Hoa xưa nay vốn là bạn với người. Bông hoa, đối với người ta, là một cái biểu hiện nhiều ý nghĩa. Màu hoa tươi làm cho vui mắt, hương hoa thanh cao, cánh hoa mỏng mảnh nhắc người ta nhớ đến sự không bền của những vẻ đẹp, màu tươi trong vũ trụ.
Người ta thường đem bông hoa ví với người thiếu nữ: cũng một vẻ đẹp, cũng một thanh hương, cũng một kiếp mong manh như thế. Nhưng, người xưa, trước cành mai nở trong gió đông, trước những cánh hoa trắng muốt như tuyết điểm, cái cảm giác còn sâu xa hơn khi đứng trước một người con gái đẹp, cái cảm giác phiền phức, ngậm ngùi, lẫn tiếc, lẫn thương. Người và hoa cùng nhau liên lạc, cùng một linh hồn, cái vẻ trong sạch, thanh cao của hoa là cái tuyệt đích thanh cao, trong sạch của người đời.
Nhà họa sĩ Nhật Outamaro có vẽ một bức tranh người và hoa tuyệt đẹp. Một ngày mùa đông, tuyết trắng phủ đầy thềm, một cô con gái tư lự, mơ màng trước giỏ hoa cúc nở. Cô định, sáng sớm nay, ra ngắt mấy bông cúc để trang điểm căn phòng ấm áp, mền gấm với lửa than. Lòng cô nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhưng đến khi ngắt bông hoa nở trên tuyết, cô nhìn hoa lại sực nghĩ đến số phận mình, nghĩ đến sắc đẹp cũng mong manh như đóa hoa. Những ngày vui tươi cứ lần lượt đi không trở lại, cũng như cánh hoa kia mà tay cô để bay trước gió. Một sự buồn rầu man mác thoáng qua, khiến đôi mắt trong cô mơ màng.
Trong truyện “Liêu trai chí dị” của Tàu, hoa là những cô con gái xinh đẹp, đáng yêu, trong giỏ hoa hiện ra để sống một quãng đời ái ân đằm thắm với các nhà văn sĩ giàu tình cảm, rồi lại biến đi một đêm trăng mờ lạnh lẽo, để lại mối tiếc thương.
Các cụ ta xưa trở về già, chỉ có lấy hoa làm bạn. Ngày ngày chăm sửa giỏ lan, đời hoa lan với đời người là một: một mầm lan non mới mọc là một nguồn vui, mà cái thú tuyệt trần của các cụ là đợi chờ bông hoa lan nở, đợi cơn gió nhẹ đem đến mùi hương thoang thoảng mát của bông hoa.
Những bông hoa như thế, tuy cũng là những bông hoa vui, nhưng trong cái vui vẫn có lẫn chút buồn. Bông hoa ngày Tết của ta đây mới là những bông hoa vui thật. Ta không cần những bông hoa đó đem lại cho ta những cảm giác mơ màng, ta cũng không ước ao bông hoa sẽ hóa ra làm một người con gái xinh đẹp đến âu yếm yêu đương. Bông hoa ngày Tết phải là những bông hoa rực rỡ, nhiều màu. Với ngày xuân đầm ấm, với màu bánh chưng xanh, màu xác pháo đỏ, phải có màu đỏ thắm của bông thược dược, màu vàng rực của bông hoa cúc, hay màu đào tươi của những cánh hoa đào. Bông hoa là một cái trang sức vui tươi, để làm những ngày Tết thêm vẻ mặn mà, và cái vui trong lòng người ta thêm đằm thắm.
Đứng đầu trong các thứ hoa ngày Tết, là bông hoa thủy tiên, ở những miền có tuyết xuống, hoa thủy tiên đem theo cái màu trắng tinh và trong sạch. Hương thơm ngát, một thứ hương cao quý, làm người ta say mê. Năm cánh hoa trắng, lúc mới nở, ôm một cái nhị vàng, bông hoa hàm tiếu, như cái cười e lệ của một cô thiếu nữ thẹn thùng.
Hình ảnh hoa thủy tiên ngày Tết ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.
Bức tranh chợ hoa Tết xưa với hình ảnh những gánh hàng hoa thủy tiên được bày bán ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1929.
Có người ví bông hoa thủy tiên như một cái đĩa bạc, chén vàng, trong chén đựng hương thơm. Câu ví ấy tuy đúng nhưng làm cho bông hoa nặng nề. Không, bông thủy tiên cũng nhẹ nhàng như bông hoa mai, cũng mềm mại như cành hoa mai. Nhưng ngoài cái mong manh, trắng nuốt ấy, lại có thêm cái màu vàng rực rỡ và tươi của nhị hoa, lại thêm cái hương thơm cũng ngát như hương trầm ngày Tết.
Những giò hoa thì mượt và thấp: lá xanh và uốn cong – tuy đó là một sự nhân tạo – như muốn che đỡ lấy các bông hoa. Toàn thể, cái gì cũng điều hòa: hoa cũng vừa, lá không nhỏ quá, rễ trắng và đều. Hoa thủy tiên chỉ ưa cái sạch và nước trong như bông tuyết chỗ hoa ấy mọc.
Người ta biết dùng và thưởng thức hoa thủy tiên đã lâu, đến nay, hoa ấy như biểu hiện cái vui của ngày Tết. Ngày Tết không hoa thủy tiên thật kém vui, mà kém vui nhất là không được hưởng cái hương thơm ngát và cao quý của bông hoa, như nhắc ta nhớ lại những ngày vui của tết năm ngoái, năm xưa.
Mỗi khi Tết đến, chúng ta lại ước mong và trông đợi bông thủy tiên, đợi cái bông hoa trắng, cái lá xanh uốn cong, như ta trông đợi cái mái tóc đen và cái nụ cười tươi thắm của người thiếu nữ ta âu yếm.
Vẻ đẹp rực rỡ của các loài hoa trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Bức tranh ngày Tết xưa với hình ảnh các loại hoa được bày bán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.
Dưới ánh đèn rực rỡ, ánh những ngọn nến lung lay, khói trầm thơm làm rung động cánh hoa đào. Những bông hoa màu hồng như ẩn hiện sau làn khói, cánh trắng hoa mai trập trùng trong ánh sáng; một cái quang cảnh vừa rực rỡ vừa vui tươi của ngày tết, của những đêm ngày tết trong nhà ấm cúng, khi ngoài gió bấc lạnh lùng reo trong bóng tối.
Hoa đào, với em gái hoa mai, hai thứ hoa ngày tết – chị hồng tươi như má hồng cô con gái lúc mới về nhà chồng, em trắng trong như bông hoa tuyết. Hai chị em đều đầy những vẻ xuân mới đẹp, cùng cánh hoa mơn mởn, cùng nhị vàng lấm tấm. cùng những giò lá non xanh xanh.
Mỗi một nụ hoa là một nụ cười, giữ cái vẻ hồng bí mật, cái màu hồng tươi và sáng như buổi bình minh đợi giọt sương reo để nở cánh lụa mềm. Nụ cười của người thiếu nữ xinh tươi, mang bao nhiêu cái vui mơ màng của vẻ đẹp.
Đây là cái rực rỡ, vẻ sán lạn, sáng sủa của màu vàng: bông hoa cúc, cánh hoa cong uốn mình chen trong đám lá mềm. Đây là một bông hoa vui vẻ, sự tươi đẹp hoàn toàn, không mong manh, không ẻo lả. Chậu cúc vàng người ta để ngoài thềm như để đón xuân vào, như để khoe khoang với khách cái sung sướng đầy đủ của những ngày tết đầu năm mới.
Hình ảnh chợ hoa Tết Hà Nội xưa với những gánh hàng hoa đào được bày bán trên phố.
Hình ảnh người dân bán hoa cúc ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội vào dịp Tết năm 1929.
Màu vàng chói lọi và long lanh của bông kim tháp, màu vàng nhạt của bông hoàng mẫu đơn, màu trắng nhẹ của bông phấn hồng, một loạt màu rực rỡ, ganh nhau nổi trên thảm lá xanh. Còn màu đỏ mờ lẫn màu vàng ấm cúng của cánh bồ nhung, như một tấm nhung tơ óng ả, nhiều chỗ sám đen như một đêm mùa hạ. Còn những cánh tơi bời của bông bạch mẫu đơn lả lơi trước gió nữa.
Hoa cúc chỉ là một loài hoa trang sức cho những ngày vui vẻ. Cái rực rỡ của màu hoa làm cho cảnh tết rực rỡ thêm, làm cho quần áo mới thêm tươi đẹp, làm cho rượu mùi sành trong cốc pha lê thêm nồng. Không có màu gì hợp hơn với màu đỏ của xác pháo rải rác trên thềm.
Hoa ngày tết cùng vui với người trong ngày tết. Hoa thủy tiên, hoa đào và hoa cúc thi nhau làm cho ngày tết thêm tươi đẹp, thêm vui vẻ.
Người ta không đến tận chỗ hoa nở để thưởng hoa, người ta bắt hoa phải đến tận nhà để mua vui cho mình. Bông hoa ngày tết là những cô tiên nữ đem cái xuân đầm ấm vào trong một căn phòng.