Ngã ba Đồng Lộc và 10 đóa hoa bất tử ở “tọa độ lửa”

Nói đến ngã ba Đồng Lộc huyền thoại chúng ta nghĩ ngay đến 10 nữ thanh niên xung phong tuổi mới mười tám, đôi mươi với khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”.

Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại

Khi nhắc đến địa danh Đồng Lộc là nhắc đến “túi bom, chảo lửa” thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là nhắc đến sự hy sinh, mất mát và lòng quả cảm của những chàng trai, cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi. Và chính nơi đây, tại Ngã ba Đồng Lộc – địa danh đã trở thành huyền thoại và linh thiêng, các chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hà, Nguyễn Thị Nhỏ, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Trần Thị Hường, Dương Thị Xuân đang yên nghỉ –  những nhân vật lịch sử đã trở nên quen thuộc, thân thương và ấm áp trong tim hàng triệu người dân Việt Nam.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống thì bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc này. Đây được xem như cổ họng, một trong những điểm giao thông quan trọng bậc nhất, nếu vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam.

Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn cày xới, hố bom nằm san sát nhau. Ảnh tư liệu
Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn cày xới, hố bom nằm san sát nhau. Ảnh tư liệu

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời đây cũng là nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết” hay còn gọi là “tọa độ lửa”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 tấn bom. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại, mặt đất biến dạng, đất đá cày đi xới lại.

Ngã ba Đồng Lộc ngày nay.
Ngã ba Đồng Lộc ngày nay.

Thế nhưng, mặc cho mưa bom, bão đạn, cái chết cận kề, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”“sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”“tim có thể ngừng đập, nhưng đường phải thông”“xe chưa qua nhà không tiếc”“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… đã có hơn 16 nghìn người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu; trong đó có Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh.

10 nữ thanh niên xung phong – 10 đóa hoa mãi nở rộ

Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh Niên Xung Phong 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. (Được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành)

Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng TNXP.

Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ đầy xúc động của chị Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và dù đã 3 lần các cô bị vùi lấp nhưng đều rũ hết đất đá, đứng dậy tiếp tục làm việc.

Vào 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm – nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom.

Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại:

Một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Chỉ thị được đưa ra là phải dùng tay đào bới chứ không dùng máy xúc để tránh gây hại cho thi thể. Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp trong hầm, ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh. Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc – Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu. Đến gần 10 giờ ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc.

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và hầu hết chưa có ai lập gia đình. Càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra nhưng cũng đành bất lực. 10 đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, để hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.

Chân dung 10 cô gái TNXP được trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.
Chân dung 10 cô gái TNXP được trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.

10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc bao gồm:

1. Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24)

Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo đói nhưng giàu lòng yêu nước, lại được sự giáo dục của nhà trường nên chị Võ Thị Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống giản dị, tiết kiệm, chịu đựng gian khổ để học tập.

Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (sinh năm 1944 - hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu.
Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu.

Năm 1963 – 1964, chị là Phó Bí thư Chi đoàn địa phương. Tần đã góp sức cùng bà con xóm làng xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, thúc đẩy phong trào Hợp tác xã lớn mạnh. Năm 1965, Tần đã cùng nhiều chị em trong toàn huyện xung phong vào lực lượng TNXP trực tiếp lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Ngày mới nhập ngũ, Tần biên chế vào C552 – P18 Hà Tĩnh bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra mặt trận. Mồng 2-5-1965, Tần cùng đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ thông đường và bốc xếp hàng ở bến phà Địa Lợi thuộc đường 15A trên đất Hương Khê. Tháng 11năm 1965 đến tháng 6 năm 1966, Tần được điều về làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đường 15A đoạn từ cầu Tùng Cốc đến Đức Thọ. Do có nhiều thành tích trong công tác và anh dũng trong chiến đấu, đạo đức tư cách tốt nên Tần đã được Chi bộ C552 đề nghị Đảng uỷ cấp trên chuẩn y kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào dịp kỷ niệm Đảng ta 37 tuổi (3-2-1967). Ban chỉ huy đã quyết định giao cho Tần nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 – C552.

Tháng 4 năm 1967 đến tháng 6 năm 1967, Tần cùng đơn vị được điều về công tác bảo vệ đường 15A ở Đồng Lộc. Trong quá trình từ ngày nhập ngũ đến tháng 7 năm 1968, chị đã phấn đấu lập nhiều thành tích, Chỉ huy Tiểu đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiểu đội do chị phụ trách luôn xứng đáng là lực lượng chủ công, con chim đầu đàn của đơn vị.

Trong cuộc sống hàng ngày, Tần là cô gái vui vẻ, cởi mở, tính nết thẳng thắn, vô tư yêu đời song rất dứt khoát, rành mạch. Cuộc đời chị vì thế có phần đơn giản, hạnh phúc hơn chị Cúc. Bố mẹ cưng con gái lớn. Ông Cung – bố chị bao giờ cũng coi Tần như còn nhỏ. Mẹ chị càng yêu con gái hơn ai hết. Mẹ không muốn con gái đi lấy chồng xa. Mẹ đồng ý gả chị cho một anh trai làng, người mà chị yêu. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu chống Mỹ còn đang ác liệt. Anh Hồng đã vào bộ đội, lên đường vào chiến trường miền Nam. Trước lúc anh Hồng nhập ngũ, 2 người đã tổ chức lễ đính hôn. Tần trao cho anh Hồng lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Kỷ vật ấy của Tần theo anh Hồng suốt những tháng năm chinh chiến. Còn Tần sau đó đi thanh niên xung phong. Họ hẹn nhau ngày toàn thắng sẽ nên duyên vợ chồng. Sau ngày anh Hồng xuất ngũ trở về địa phương thì chị Tần đã vĩnh viễn ra đi. Đau đớn và xót thương người yêu, anh đã đi lại săn sóc bố mẹ già của chị. Mãi sau này khi đã nguôi ngoai, anh mới xây dựng gia đình với người con gái khác. Thật cảm động vì anh chị đã rước ảnh chị Tần về thờ trong ngôi nhà của mình và vẫn tiếp tục đi về với bố mẹ chị Tần như con cái trong gia đình.

Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.
Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.

Ngày 19-7-1968, trước lúc hy sinh 5 ngày, chị Tần đã viết thư về cho mẹ. Bức thư tràn đầy tình cảm yêu thương nhớ mong mẹ và cũng tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm sắt đá đánh kẻ thù và tinh thần lạc quan cách mạng phơi phới. Bức thư có đoạn:

“Ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.

Bức thư của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ trước 5 ngày chị hi sinh trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.
Bức thư của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ trước 5 ngày chị hi sinh trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.

Mẹ chị Tần cũng đã mất vì bị bom Mỹ đánh sập hầm sau ngày chị hy sinh không lâu.

2. Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24)

Cúc cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Nương Bao – xã Sơn Bằng – Hương Sơn, bên con sông Ngàn Phố trong xanh. Cúc vừa đầy một tuổi, nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp mất người cha, bà nội Cúc và bao người khác trong làng. Ông nội Cúc đưa 2 mẹ con Cúc về nhà rau cháo lần hồi đợi ngày lúa chín …Đến năm Cúc 4 tuổi, mẹ Cúc đi bước nữa.

Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc (sinh năm 1944 - hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu
Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu

Từ đây Cúc sống trong sự đùm bọc của ông nội và o Loan. Chẳng bao lâu, vào một ngày tháng Chạp, ông nội qua đời, một  mình o Loan nuôi cháu, đến năm sau chú Dũng đi bộ đội về và cưới vợ. Từ đây Cúc sống với chú mự và o Loan. Bà Trinh – mẹ Cúc lấy chồng ở Sơn Bằng thỉnh thoảng về thăm con, nhưng chẳng có gì để nuôi Cúc. Thời gian này Cúc còi cọc, mặt choắt lại, đôi mắt luôn nhìn xuống, lâu dần thành thói quen. Tóc Cúc vàng hoe, cụt cỡn như một túm đuôi lông bò. Quanh năm Cúc mặc chiếc quần lửng với tấm áo vá. Cúc đi chăn bò, cắt cỏ, bế em và làm bao việc không tên khác ở trong nhà. Cúc làm chậm nhưng cần cù, cẩn thận và thật thà nên thường gọi là “Cúc mục”.

Hồi Cúc lên 8, một hôm đun nồi cám lợn xong, Cúc lúi húi quét dọn bếp. Mự vào bưng nồi cám lợn ra, chẳng may trượt chân làm đổ cả nồi cám lên lưng Cúc. Cúc bị bỏng nặng, suốt ngày nằm sấp trên chiếc chõng con, lúc tỉnh lúc mê. O Loan hồi ấy ở nhà, thương xót cháu, 3 tháng liền tìm cách chữa cho cháu bằng bài thuốc dân gian. Cuối cùng Cúc đã khỏi. Nhưng vết sẹo sần sùi rất lớn, chạy suốt từ bả vai xuống đến thắt lưng thì không bao giờ xoá được. Cúc giấu tất cả mọi người điều đó.

Năm 1965, Cúc đi TNXP chống Mỹ cứu nước. Ba năm sống trong tập thể nam nữ thanh niên, chiến đấu trên mặt đường địch đánh phá, chị đã trưởng thành và không còn là o “Cúc mục “ ngày xưa nữa. Duy chỉ có vết sẹo trên lưng và nỗi đau sâu lắng trong lòng là không thể quên đi được.

Ngày nhập ngũ, chị Cúc đựợc ở với chị Tần. Đôi bạn cùng lứa tuổi, cùng ngày nhập ngũ đã sống với nhau trong niềm thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đựơc giao. Trong 3 năm cùng sống, cùng làm việc cả 2 chị đã đạt nhiều thành tích. Vinh dự lớn nhất trong đời, đó là giờ phút thiêng liêng 2 chị được đứng dưới Đảng kỳ và chân dung Hồ Chủ tịch đọc lời tuyên thệ trước lúc vào Đảng 3-2-1967. Sau đó Cúc được giao nhiệm vụ Tiểu đội phó, tiểu đội 4 – C522. Càng vui sướng với niềm vui ấy bao nhiêu, Cúc càng hăng say công tác bấy nhiêu. Ba năm trời trôi qua, Cúc đã cùng Tần chỉ huy Tiểu đội bám trụ chiến đấu, bảo đảm thông suốt đường 15A trên trận địa Ngã ba Đồng Lộc.

Một ngày tháng 7 nắng gắt ở Đồng Lộc, vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968, trong lúc cùng 11 người trong Tiểu đội (trừ 5 cô đi lấy quân trang quân dụng, 1 người đã hy sinh trước đó) ra mặt đường cách Ngã ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng 300 m để san lấp hố bom, sửa chữa đường kết hợp củng cố hầm trú ẩn, Cúc cùng 9 chị em trong Tiểu đội đã hy sinh. Trong Tiểu đội còn có chị Trần Thị Thao, “lính nhiệm kỳ I” vì lý do tập văn nghệ đi sau cùng Tiểu đội 5 nên đã sống sót.

Hôm đó, 10 cô gái ra đến hiện trường đã nhanh chóng triển khai công việc. Kẻ đào, người xúc, hồ hởi làm việc, vừa làm vừa chuyện trò trêu đùa nhau. Bỗng có một tốp máy bay vượt qua trọng điểm. Tất cả chị em nhanh chóng nép mình vào triền đồi, nơi thành hố bom cũ tạo nên một cái rãnh lớn. Tốp đi sau của tiểu đội 5 cũng dừng lại quan sát. Một lúc sau, hết tiếng máy bay cả Tiểu đội chồm dậy để tiếp tục làm việc. Bất ngờ, một trong tốp chiếc máy bay lúc nãy quay lại, thả một loạt bom. Một quả bom rơi trúng vào chỗ của các cô đang làm việc. Tiếng nổ chát chúa, đất đá tung toé, khói bom mù mịt, đen ngòm trùm lên cả đội hình 10 cô.

Tốp thanh niên xung phong Tiểu đội 5 đi sau chạy ào đến gào thét, bộ đội, nhân dân ở gần đó cũng lao ra gọi tên từng người. Đến nơi, chỉ còn thấy hố bom sâu hoắm, một vài chiếc cuốc, xẻng văng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô gái TNXP đã anh dũng hy sinh. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị, đem về tắm rửa sạch sẽ. Tất cả đều như đang vừa đi vào giấc ngủ dài. Đồng đội đã đặt các chị vào khu đồi Bãi Dịa với lòng xót thương vô hạn.

Riêng chị Hồ Thị Cúc, mãi sang ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy chị trên đồi Trọ Voi cách hố bom cũ chừng 20m trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bình – cán bộ phụ trách kỹ thuật ngành Giao thông vận tải) cùng có mặt lúc đó nghẹn ngào viết lên bài thơ: Cúc ơi:

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?…

…Gọi em,

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi!”

(25-7-1968).

3. Võ Thị Hợi (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20)

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, nơi có dãy Hồng Lĩnh quanh năm mây vờn và ngôi chùa Hương cổ kính nằm ẩn mình trên đỉnh núi, từ nhỏ, cô bé Hợi đã cảm thấy yêu quê hương, yêu ruộng đồng, yêu những người dân quê mộc mạc, “một nắng hai sương”.

Hợi là con thứ 5 trong gia đình. Để giúp bố mẹ, hàng ngày Hợi dắt bò đi ăn trên những bãi cỏ gần chân núi cùng đám bạn bè trong xóm. Mỗi lần thôn xóm có lễ hội gì, nhất là những ngày đón Tết, Hợi thường cùng các bạn đội viên tập văn nghệ, múa hát suốt đem. Hợi và đám bạn bè hay hát những bài hát về Đảng, về Đoàn thanh niên, về Bác Hồ kính yêu.

Năm 1965, học xong lớp 7, Hợi xung phong đi “Ba sẵn sàng”. Tính tình Hợi hiền lành, tác phong nhanh nhẹn, tóc dài, nước da ngăm đen. sống trong tập thể thanh niên xung phong, Hợi nhanh chóng hoà nhập, chia ngọt sẻ bùi với chị em, nhất là chị em trong tiểu đội A4 nơi tuyến lửa. Thi thoảng, Hợi mới có dịp về thăm nhà, thăm cha mẹ: “Bom đạn dội xuống ghê gớm lắm mẹ ạ! Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ đợi dứt đợt bom là chúng con ra đường ngay, để xe khỏi bị tắc trên đường vào Nam mẹ ạ!”.

Bà Em – mẹ Hợi vừa thương con vừa cảm phục nghị lực đứa con gái trông bề ngoài hết sức hiền lành. Không cần nghe con kể, bà cũng hình dung đựơc cuộc sống của con và đồng đội ở nơi đó. Bà lựa lời khuyên con giữ gìn sức khoẻ để bình yên trở về trong ngày thắng Mỹ. Bà đâu có ngờ đứa con gái bé bỏng ngoan hiền, khúc ruột thứ 5 của bà đã vĩnh viễn không bao giờ trở về, góp một giọt máu đỏ tươi để tô thắm lá cờ vẻ vang của dân tộc.

Võ Thị Hợi (sinh năm 1948 - hi sinh ở tuổi 20). Ảnh tư liệu.
Võ Thị Hợi (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20). Ảnh tư liệu.

4. Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20)

Chị Nguyễn Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố chị là đảng viên trong thời kỳ 1930 – 1931. Tuổi thơ của Xuân gắn liền với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 3 gian, cái bếp con con và mảnh sân vuông vắn trước thềm.

Có chừng ấy thôi mà những ngày tháng ở thanh niên xung phong, Xuân nhớ đến phát khóc lên được. Xuân nhớ cây mít đầu ngõ múi ngọt như đường phèn. Bây giờ đang mùa quả chín, cây hồng ít hạt quả sai trĩu cành.Trước cửa nhà Xuân còn có cây cam giấy từ thời bao giờ cũng có quả dành cho Xuân mỗi buổi Xuân về. Buồng cau chi chít quả như còn đợi Xuân về hái cho mẹ. Xuân sẽ ngồi dưới bậc thềm, ngả lưng vào mẹ cho mẹ rẽ tóc như ngày còn bé. Mẹ nhìn Xuân lặng lẽ xoa tay lên đôi gò má có lúm đồng tiền của Xuân, Xuân nũng nịu áp mặt vào đầu gối mẹ cười.

Năm 1967, học xong lớp 7, Xuân cùng nhiều chị em khác trong toàn huyện lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ.

Xuân quen anh Vĩnh trên một bãi bom nổ chậm. Hôm ấy, trên đường từ Vĩnh Lộc về đơn vị. Xuân gặp máy bay đánh bất ngờ. Trong lúc chạy vào hầm trú ẩn, Xuân đánh rơi cái túi xách nhỏ, trong đó có nhiều thứ, tìm không thấy đâu cả. “Có lẽ đất đá vùi lấp đi rồi” – Xuân ngơ ngẩn muốn khóc. Anh Vĩnh đến –  Anh đội mũ sắt, quân phục bạc màu. Câu đầu tiên anh nói với Xuân là: “Còn bao nhiêu bom nổ chậm, sao o lại vào đây ?”. Xuân nói vắn tắt việc mất cái túi, ròi dè dặt:

– Trong túi em để thẻ đoàn viên, không thể đánh mất thẻ  đoàn được anh ạ!

– Nó bị văng ra xa, nắp túi vẫn còn, nhưng o thử xem có rơi mất chi không?

– Em cảm ơn anh!

Xuân đi cùng anh trong sự im lặng. Thỉnh thoảng Xuân nhìn sang anh. Dáng anh cao lớn, chắc đậm. Tự nhiên Xuân thấy tin anh ấy. Xuân hỏi tên và quê quán anh. Thế là câu chuyện bắt đầu từ đó.

Đơn vị bộ đội công binh phá bom của anh Vĩnh phối hợp với C2 bảo đảm giao thông gần một năm. La Khê – Địa Lợi, Cầu Ác, Cầu Cháy…biết bao nhiêu kỉ niệm. Anh Vĩnh là một đảng viên, một Tiểu đội phó dũng cảm và kiên quyết. Xuân càng quý và tin anh. Ngày hôm sau anh Vĩnh lên đường  đến trận địa mới. Rồi thư anh về, những lá thư viết vội giữa nhiều trận đánh. Những lá thư không được phẳng phiu và có nhiều nếp gấp, như có cả mùi bom đạn hăng nồng. Càng xa anh, Xuân càng yêu càng nhớ và một lòng chờ đợi. Xuân tâm sự với bạn bè: “Nhiều đêm nằm mơ em thấy anh Vĩnh về thăm. Bẵng đi một thời gian không có thư anh về, em đã lo. Em nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng em vẫn đợi…”. Sau này Xuân mới biết anh Vĩnh nhiều lần bị thương…

Mối tình đẹp vừa chớm nở thì một ngày tháng 7, Xuân cùng đồng đội vĩnh viễn ra đi.

Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1948 - hi sinh ở tuổi 20). Ảnh tư liệu.
Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20). Ảnh tư liệu.

5. Dương Thị Xuân (sinh năm 1947 – hi sinh ở tuổi 21)

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân – Đức Thọ, trong một gia đình đông con, chị Xuân sớm ý thức được trách nhiệm người chị cả của mình. Là con gái đầu lòng nên Xuân khá vất vả. Bố làm thợ mộc, mẹ bận bịu với nghề bán hến ở chợ. Nhiều khi Xuân phải nghỉ học để trông nhà, trông em. Xuân hiền hậu, nhu mì, mẹ mắng không bao giờ cãi lại.

Học hết lớp 7, Xuân xin cha mẹ cho đi làm trên nhà máy đường Sông Lam gần Rú Thành. Sống cuộc đời công nhân, Xuân phổng phao và đẹp hẳn lên. Xuân chăm làm, chịu khó học hành và công tác nên được nhà máy thưởng nhiều lần. Năm 1965 – 1966, Xuân được thưởng chiếc áo lụa hoa rất đẹp, thỉnh thoảng mới diện đôi chút. Sau đó nhà máy đường Sông Lam bị giặc Mỹ tàn phá, công nhân phải tạm chuyển đi làm việc khác. Xuân đi thanh niên xung phong. Ra đi, Xuân vẫn nhớ ngọn núi Thành cao chót vót bên nhà máy, nhớ Ngã ba Sông Lam và Sông La, nhớ khu nhà tập thể bên sườn núi đất.

Ông Quý – bố Xuân rất chiều con. Những lúc rảnh rỗi trước đây, ông thường xuống đơn vị thăm con. Nhiều bạn của Xuân thầm ước ao có một người cha như thế, nhất là Nhỏ, Cúc và Hường.

Trước khi đi thanh niên xung phong, Xuân có quen anh Tân người cùng xã. Gia đình anh rất quý Xuân nhưng anh Tân chưa dám ngỏ lời. Xuân mến anh Tân nhưng chưa muốn vấn vương chuyện gia đình, chuyện chồng con. Xuân hẹn anh khi nào thống nhất đất nước thì hãy liệu. Anh Tân nghĩ vậy là đúng. Trước khi Xuân lên đường, anh trao cho xuân một quyển Điều lệ Đảng mà anh vẫn dùng. Anh nói với Xuân:

– Anh cũng đi bộ đội. Sau này trở về chúng ta sẽ là hạnh phúc riêng. Anh lấy sợi ni lông xanh, đỏ buộc vào cổ tay Xuân rồi nói:

– Màu đỏ là của anh, màu xanh lam này là của em. Khi nào nhớ đến anh, em hãy nhìn chiếc vòng này.

Cũng như mối tình Tần – Hồng, Xuân và anh Tân đã không thực hiện được lời hẹn ước vì đất nước còn có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Và ngày toàn thắng thì đã đến nhưng Xuân, chị Tần và 8 chị em trong A4 cùng bao nữ thanh niên xung phong khác đã mãi mãi không trở về, gửi lại tuổi trẻ và tình yêu trên những tuyến đường.

Dương Thị Xuân (sinh năm 1947 - hi sinh ở tuổi 21). Ảnh tư liệu.
Dương Thị Xuân (sinh năm 1947 – hi sinh ở tuổi 21). Ảnh tư liệu.

6. Trần Thị Rạng (sinh năm 1950 – hi sinh ở tuổi 18)

Sinh ra tại xóm chài Thọ Thuỷ – Đức Vĩnh – Đức Thọ, từ nhỏ cô bé Rạng đã tỏ ra can đảm, ít nói song tinh nghịch. Thời thơ ấu Rạng theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La.

Rạng lớn lên lúc bom đạn giặc Mỹ đánh phá ác liệt ở bến đò Hào – quê hương. Chứng kiến cảnh đau thương của xóm và nhân dân. Rạng quyết định rời cuộc sống sông nước lên bờ sinh hoạt với đoàn thanh niên, tham gia phục vụ chiến đấu tại huyện nhà.

Ngày 03-11-1967, chị vào thanh niên xung phong. Đơn xin tình nguyện thì nhiều nhưng số trúng vào thanh niên xung phong thì ít. Rạng may mắn được ở trong số những người trúng tuyển. Rạng mừng lắm, về thuyền soạn sửa đồ đạc và từ giã gia đình. Ngày Rạng ra đi bố mẹ lên bờ tiễn và theo dõi bóng con. Rạng dong dỏng cao, nước da trắng hồng như bao nhiêu ngườì con gái từng uống nước sông La. 17 tuổi, chân trời mơ ước mở ra trước mắt Rạng. Được sống và chiến đấu ở nơi chiến trường khốc liệt đối với Rạng coi như là đã được thực hiện hoài bão của tuổi trẻ.

Đồng đội thanh niên xung phòng đều là những người cùng trang lứa. Cả Tiểu đội A4 của Rạng chỉ có chị Tần, chị Cúc, chị Nguyễn Thị Xuân và chị Thao là đã từng ở thanh niên xung phong 3 năm còn Rạng và 12 người nữa đều là “lính nhiệm kỳ II” vào thanh niên xung phong với bao điều bỡ ngỡ. Vốn là con nhà chèo lái, tay cầm cào, cuốc, thuổng không quen, trình độ văn hoá còn thấp song với một quyết tâm sắt đá “vươn lên cho bằng chị, bằng em”, Rạng đã nhiệt tình lao động và say mê học tập văn hoá. Ngoài giờ ra trận địa, Rạng cùng chị em làm toán, làm văn, tập hát, lúc nghỉ giải lao lại tìm cách trêu đùa Đại đội trưởng và mấy anh lái xe ủi. Cuộc sống tuy gian khổ, ác liệt nhưng vui tươi, sôi nổi, tràn đầy tinh thần lạc quan. Rạng ngày càng rắn rỏi, bạo dạn. Mặc dù lăn lộn với nắng mưa, bom đạn nhưng vẻ xinh tươi trên khuôn mặt Rạng vẫn không bao giờ tắt. 18 mùa Xuân, cuộc đời đang như ánh ban mai, vậy mà Rạng đã phải vĩnh viễn giã từ đồng chí, đồng đội, yên nghỉ ngàn thu trên núi đồi quê hương.

Trần Thị Rạng (sinh năm 1950 - hi sinh ở tuổi 18). Ảnh tư liệu.
Trần Thị Rạng (sinh năm 1950 – hi sinh ở tuổi 18). Ảnh tư liệu.

7. Hà Thị Xanh (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19)

Sinh ra ở vùng quê Đức Hoà – Đức Thọ- Hà Tĩnh, Xanh vốn là cô gái hiền lành, ít nói nhưng làm việc thì rất chăm. Xanh đậm người, khoẻ mạnh, làm việc gì cũng xốc vác, hay nhận việc khó về mình.

Môi trường chiến đấu, lao động, học tập đã khiến cho Xanh cùng chị em trong Tiểu đội gắn bó với nhau như ruột thịt. Một lần được nghỉ phép, Xanh rủ Hà về nhà mình chơi. Cả 2 đến Đức Hoà vào lúc quá trưa. Đang đi trên đường làng rợp bóng, Hà chợ nảy ra ý tinh nghịch: “Thế này nhé, lát nữa mình vào trước nói chuyện với mẹ chút việc này. Khi nào nghe mình gọi, Xanh hãy ra được không?”. Xanh mỉm cười gật đầu. Thật lòng Xanh muốn chạy về nhà ngay. Hà đẩy Xanh vào bụi chuối, xốc ba lô đi vào nhà. Xanh hồi hộp nhìn qua kẽ lá, thấy mẹ đang ngồi khâu ở đầu hè. Mấy đứa em đang quây quần xung quanh. Thấy Hà, các em reo ầm lên:

– Chị Xanh về mẹ ơi!

Mẹ Xanh ngẩng lên hơi luống cuống nhưng khi thấy Hà, bà bình tĩnh lại. Các em Xanh bị tẽn tò, đứng im như tượng nhìn Hà. Hà bỏ mũ ra và tươi cười nói:

– Con ở đơn vị Xanh được về thăm bọ mạ một lát.

– Mần răng con Xanh không về con?

Hà mỉm cười ngồi xuống ghế:

– Lẽ ra Xanh cũng về nhưng ngại mẹ ạ.

Mẹ Xanh chưa hiểu: Nó ngại chi con?

Chờ mẹ Xanh rót nước chè ra bát, Hà tủm tỉm:

– Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước chúng con thực hiện phong trào “ba khoan”, nghĩa là khoan lấy chồng.

Mẹ Xanh sốt ruột:

– Việc nớ can chi mà con Xanh không về?

– Con sẽ co cách gọi Xanh về ngay!

– Thật không?

– Dạ thật ạ!

Thấy các em tò mò theo dõi câu chuyện, Hà đứng dậy tới gần chiếc cột ngoài hiên tưởng tượng đó là điện thoại. Hà làm động tác quay máy, nhấc ống nghe lên nói như thật:

“A lô! Tổng đài đâu? Cho tôi gặp tổng đội 55. Năm lam đấy phải không? Cho tôi gặp C552.C2 đấy à? Hà đây? Sao lâu thế? Đang tắm à? Này, thu xếp ba lô về nhà ngay. Mẹ chờ đây! Sao ngại à? Mẹ đồng ý là không nhắc đến chuyện “vớ vẩn” ấy nữa đâu. Không có ô tô à? Thế thì đi máy bay lên thẳng vậy. Chìa khoá mình bỏ trong ống đũa ấy!”

Cả nhà cười ầm lên. Hà vẫn tiếp tục đùa. “Sao? Máy bay hết xăng à? Lấy vài bát cơm nguội cho nó ăn tạm vậy. Ừ! Về ngay nhé, mình ra sân đón Xanh đây!”. Hà ra sân nhìn lên trời, các em ùa ra theo.

– Máy bay lên thẳng của chị Xanh kia rồi. Nó hạ cánh xuống rồi. Chị Xanh về đến nhà rồi. Các em nhao lên.

– Xanh ơi! Vào nhà đi!

Xanh ra khỏi bụi chuối, tươi cười bước lên gò đất nhà mình.

– Chị Xanh về thật mẹ ơi!

Hà Thị Xanh (sinh năm 1949 - hi sinh ở tuổi 19). Ảnh tư liệu.
Hà Thị Xanh (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19). Ảnh tư liệu.

8. Nguyễn Thị Nhỏ (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24)

Cùng sinh năm 1944 như chị Tần, chị Cúc, Nhỏ có một hoàn cảnh tương tự Cúc. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: Chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi Nhỏ từ tấm bé. Gọi Nhỏ vì bố mẹ mất sớm, cơm không có ăn, áo không có mặc, bệnh tật hành hạ, càng ngày cô bé càng còi cọc, không lớn được chút nào. Rồi đến tuổi, chị Miên đi lấy chồng, nhưng chị không về quê chồng mà ở lại cùng em. Chồng chị là bộ đội thỉnh thoảng ghé thăm nhà. Sau khi chị sinh cháu trai đầu lòng, chồng chị hy sinh. Chị đành ở vậy nuôi em và nuôi con.

Thế rồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày một ác liệt. Nhỏ xin chị vào thanh niên xung phong. Chị sợ em còn bé dại thơ ngây, chưa gánh vác nổi việc nước. Nhưng chị Miên vẫn để Nhỏ đi. Chị cho em bộ quần áo lành lặn nhất, gói cho em một nắm cơm, rồi bế con tiễn Nhỏ lên đường. Nhỏ ra đi chỉ với bộ quần áo và nắm cơm của chị. 2 chị em quyến luyến bịn rịn khi chia tay. Nhỏ ôm chầm lấy cháu. Thằng bé cũng bám chặt lấy dì. Chị Miên dặn: “Em gắng làm việc cho bằng chị bằng em, phải cẩn thận nơi mũi tên hòn đạn. Nếu em làm sao thì chị chỉ còn một mình em thôi”. Bà con làng xóm ra tiễn đứng nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất hẳn.

Sau một thời gian ở thanh niên xung phong, Nhỏ về thảm quê. Bộ quần áo thanh niên xung phong cô mặc còn nguyên nếp gấp khiến cô chững chạc hẳn lên. Chỉ một thời gian ngắn ở thanh niên xung phong, Nhỏ phổng phao lên trông thấy. Khi vào thanh niên xung phong, Nhỏ mới thật sự bước vào tuổi dậy thì. Trên đôi má mới vương sắc máu hồng. Nhỏ ngày một xinh tươi hơn, thường lấy gương của Cúc soi trộm. Nhỏ chăm làm, xung phong gương mẫu hơn các em nên được chị Lê Thị Hồng kèm cặp để học thêm. Càng lăn lộn với thực tế của cuộc chiến đấu, Nhỏ càng thấm thía ý nghĩa tuổi thanh xuân và mong muốn đóng góp được nhiều sức lực hơn nữa để Nam Bắc sum họp một nhà.

Nhỏ ra đi vào lúc 24 tuổi, không kịp giã biệt người chị và đứa cháu nhỏ thân yêu, để lại tiếc thương cho biết bao người.

Nguyễn Thị Nhỏ (sinh năm 1944 - hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu.
Nguyễn Thị Nhỏ (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24). Ảnh tư liệu.

9. Trần Thị Hường (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19)

Chị Trần Thị Hường là con của một liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp. Cha chị là Vệ quốc quân hy sinh năm 1953 ở mặt trận. Khi ông hy sinh, Hường mới 4 tuổi, mẹ Hường đang có mang em Lý. Năm em Lý lên 2 và Hường tròn 5 tuổi, mẹ đi lấy chồng. Hai chị em ở với bà ngoại và cậu mợ tại xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh.

Trần Thị Hường (sinh năm 1949 - hi sinh ở tuổi 19). Ảnh tư liệu.
Trần Thị Hường (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19). Ảnh tư liệu.

Tuy sống thiếu tình cảm bố mẹ nhưng được bà và cậu mợ thương yêu hết mực nên tính tình của Hường vẫn hồn nhiên, vui vẻ. Chị có giọng hát hay và lại hay hát. Hường được mệnh danh là “chim sơn ca” của Tiểu đội và của cả C522. Mái tóc Hường đen dài và óng ả. Với mái tóc và giọng hát trời phú ấy, Hường đã được nhiều chàng trai cảm mến. Sau những giờ lao động mệt nhọc ở ngoài trận địa. Hường và anh chị em lại quây quần hát múa, diễn kịch. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” đã lan rộng khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam. Ở C552 trong các buổi tập văn nghệ, Hường bao giờ cũng là hạt nhân chính. Những bài hát “Cô gái mở đường”“Đường ta đi dài theo đất nước”“Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…đã được Hường và anh chị em hát say sưa. C522 còn diễn kịch hát dân ca, vở “Con đường và dải lụa”. Hường không chỉ hát hay mà còn là cô gái đằm thắm và dịu dàng, thích quan tâm đến mọi người theo cách riêng của mình. Cuộc chiến ngày càng ác liệt song không làm nụ cười và tiếng hát tắt trên đôi môi Hường. Chỉ tiếc rằng Hường không còn chờ đến ngày toàn thắng để cùng đồng đội hát bài ca khải hoàn. Hường đã vĩnh viễn ra đi giữa mùa hạ thứ 21 của đời mình.

Sổ hát, học bạ và chiếc valy là kỷ vật của chị Hường được người thân trân trọng như bảo bối và sau đó trao lại cho bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.
Sổ hát, học bạ và chiếc valy là kỷ vật của chị Hường được người thân trân trọng như bảo bối và sau đó trao lại cho bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh báo Tiền Phong.
2 đôi dép cao su, cùng mũ và cuốc xẻng được tìm thấy ngay tại hố bom các chị hy sinh. 3 chiếc áo của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường lấm lem bùn đất, chỗ lành chỗ rách được trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh Zing.
2 đôi dép cao su, cùng mũ và cuốc xẻng được tìm thấy ngay tại hố bom các chị hy sinh. 3 chiếc áo của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường lấm lem bùn đất, chỗ lành chỗ rách được trưng bày tại bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh Zing.

10. Võ Thị Hà (sinh năm 1951 – hi sinh ở tuổi 17)

Sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, Hà vốn là cô gái không quen lao động nặng. Cha Hà – ông Võ Trọng Lạc quê gốc ở thị trấn Đức Thọ gặp bà Trần Thị Khuyên quê Bến Thuỷ – Vinh. Hai người cưới nhau và sinh được 5 người con. Hà là con thứ ba.

Khi Hà sinh ra thì đã có dòng sông La mải miết chảy xuôi về biển cả. Sông La cũng hiền hoà như người con gái dịu dàng, xinh đẹp, nhiều mộng mơ. Thuyền bè đi lại tấp nập. Những cánh buồm xa, cánh buồm gần, những chiếc ca nô ngược lên Linh Cảm hoặc xuôi về Vinh.

Chưa đầy 17 tuổi Hà đã gác lại những ước vọng về con đường học hành để lên đường vào thanh niên xung phong, đến với Ngã ba Đồng Lộc, nơi “túi bom” khốc liệt. Mẹ Hà chuẩn bị đủ thứ cho Hà đi và dặn: “Con làm sao cho bằng chị, bằng em”. Có hôm Hà về thăm nhà, ăn vội ăn vàng để đi kẻo chậm. Lúc nào về Hà cũng mang theo một vài quyển truyện để đọc: “Không có sách, ngoài giờ ra trận địa con buồn lắm mẹ ạ”. Mẹ Hà hiểu đứa con gái thuỳ mị, đa cảm, có phần “tiểu tư sản” của mình, chưa từng lăn lộn với thực tế của cuộc sống, vẫn còn non dại so với chị em trong Tiểu đội nên tìm mọi cách để động viên con. Sau mấy tháng ở tập thể, thấy con khoẻ mạnh, rắn rỏi hơn, bà rất mừng.

Lần cuối cùng Hà về thăm nhà, mẹ Hà có ý tìm đàn gà nhưng không thấy đâu cả. Biết mẹ tìm gà để làm thịt, Hà yên lặng, tủm tỉm cười quay đi:

– Mẹ tìm chi đó?.

– Mấy con gà nỏ biết đi mô, hay lại mất rồi.

– Mất sao được, con vừa thấy chúng ở sân mà.

Mẹ Hà yên tâm, 5 mẹ con quây quần bên nhau, ăn rất ngon lành. Các em tíu tít nghe chuyện, chuyện Khe Sanh, chuyện Đồng Lộc.

Sau đó mẹ Hà gửi mấy con gà con đến Đồng Lộc để chị em nuôi. Nó càng sinh sôi nảy nở. Rồi có lần Hà đem về nhà một con gà mái. Một hôm tự nhiên nó vỗ cánh gáy như gà trống. Mẹ của Hà bảo với em “thế nào chị Hà cũng có chuyện rồi”. Quả thật như vậy, 2 ngày sau nghe tin Hà hy sinh.

Những ngày ở Tiểu đội, vì Hà ít tuổi nhất nên bao giờ cũng được chị Tần, chị Cúc, chị Nhỏ coi như em út. Việc nặng các chị giành lấy, không cho Hà làm. Chị Tần hay vuốt tóc, tâm tình, động viên Hà những giây phút nhớ nhà, nhớ mẹ. Hà hay nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng ngồi một mình trầm tư, có khi thơ thẩn một mình, có khi lại cặm cụi ghi nhật ký 17 mùa trăng, Hà thanh thản ra đi khi chưa hề vướng một chút tơ lòng.

“Chén rượu trắng chắc em không biết uống

Khói hương thơm bay hết cả lên trời

Giọt lệ anh rơi vào lòng đất

Có ấm chỗ em nằm? Hà ơi!

Mười chị em ngủ hai tám năm trời

Ngàn thông xanh như tóc em mười bảy

Cụm sả ai trồng thơm trong nắng cháy

Thay hương bồ kết bạn anh mong

Tiểu đội đã dàn hai hàng ngang ngoảnh mặt xuống đường

Hố bom Mỹ chắn ngang sâu xoáy ruột

Chị Tần thương em không cho em đứng trước

Lúc hy sinh, Hà ơi có nguyên lành?

Chẳng hiểu sao mỗi lần anh đến thăm

Hoa cỏ may níu dày hơn một chút

Những hạt ngâu màu buồn không chịu được

Cứ rưng rưng như muốn nói điều gì…

Hãy yên lòng bên các chị, ngủ đi

Đừng sợ tiếng quạ kêu

Đừng sợ bom lại nổ

Màu hoa đỏ cành bông trang bên mộ

Nhắc anh không quên được một thời

Ngã ba này, những mất mát – Hà ơi”

(Bùi Quang Thanh – tháng 8 năm 1996).

Võ Thị Hà (sinh năm 1951 - hi sinh ở tuổi 17). Ảnh tư liệu.
Võ Thị Hà (sinh năm 1951 – hi sinh ở tuổi 17). Ảnh tư liệu.

Tuổi 20 còn trong trang lưu bút

Đưa tay chỉ vào từng trang, từng trang, bà Nguyễn Thị Hường (o Hường) – người 50 năm qua vẫn còn lưu giữ những trang lưu bút của 10 thanh niên xung phong hi sinh ở Đồng Lộc rành rọt: “Đây là đoạn chị Cúc viết cho tui nè, đây là đoạn của Rạng viết nè. Bom trên đạn dưới rứa mà viết đọc nghe lãng mạn không chú nhà báo?”.

Rồi bà đọc, chất giọng Hà Tĩnh rưng rưng: “Rạng nhớ những buổi hoàng hôn, những đêm trăng sáng hai ta cùng nằm giữa sân nơi mảnh đất Phú Lộc, hai ta nói chuyện về tương lai tuổi trẻ và cuộc đời của ta tới sau này…”.

Và đây là lưu bút của chị Cúc: “Đầu đội pháo sáng, chân đạp bom bi, chúng ta đi khi Đảng cần dân gọi…”.

“Đây là cuốn sổ lưu niệm của tui khi ở tiểu đội 4 thanh niên xung phong của đại đội 552-P18 với mấy chị Tần, Xuân, Hợi, và mấy bạn Hường, Hà, Rạng, Xuân, Xanh, Nhỏ… Một tuần trước khi cả tiểu đội hi sinh, tui được trên điều động lên xã Trường Lộc để lập một khung cán bộ chuẩn bị vô tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thời chiến, ở mô chẳng có đạn bom gian khổ, hi sinh, nhưng khi nhận lệnh rời tiểu đội vô Nam, cả mấy chị em ai cũng thương. Ai cũng nghĩ càng đi vô phía trong, càng gần địch, gian khó hơn, dễ hi sinh hơn, nên khi viết lưu bút cho tui ai cũng thương yêu, động viên. Rứa mà mấy dòng lưu bút chưa ráo mực thì người hi sinh lại là mấy chị em ở lại chứ không phải người ra đi như tui…” – người phụ nữ mái tóc điểm sương rưng rưng.

Bà Hường ngưng một lúc, nén xúc động rồi nhớ lại: “Tui gắn bó với tiểu đội đúng 8 tháng. Tui quê Đức Thọ, tháng 11-1967 xung phong vô TNXP nhưng phải khai gian cho được 18 tuổi, chứ lúc đó mới 16. Chứ tính theo tuổi khai để đi TNXP nên coi như sắp tròn 70 tuổi rồi”.

Bà Nguyễn Thị Hường (o Hường) - người 50 năm qua lưu giữ những trang lưu bút của 10 thanh niên xung phong hi sinh ở Đồng Lộc - đi viếng đồng đội. Ảnh Hoài Duy
Bà Nguyễn Thị Hường (o Hường) – người 50 năm qua lưu giữ những trang lưu bút của 10 thanh niên xung phong hi sinh ở Đồng Lộc – đi viếng đồng đội. Ảnh Hoài Duy

Mối tình không trọn vẹn

Dù đã được nghe o Hường kể, nhưng khi gặp bà Võ Thị Minh, 70 tuổi, ở thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), chúng tôi vẫn thấy ngạc nhiên khi trên bàn thờ gia tiên của gia đình bà Minh có di ảnh liệt sĩ Võ Thị Tần – tiểu đội trưởng tiểu đội 4 TNXP Đồng Lộc. Chồng của bà Minh – ông Nguyễn Đức Hồng (là thương binh). Hiện tại ông Hồng đã mất vào năm 2018 vì bị tai biến mạch máu não. Ông là người yêu của chị Võ Thị Tần.

Ông Nguyễn Đức Hồng và bà Minh. (Ảnh Dân Trí)
Ông Nguyễn Đức Hồng và bà Minh. (Ảnh Dân Trí)
Bà Võ Thị Minh sửa soạn làm giỗ cho liệt sĩ Võ Thị Tần. Ảnh Văn Định
Bà Võ Thị Minh sửa soạn làm giỗ cho liệt sĩ Võ Thị Tần. Ảnh Văn Định

Anh Hồng hơn chị Tần một tuổi nên từ nhỏ hai người là đôi bạn thân. Lớn lên, hai người từ bạn thân thành người yêu.

– Bà Minh kể.

Năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Lúc đó chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng đã phải gác lại mọi chuyện, làm đơn xin tham gia vào chiến trường.

Ngày anh Hồng lên đường nhập ngũ, chị Tần tới cầm tay anh Hồng, lấy từ trong túi áo trao cho anh một bức ảnh và lọn tóc thề. Anh Hồng tặng lại cho chị chiếc lược trắng. Trao kỷ vật xong, cả hai nhìn nhau không nói nên lời. Anh Hồng vào Quảng Trị, chị Tần ở lại ngã ba Đồng Lộc.

– Bà Minh kể tiếp.

Đến cuối năm 1968, anh Hồng được điều động ra Bắc học, sau gần một tuần hành quân bằng đường bộ từ Quảng Trị đã về đến quê nhà. Khi đi qua cầu Nghèn (Can Lộc) thì bị giữ lại vì nghi ngờ là quân đào ngũ. Khi anh đang giải trình thì một người cùng làng lúc đó đang sửa lại cầu Nghèn báo cho anh biết tin chị Tần làm nhiệm vụ thông đường tại tuyến lửa ngã ba Đồng Lộc đã hi sinh. Cầm trên tay tấm ảnh và lọn tóc thề của Tần, nước mắt anh Hồng giàn giụa. Mặc dù chưa cưới, nhưng chồng tôi xem chị Tần như là vợ. Khi vợ chồng tôi cưới nhau thì lập bàn thờ và rước di ảnh chị Tần về thờ trang trọng trong nhà. Nay chồng tôi mất, cứ đến ngày rằm, mồng một tôi lại lo hương khói cho chị ấy. Đến ngày giỗ của chị Tần, tôi và các con sửa soạn làm mâm cơm để cúng. Chị Tần mất đã 50 năm rồi.

– Giọt nước mắt rơi trên gương mặt người phụ nữ già nua…

Bài viết được Khám Phá Lịch Sử chọn lọc và tổng hợp từ Wikipedia, tuoitre, tuoitrebinhduong, baotintuc, zingnews, báo tiền phong, ngabadongloc.org.vn, bqllang.gov.vn, Lê Tiến Nguyên…

Avatar of Khám Phá Lịch Sử

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?