 6, 16, 26 của mỗi tháng âm lịch.
Khi họp chợ, người ta quen nhau, biết mặt nhau và biết cả quê quán của nhau. Từ một hoàn cảnh như vậy, tất dễ phát sinh ra một chỉ danh đặc biệt để phân biệt kẻ trong, người ngoài. Do vậy, danh xưng Đàng Trong – Đàng Ngoài, chúng tôi cho rằng đã xuất hiện sau năm 1600. Địa điểm xuất hiện là vùng Bắc Bố Chính. Cơ hội xuất hiện là trong các phiên họp chợ ở Ba Đồn. Tập thể sử dụng đầu tiên có thể là phương dân vùng Sông Gianh – Đèo Ngang, bởi vì câu ca dao dùng chỉ danh Đàng Ngoài đầu tiên mang thổ ngữ đặc sệt của điạ phương Bắc Bố Chính.
Đàng Ngoài đã lắm cau khô.
Lắm con gái đẹp trẩy vô thăm chồng,
Gặp trộ mưa giông,
Đàng trơn gánh nặng,
Đèo Ngang chưa trèo,
Khớp [sợ] hòn đá cheo leo,
Chân trèo, chân trợt,
Kháp [giáp mặt] O múc nước
Chộ [thấy] chú chăn trâu,
Ba đồn quan lính ở đâu ?
(Ca dao vùng Bắc Bố Chính)
(Hoàng Đinh Hiếu – nghiencuulichsu.com)
Nhưng tại sao lại là chữ “Trong” và chữ “Ngoài”
“Không phải người xưa không biết phân biệt đông tây nam bắc, họ đã vẽ bản đồ, chỉ khác một điều là hướng nam, hướng chính, nằm ở bên trên mang ý nghĩa Thiên tử ngồi ở phía bắc quán xuyến trông coi cai trị thần dân. Hướng nhìn đó đã đổi, chi li chính xác hơn, với kiến thức mới, trong các bản đồ ngay từ đầu óc trẻ thơ, ví dụ ở quyền Địa dư giáo khoa thư. Thế là Trung Kì, Nam Kì, theo đó Chiêm Thành, Cao Miên nằm ở phía nam Bắc Kì chứ không ở phía tây nữa. […] Và không thể coi từ Tây tiến đến Nam tiến chỉ là sự điều chỉnh danh từ. Trong tâm ý cũ, phía tây là rừng thiêng nước độc, là sự ngại ngùng e sợ. Sự phân biệt có định kiến đó đã lòn vào trong sự phân biệt “trong” và “ngoài”: trong rừng núi âm u tối tăm và ngoài đồng nội rộng rãi thênh thang. Danh xưng hai vùng Đàng Trong và Đàng Ngoài xuất phát từ thành kiến đó. Cho nên, ý niệm Nam tiến khi thay thế ý Tây tiến đã như một sự giải phóng trí óc to lớn. Tây tiến là khó khăn, gây sợ hãi, ngại ngùng […] trong khi Nam tiến lại được coi là một nhiệm vụ lịch sử, tự nhiên, suôn sẻ, hợp đạo lí, không thể chối cãi”
(Tạ Chí Đại Trường)
Theo tác giả Roland Jacques (trong cuốn “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”, NXB Khoa học xã hội, 2007), thì cách giải thích của một thầy cả Dòng Tên (và cũng là một nhà ngữ học) người Bồ Đào Nha là Gaspar do Amaral (tài liệu công bố năm 1637) có nhiều luận cứ đáng tin cậy. Theo ông, sau khi nhà Mạc chiếm quyền thắng thế ở Thăng Long, việc phục hồi nhà Lê lập tức được tiến hành. Năm 1545, nhà Lê(trung hưng) đã củng cố và xây dựng đắp lũy, làm nên một “mật khu” ở Thanh Hóa, Nghệ An. Sau đó kinh đô Thăng Long bị mất, nhà Lê(trung hưng) rút về hậu cứ và kiên trì tìm cách lấy lại.
Mãi đến năm 1592, nhà Lê(trung hưng) mới đoạt lại được đất đai từ tay kẻ “thoán nghịch” sau nhiều lần chinh chiến. Chính vào giai đoạn này người ta quen gọi vùng Thanh Hóa, Nghệ An là Đàng Trong (ngụ ý đất chính, đất của mình). Phần từ đó trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài. Cũng phải thôi, vì với triều thần nhà Lê(trung hưng), dải đất Thanh – Nghệ kia mới đáng là “trái tim” trong giang sơn của họ”.
Vậy theo thông tin do cố đạo Gaspar do Amaral cung cấp thì hai tên gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài đã ra đời từ khoảng giữa thế kỷ XVI.
(An ninh thế giới)
“Ra Bắc Vào Nam”
Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đầu đời Lê), động từ nhập đã được dùng để chỉ việc đi vào Nam: “Trần Thái Tôn mệnh thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải NHẬP ngự Nguyên nhân vu Nghệ An” ( Vua Trần Thái Tôn hạ lệnh cho Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải VÀO chặn đánh quân Nguyên ở Nghệ An).
Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của một tác giả tự xưng là “nhà nho đỗ thi hương, họ Đỗ Bá, hiệu Đạo Phủ, quê ở Bích Triều, Thanh Giang” cũng đã có những câu dùng XUẤT, NHẬP, NGOẠI liên quan đến hướng Nam Bắc như vậy: – “Như tự Cửa Lạc Việt, NHẬP, nghi thu đông, XUẤT nghi xuân hạ” ( Nếu từ Cửa Lạc vượt biển để VÀO thì phải đi trong mùa thu hay mùa đông, để RA thì phải đi trong mùa xuân hay mùa hạ). – “Tự Lại doanh XUẤT chí Kinh nhà Hồ… Tự NGOẠI NHẬP chí Tam Độ” ( Từ doanh Lại RA đến Kinh nhà Hồ… Từ NGOÀI mà VÀO đến Tam Độ).
Hơn nữa có chỗ văn bản vừa dùng câu chữ Hán có XUẤT, NHẬP vừa dùng câu Nôm có RA, VÀO để giải thích cho nhau: – “Tự Cầu Ngạn NHẬP tắc xanh thuyền diên Thạch Hà biên, XUẤT tắc xanh thuyền diên Thiên Lộc biên, tục vân VÀO THẠCH HÀ, RA THIÊN LỘC” (Từ Cầu Ngạn mà VÀO thì phải chèo thuyền ven theo bên Thạch Hà, mà RA thì phải chèo thuyền ven theo bên Thiên Lộc, có câu tục ngữ rằng: VÀO THẠCH HÀ, RA THIÊN LỘC).
Những cứ liệu lịch sử Việt Nam mà đưa ra để khẳng định rằng, chính lối nói VÀO NAM, RA BẮC đã đưa đến cách gọi ĐÀNG TRONG, ĐÀNG NGOÀI chứ không phải là ngược lại.
Chắc trước tiên phải có những câu nói cụ thể ở từng địa phương nhỏ, phản ánh đúng sự đi lại tùy theo địa hình từng vùng rồi sau đó mới hình thành những câu nói chung hơn như xuống Đông lên Đoài, ra Bắc vào Nam, chứ không phải là trước tiên có những công thức khái quát dựa trên địa lý toàn quốc rồi mới đem ứng dụng nhất luật vào từng vùng nhỏ.
Lối nói vào Nam – ra Bắc đã có từ thời Nguyễn Trãi. Vậy nó phải sản sinh trên cơ sở những lối nói về việc đi lại trên địa bàn Việt Nam khoảng thời gian trước đó, tức khoảng đầu thế kỷ XV về trước. Thời gian này, như cứ liệu lịch sử cho biết, lãnh thổ Việt Nam mới bao gồm vùng Bắc Bộ và giải đất từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên.
Đi vào nơi hẹp, kín, bí hiểm, tận cùng mà dùng vào, vào trong…, đi ra nơi rộng thoáng, mở mang mà dùng ra, ra ngoài…, điều đó hoàn toàn không có gì xa lạ với những lối nói quen thuộc như vào ngõ, vào cổng, vào trong hang, vào trong rừng/ra khơi, ra đồng, ra ngoài sân, ra ngoài bãi…
Nhưng do một sự tình cờ của địa lý, giải đất hẹp, bí hiểm vùng biên giới lại ở phía Nam, chỗ đồng bằng rộng thoáng, mở mang lại ở phía Bắc, cho nên những lối nói có vào/ra như trên lại ngẫu nhiên mang thêm một nét nội dung mới: nói vào một địa điểm X là nói đi về phía Nam hơn, so với đồng bằng Bắc Bộ; và nói ra một địa điểm Y là nói đi về phía Bắc hơn, so với các vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên.
(GS Nguyễn Tài Cẩn)