Vua Gia Long – Nguyễn Ánh: Công và tội

Mỗi dân tộc có đều có những hình ảnh biểu trưng, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mỗi hình ảnh phản ánh một câu chuyện lịch sử. Con rồng cháu tiên làm ta nhớ về của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Sông Bạch Đằng là bãi cọc của Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán hay Trần Hưng đạo đánh chìm quân Nguyên. Áo vải cờ đào là Quang Trung đại phá 20 vạn quân Thanh.

Nhưng lịch sử không phải lúc nào cũng công bằng, lại dễ quên. Từ bé ai cũng được dạy nước ta là Việt Nam, dải đất mang hình chữ S. Nhưng có mấy ai nhớ được rằng những chuyện này có từ khi nào, và liên quan tới ai. Nhân vật đó chính là vua Gia Long – Nguyễn Ánh.

Trước khi bắt đầu cũng có đôi điều người viết muốn nhắn nhủ bạn đọc. Thứ nhất là về việc đánh giá, nhìn nhận những sự kiện lịch sử và các tiền nhân. Thế giới luôn thay đổi, và con người ngày càng văn minh hơn, những thể chế, quan niệm đạo đức, phong tục tập quán xưa cũ, sai lầm hay bất công trong quá khứ dần bị đào thải.

Thế giới hiện đại không hoàn hảo, nhưng không nghi ngờ gì khi nói con người được tự do, và có một cuộc sống tốt hơn nhiều so với những thế hệ đi trước. Tuy nhiên khi đánh giá sử liệu, dùng góc nhìn hiện đại để áp dụng vào thời cũ là một sự bất công cho tiền nhân. Xấu – tốt, đúng – sai nên được đặt dưới những tiêu chuẩn xã hội đương thời.

Hoàn cảnh của Nguyễn Ánh

Nguyễn Phúc Ánh sinh năm 1762, là cháu nội của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát – vị chúa của Đàng Trong. Đất nước bị phân làm hai từ hơn 100 năm trước thành 2 xứ Đàng Ngoài của vua Lê – chúa Trịnh và Đàng Trong của các chúa Nguyễn, chia cắt bởi Lũy Thầy ở Quảng Bình – một công trình chiến lược xuất sắc của Đào Duy Từ đã góp phần giúp lực lượng non trẻ của Nguyễn Hoàng và con cháu chống đỡ được những trận tiến quân từ Đàng Ngoài.

Trong khi Đàng Ngoài vẫn mang vẻ của những triều đại cũ và ảnh hưởng của phương Bắc, thì Đàng Trong là một cơn gió mới. Đất đai màu mỡ, sản vật trù phú cùng chính sách khai khẩn và mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn đã biến vùng đất này thành một quốc gia hưng thịnh. Sự mở mang trong thương nghiệp cũng là một nét mới so với tinh thần bế quan tỏa cảng của Đàng Ngoài.

Năm 1765, Võ Vương qua đời. Trương Phúc Loan chuyên quyền, tống giam cha của Nguyễn Ánh, người nhẽ ra là vua kế vị, lập Nguyễn Phúc Thuần 12 tuổi để dễ bề thao túng, lấy hiệu là Duệ Tông. Đời sống nhân dân cực khổ. Nhà Tây Sơn, nhân thời cơ này nổi loạn, Nguyễn Nhạc dấy binh, lấy cớ phò Hoàng tôn Dương dành lại ngôi từ Duệ Tông.

Thấy có cơ hội giành lấy đất Đàng Trong lúc loạn lạc, Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân tiến đánh Phú Xuân. Chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng Nam. Tây Sơn biết lực lượng không chống nổi họ Trịnh, bèn quy phục, sau xin đưa quân ra tiêu diệt nhà Nguyễn. Họ bắt được và giết sạch dòng họ nhà Nguyễn, lật mồ mả các chúa và cha của Nguyễn Ánh đổ xuống sông. Nguyễn Ánh may mắn thoát thân. Lúc này ông 15 tuổi.

Sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài
Sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài

Xem thêm: Nguồn gốc, ý nghĩa “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”

Nội chiến với Tây Sơn

Ba anh em Tây Sơn chia nhau chiếm giữ ba vùng. Nguyễn Lữ giữ thành Gia Định, Nguyễn Nhạc lên ngôi Thái Đức Hoàng Đế năm 1778, đóng quân ở thành Quy Nhơn. Nguyễn Huệ, với tinh thần hừng hực của tuổi trẻ và sau khi dễ dàng chiếm được thành Phú Xuân từ tay quân Trịnh, bỏ ngoài tai lời của vua anh mà tiến quân ra Bắc Hà, đánh tan tàn dư quân Trịnh, khôi phục lại ngôi cho nhà Lê. Sau lại tính đưa quân ra Bắc Hà một lần nữa, dẫn tới sự kiện Lê Chiêu Thống phải cầu viện nhà Thanh và bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác.

Phía Nguyễn Ánh, ông phải bôn ba, trốn chui nhủi ở những vùng đồng bằng ở Cà Mau. Sau đó, nhờ sự ủng hộ của cựu thần nhà Nguyễn, ông tập hợp quân đội, kéo về chiếm lại Gia Định. Nguyễn Ánh mau chóng cải tổ lại thành này, cho lập sổ đất, định thuế,… biến vùng Gia Định thành một kinh thành trù phú, và cũng là nơi để Nguyễn Ánh luyện quân sĩ.

Nhưng cái danh vua cũng chỉ giúp ông lôi kéo được “một tập hợp bề người viết hỗn tạp gồm những tôn thất kiêu hãnh với dòng dõi, tướng tá dũng cảm nhưng thô lỗ, hàng tướng đầy mặc cảm và nhớ tiếc quá khứ oanh liệt, các tay phiêu lưu Tây phương bừa bãi ngạo nghễ..” – theo Lịch sử nội chiến Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường.

Mỗi lần Tây Sơn tiến quân là Nguyễn Ánh đều phải chịu thất bại, phải trốn chạy và lưu vong, sau đó lại tìm cách kêu gọi binh sĩ, dấy binh chiếm Gia Định và rồi lại bị đánh đuổi. Thất bại nặng nề nhất có lẽ là trận Rạch Gầm – Xoài Mút, với dấu ấn cầm quân của Nguyễn Huệ đã khiến quân Xiêm “ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.

Tuy nhiên càng về sau khi đã có kinh nghiệm chinh chiến và có tổ chức binh lính bài bản, học tập theo lối đánh trận của Tây phương, đặc biệt là lực lượng thủy quân hùng mạnh, cái gai Nguyễn Ánh, rõ là cần phải dứt điểm sớm trong mắt nhà Tây Sơn, nhất là khi Quang Trung hoàng đế đã tạm yên phương Bắc. Tuy nhiên, năm đó Quang Trung mất, để lại thái tử Quang Toản mới 9 tuổi. Thái Đức hoàng đế đến viếng em bị đuổi về. Nhân thời con rắn mất đầu, lại rối loạn nội bộ, Nguyễn Ánh tiến quân tiêu diệt Tây Sơn.

Trong vòng 10 năm, ông đã giành lại được đất Đàng Trong của tổ tiên, và có lẽ ông cũng không hề có ý định tiến đất Bắc Hà, nếu như không vì Cảnh Thịnh (Quang Toản) vẫn đang tập hợp lại lực lượng để tiếp tục chiến tranh. Tình thế bắt buộc phải tiến công là một yếu tố quan trọng thúc đẩy công cuộc thống nhất đất nước sau này. Đánh thắng nhà Tây Sơn, Gia Long đặt tổng trấn Bắc Hà, cho bắt dòng họ Tây Sơn ra để tiêu diệt.

Xem thêm  Tại sao Campuchia ghét Việt Nam?

Thắng lợi này không thể bỏ qua vai trò to lớn của Nguyễn Ánh. Nhờ gốc gác vua chúa đã giúp ông kêu gọi được nhiều tướng sĩ và sự ủng hộ của người dân Đàng Trong. Người dân ở đây, nhờ công cuộc khai khẩn, mở mang đã được sống dưới một vùng đất màu mỡ, ít khắc nghiệt hơn, được che chở bảo vệ mà làm ăn, vẫn còn thương nhớ chúa Nguyễn.

Nguyễn Ánh khi Tây Sơn truy đuổi, được người dân cho ở nhờ, dẫu có sợ hãi đến nỗi phải lén lút mà vẫn đem thức ăn tới cho vị chúa lưu vong trẻ tuổi này. Ở Quy Nhơn, Bình Định, ngay tại thủ phủ của Tây Sơn, người dân truyền nhau câu ca dao :

“Cầu trời cho chóng gió nồm.

Cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm trẩy ra.”

Nguyễn Ánh xướng lên kế hoạch giặc mùa, hễ có gió mùa thì đưa thuyền ra đánh, sau thì rút quân, là một chiến thuật phù hợp hơn cả khi đối chiếu tương quan lực lượng và điều kiện tự nhiên. Điều đó cũng thể hiện ông là một vị vua có tài chiến lược, dẫu được tôn làm đại nguyên soái lúc chỉ 17 tuổi.

Sự thiếu thốn về lực lượng cũng trui rèn cho vị tướng này cách dụng binh, tận dụng những thế lực có thể ủng hộ mà không để bị lép vế. Lòng kiên trì và biết nhẫn nhịn, tài dụng quân cũng giúp ông giành lại vương quyền, với những tướng của Tây Sơn bỏ về theo giúp như Nguyễn Văn Trương, tướng trung thành như Nguyễn Huỳnh Đức, quyết tử vì nghiệp vua như Võ Tánh.

Sự khôn khéo trong việc tiếp nhận và xây dựng vũ khí, tổ chức quân đội theo phong cách Tây phương đã tạo nên lợi thế cho Nguyễn Ánh sau này, đặc biệt là trong trận thủy chiến được xem là đẫm máu nhất lịch sử Việt Nam là trận Thị Nại, khi mà thủy quân của ông đã trở thành một lực lượng có đội ngũ và có kinh nghiệm chiến đấu.

Tuy nhiên, vấn đề khách quan lại chiếm một phần không nhỏ trong thắng lợi này, mà phải kể đến chính sự suy yếu trong nội bộ Tây Sơn. Đỉnh điểm là sự qua đời của Quang Trung Nguyễn Huệ. Trước khi mất, Quang Trung không thua trước quân của Nguyễn Ánh, và lần trở về lần này với mục tiêu dứt điểm lực lượng phiền toái này. Dù lực lượng của Nguyễn Ánh đã trở nên mạnh hơn nhiều so với những lần tiến công trước, tuy nhiên với cái uy của Quang Trung và tài mưu lược thì không thể không khiến quân Gia Định khiếp đảm.

Việc quân Tây Sơn trước đó cướp bóc làng mạc, phá hoại những thương cảng nhộn nhịp ở Cù Lao Phố, Hội An, thảm sát người Hoa đã khiến người dân Đàng Trong quay lưng với phong trào này, đặc biệt còn đến từ những thương lái phương Tây và người Hoa, những người mà sau này Quang Trung có xuống nước hi vọng được giúp đỡ cũng bị e ngại từ chối vì nỗi ám ảnh bị cướp bóc và tàn sát trước đó, đã quay cả qua mà giúp Nguyễn Ánh trung hưng.

Việc Quang Trung mâu thuẫn với Thái Đức Hoàng đế, sau này đem quân mà đánh đến tận thành của vua anh nhưng lại tha tội để tránh cảnh “nồi da xáo thịt”, cũng để thấy cái tính “người” của Quang Trung, tuy nhiên lại để hậu họa khi Nguyễn Nhạc dường như đã thỏa mãn với danh vọng và bỏ bê chiến sự, còn Nguyễn Lữ thì kém cỏi dẫn đến cơ hội cho Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định mà làm bàn đạp để giành lại quyền lực.

Công lao của Nguyễn Ánh

Nguyễn Ánh đã làm được điều mà chưa tiền nhân nào làm được, đó là thống nhất hai mảnh của đất nước làm một sau 175 năm phân cách (1627-1802). Dải đất hình chữ S của nước ta lúc này được hình thành, kéo dài từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với diện tích lãnh thổ rộng lớn nhất của đất nước từ trước giờ. Những cuộc nội chiến liên miên nay đã được chấm dứt.

Gần đây Việt Nam luôn nóng bỏng về chủ quyền của Hoàng Sa – Trường Sa, ngoài công khai phá của chúa Nguyễn, thì Gia Long chính là người đã đặt chủ quyền chính thức ở hai quần đảo này. “Vào năm Gia Long thứ 15 (1816) nhà vua lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình” – Đại Nam Thực Lục.

Đại Nam Thực Lục
Đại Nam Thực Lục. (Ảnh wikipedia)

Việc ông cho cắm cờ ở đây cũng được những nhà ghi chép phương Tây xác nhận như Jean Louis Taberd. Các chúa Nguyễn trước đó đã đưa quân ra đây, tuy nhiên chỉ theo hình thức “đất này nghiễm nhiên là của mình“, là theo quan niệm Nho giáo. Tuy nhiên, Gia Long với sự tiếp cận ý thức hệ phương Tây, đã có góc nhìn toàn diện và xa hơn với thế cục.

Việc ông cho kéo cờ ở đây mang tính hành xử chủ quyền theo thông lệ quốc tế, và không bị một cuộc tranh chấp nào với phương Tây hay Đại Thanh. Trong thời hiện đại, chính sự khẳng định chủ quyền này là bằng chứng rõ ràng nhất để người Việt Nam có thể dựa vào mà khẳng định Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam từ 200 năm trước, dưới thời vua Gia Long.

Cái tên “Việt Nam” cũng có được từ thời vua Gia Long. Tuy nhiên công lao của Nguyễn Ánh không chỉ đơn giản được nhắc đến do đó là cái tên nước hiện hành. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đã đổi tên nước thành Đại Việt, tuy nhiên triều đình Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi và phong vương cho hoàng đế nước ta với những tên gọi đầy tính miệt thị như Giao Chỉ quận vương, rồi sau này là An Nam quốc vương.

Cái tên gọi An Nam đầy “thượng đẳng” vẫn luôn được họ gọi để coi khinh nước ta, cho đến thời Gia Long. Vua Gia Long sai sứ sang yêu cầu bỏ tên gọi “An Nam“, mà muốn được xác nhận dưới tên mới là “Nam Việt“. Phía nhà Thanh phải đồng ý, tuy nhiên lấy lí do vùng Nam Việt ngày xưa bao gồm cả vùng lưỡng Quảng rộng lớn, tránh cớ sự để gây hấn của nhà Nguyễn, bèn xuống chiếu đổi tên thành Việt Nam nhằm tránh nhầm lẫn. Trong chiếu quốc hiệu của Gia Long năm 1804 có ghi :

Xem thêm  Người Hoa ở Việt Nam - Lịch sử di cư, văn hóa và tính cách

“Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ thống nhất. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước… nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa.

Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”

Như vậy, từ thời Gia Long, quốc hiệu của nước ta không chỉ đổi trong nước, mà đối với một nước lớn luôn coi khinh, thì giờ đây đã chính thức mang tên là Việt Nam. Đó là một sự thay đổi thể hiện được vị thế quốc gia và tinh thần độc lập rất cao của triều đình nhà Nguyễn.

Xêm thêm: Thời Trịnh Nguyễn phân tranh và triều Tây Sơn, Đại Việt hay Việt Nam là quốc hiệu nước ta?

Đối với vùng đất Sài Gòn – Gia Định, chính việc xây dựng nơi đây thành căn cứ để nuôi quân cho chiến tranh, Nguyễn Ánh đã biến vùng đất này trở thành một nơi buôn bán nhộn nhịp, mà cho đến bây giờ, vùng đất này vẫn là nơi làm ăn kinh tế phát triển nhất cả nước. Ông cũng là người đã cho xây Kinh thành Huế, kiến trúc cung đình nguyên vẹn nhất còn lại của dân tộc.

Có người nói Quang Trung mới là người thống nhất đất nước, còn Nguyễn Ánh chỉ là kẻ “ngồi mát ăn bát vàng“. Vua Quang Trung đã giúp tiêu diệt dòng họ Lê, Trịnh, và cũng đánh đuổi quân Thanh, tính ra đều là chiến tích lẫy lừng, mà với tham vọng và lực lượng của Gia Long, có lẽ chưa tính đến chuyện dẫn quân ra Bắc mà chỉ dừng lại ở Phú Xuân.

Tuy nhiên, cho tới trước khi Quang Trung băng hà thì đất nước không chỉ đang chia cắt, mà còn chia làm ba mảnh. Quang Trung coi như đã giành được đất Bắc Hà, ở giữa lại gặp phải ông anh Thái Đức Nguyễn Nhạc, bao lần muốn tiến quân đánh Gia Định nhưng phải vòng đường biển vì ngại tiến quân trên đất vua anh, và lực lượng thứ 3 ở Gia Định, lúc này đã trở nên vô cùng quy củ và hùng mạnh. Liệu ông có dứt được ông hoàng lưu vong ở Gia Định sau 3,4 lần thắng lợi nhưng vẫn tìm được cách quay lại, hay dứt tình bạc nghĩa với Nguyễn Nhạc được không?

Đây là câu hỏi mà tài quyền bính của Quang Trung, chưa giải được, trước những ngã rẽ tình anh em và sự ủng hộ “lì lợm” của dân xứ Đàng Trong với vương triều cũ. Ở đất Bắc, cũng phải nói đến việc lòng dân cũng còn thương nhớ vua Lê, mà có lẽ sự thần phục Quang Trung chỉ đến từ sức mạnh quân sự, vì chỉ vài năm ngắn ngủi lên ngôi của ông thì những cố gắng cải cách có lẽ chưa đủ để xóa nhòa tinh thần của chế độ cũ.

Bằng chứng mạnh mẽ nhất có lẽ là việc sau này người dân bắt Cảnh Thịnh giao nộp cho Gia Long. Nhà Tây Sơn đã chấm dứt một lực lượng hùng mạnh, để rồi lại biến chính mình trở thành một lực lượng khác, lại chưa dứt được những lực lượng đối địch. Một nước ba vua chưa thể gọi là thống nhất được. Với năng lực của Quang Trung, có lẽ nếu ông không mất sớm thì thế cục có thể đã xoay chiều. Nhưng lịch sử thì không có chữ “nếu“.

Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn, “cõng rắn cắn gà nhà”…

Nguyễn Ánh bị gán cho những tội mà nhiều người cho rằng công lao của ông không thể xóa đi vết nhơ được, thường được biết đến gồm: trả thù tàn ác nhà Tây Sơn, “cõng rắn cắn gà nhà” và là nguyên nhân khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam sau này. Để nhận định tội của ông, trước tiên hãy cùng xét lại thời kì này.

Như người viết đã nói, là phải dùng tiêu chuẩn cùng thời mà đánh giá con người và sự kiện lich sử. Thời bấy giờ nước ta đặt Nho giáo làm nền tảng xã hội. Nho giáo quan niệm vua (Nhân quân) là người thay mặt cho Trời mà cai trị dân chúng và mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, nên gọi vua là Thiên tử (con của Trời). Với Nho giáo, “đâu cũng là đất của vua, ai cũng là dân của vua”. Nước chỉ là vật sở hữu của một số ít người có “đức sáng” và được “mệnh trời”.

Mối quan hệ giữa người dân và vua là con dân – triều đình, con dân mà làm loạn, tiếm quyền vua, áp đặt lề luật mới thì là ngụy triều. Với Gia Long, là ông hoàng cuối cùng của gia tộc các chúa Nguyễn, vốn đã được người dân Đàng Trong yêu mến và che chở dẫu cả khi phải trốn chui lủi, nghĩa vụ của ông đương nhiên là phải giành lại quyền vương của tổ tiên và không phụ lòng dân.

Tội trạng thứ nhất mà Nguyễn Ánh mang tiếng nặng nề nhất, đó là việc cõng” 5 vạn quân Xiêm sang “cắn gà nhà và bị quân Tây Sơn, dẫn đầu là Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại ê chề ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, mà dấu ấn lãnh đạo và mưu lược của Quang Trung đã đi vào lịch sử thành một trong hai chiến công lớn nhất của nhà Tây Sơn.

Quân Tây Sơn giành vương quyền xứ Đàng Trong, tận diệt nhà Nguyễn, cướp bóc, tàn sát người dân ở những trung tâm thương mại lớn của Đàng Trong, thì đối với cả Nguyễn Ánh và người dân xứ này, không thể đơn giản gọi Tây Sơn là “gà nhà“, dẫu cho sự ủng hộ phong trào này cũng không kém sôi nổi .

Mối quan hệ của Xiêm – Việt lúc bấy giờ, dẫu có là đồng minh với họ Nguyễn, thì không thể chối cãi cũng là mối nguy từ bên ngoài, vì vậy ông hoàng nào muốn mượn quân cũng phải suy tính để tránh tai họa. Tuy nhiên việc mượn quân bên ngoài để chống lại lực lượng đối địch khác là chuyện không hiếm.

Xem thêm  Nữ anh hùng Trần Thị Lý - "Người con gái Việt Nam"

Điều đáng xét là quyền lợi dân tộc sau đó có bị ảnh hưởng hay không. Nếu Nguyễn Ánh để quân Xiêm xâm lược Việt Nam thì tội của ông là không chối cãi, chỉ có là điều này không hề xảy ra, ngoại trừ phần đất Trấn Ninh đã cắt cho Vạn Tượng, sau này thời của con là vua Minh Mạng đã giành lại.

Việc cắt Trấn Ninh là một hành động mang tính chiến lược, khi bỏ đi một vùng đất khó giữ và để ngầm khẳng định với Xiêm La rằng tại thời điểm đó, Nguyễn Ánh không hề muốn gây hấn. Như người viết đã nói ở đầu bài, nghĩa vụ của vị chúa lưu vong này với thần dân là phải trở thành thiên tử, giành lại vương quyền, là cái ước nguyện hợp lí trong xã hội Nho giáo đương thời, nếu nghĩa vụ và trách nhiệm nằm trên đầu mà thất bại thì là đáng tội với tổ tiên, với thần dân.

Vì vậy việc hi sinh đất Trấn Ninh là chuyện phải làm, và sự đánh đổi này nếu so với thành công nối liền dải đất chữ S, đối với hậu thế có thể coi là một chấm lệch trên đường công danh của vị vua này, nhưng với tư duy xã hội lúc bấy giờ là một chuyện bình thường.

Như đã nói, dưới thời nhà Nguyễn, diện tích Việt Nam là rộng lớn nhất lịch sử, và trong thời Gia Long không có ai động vào được nước ta. Sau thời lụi tàn của chủ nghĩa quân chủ, có lẽ nhiều người mang tư tưởng dân chủ (nhân dân làm chủ đất nước) để phán xét về hành động cắt đất của các vị vua trong thời phong kiến trước kia, có lẽ họ đã quên mất tư tưởng Nho giáo, nền tảng xã hội lúc bấy giờ rằng “đâu cũng là đất của vua, ai cũng là dân của vua”.

Một sự kiện đáng trách của Gia Long là sau khi người dẫn đầu đại quân của Xiêm là Châu Văn Tiếp, tùy tướng của Nguyễn Ánh chết trận, khiến lính Xiêm làm loạn mà cướp bóc, bắt giết dân lành, làm lòng dân oán hận. Đây là sai lầm không thể chối cãi, và Nguyễn Ánh ngay lập tức nhận ra điều này. Sau này khi vua Xiêm La đề nghị đưa quân giúp lần thứ 2 thì ông từ chối, bỏ trốn về Gia Định tự mình xây dựng binh lính.

Tội trạng thứ hai là khi người ta cho rằng việc người Pháp đô hộ Việt Nam là do mối quan hệ giữa vua Gia Long và người Pháp. Tuy nhiên, vua Gia Long không thực hiện bất kì điều nào trong hiệp ước Versailles với người Pháp cả. Mối quan hệ duy nhất ông có với người Pháp là với giám mục Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), quân sư thân cận nhất của Gia Long và là người đem về Gia Định một đám lính đánh thuê cùng 6 tàu chiến cũ kỹ đem từ Ấn Độ về, hoàn toàn không có một mối quan hệ nào với triều đình Louis XVI.

Giám mục Bá Đa Lộc
Giám mục Bá Đa Lộc. (Ảnh wikipedia)

Người Pháp giai đoạn sau này đi xâm lược với mục đích “khai phá thế giới” và tranh giành sự ảnh hưởng là một biến chuyển mang tính thời đại, mà những quốc gia nhỏ bé nếu không kịp biến chuyển một cách tinh tế và hợp thời thì rồi cũng trở thành con rối trong tay đại quốc. Pháp đô hộ năm 1858, tức là 38 năm sau ngày vua Gia Long mất. Sau khi lên ngôi, ông tưởng thưởng cực hậu cho những người phương Tây ngày xưa từng tham chiến, tuy nhiên khi triều đình Louis XVII cử người sang yêu cầu thực thi hiệp ước, Nguyễn Ánh đã từ chối và mời về, vì lí do không thực hiện bất cứ điều kiện nào.

Những quan chức người Pháp trong bộ máy cũng dần bị loại bỏ. Theo nhà sử học Lê Thành Khôi“Ở thế kỷ 19, Nhật Bản và Xiêm dùng rất nhiều chuyên viên ngoại quốc trong mọi lĩnh vực, không ai cho rằng họ đã “cõng rắn cắn gà nhà”. Ðiểm mà Pháp lúc xâm chiếm cũng không lấy cớ là đã giúp Gia Long mà viện lẽ bảo vệ Cơ đốc giáo.” Giai đoạn này, có hàng chục quốc gia bị đô hộ vì sự bành trướng và chênh lệch sức mạnh quân sự của phương Tây.

Nhà sử học, GS Lê Thành Khôi
Nhà sử học, GS Lê Thành Khôi. (Ảnh vietnamnet)

Sự xâm lược của Pháp, nói riêng ở Việt Nam là do sự yếu kém của hậu thế, với những chính sách thiếu mềm mỏng với bên ngoài và tầm nhìn không vượt được thời đại, nhen nhóm từ thời Minh Mạng và cao trào dưới thời Tự Đức, dẫn đến nỗi người Pháp lấy được cớ mà dùng vũ lực.

Xem thêm: Vì sao nhà Nguyễn lại để mất nước?

Ở phần cuối, người viết sẽ nói rõ sự khác biệt trong cách đón nhận nền văn minh phương Tây của Gia Long với các đời sau, để thấy nếu tinh thần của ông nếu được duy trì trong thời con cháu, có lẽ sự va chạm với văn minh phương Tây sẽ không tạo nên cơn địa chấn như vậy đối với người Việt, mà có thể xem Nhật Bản như một gương thành công rực rỡ nhất.

Tội thứ ba của Nguyễn Ánh bị người đời chỉ trích là sự trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn. Thoạt đầu người viết cũng không đồng tình với cách trả thù như vậy và cho rằng kém nhân đạo nếu so với gương tiền nhân, ví như ngày xưa Lê Lợi sau khi lên ngôi cũng rất nhân từ với bại quân nhà Minh và lũ phản loạn, dù mấy chục năm chịu nhục đô hộ tàn bạo.

Tuy nhiên hành động của Gia Long có thể thông cảm được. Thứ nhất, riêng với nhà Tây Sơn, là những kẻ đối với Gia Long đã tàn sát họ hàng thân thích 5 người gồm chú, bác và 3 người anh em, là mối thù máu, việc trả thù là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, đó có lẽ không phải là cái lí do lớn nhất. “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…” (Thực lục I, tr.532).

Chưa cần nói đến mối hận buộc ông 27 năm bôn ba trốn chạy với hi vọng thu phục lại vương quốc, việc Quang Trung quật mộ 9 đời chúa Nguyễn, và cha ruột của Gia Long đổ xuống sông là Nguyễn Phúc Côn mới là món nợ nặng nề. Món nợ tâm linh này, đối với người xưa nặng nề hơn nhiều so với nợ máu.

Xem thêm  Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long: Hoàng tử cuối cùng của triều đại Nhà Nguyễn

Trong văn hóa Việt Nam, phận con cháu luôn phải giữ gìn mồ mả cha ông đề thờ cúng. Ngay cả thời nay, trong giai đoạn chiến tranh thế kỉ 20 ở Việt Nam, có rất nhiều chương trình tìm kiếm lăng mộ chiến sĩ, dẫu bom đạn làm thịt nát xương tan, nhiều gia đình vẫn muốn tìm nơi cho người đã khuất được an nghỉ.

Người Kito giáo có Jesus, người Hồi giáo có Muhamad thì người Việt cũng có lòng thờ phụng tổ tiên là phương thức sinh hoạt tâm linh lâu đời. Động chạm đến niềm tin, ý nghĩa cuộc đời của con người thì đó là chuốc lại mối thù lớn nhất, như khi người Hồi Giáo đánh chiếm đất Thánh của Giáo Hội Công giáo để rồi phải chịu những cuộc Thánh Chiến đẫm máu, thì việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn chẳng đáng là gì nếu so với những điều mà ông phải chịu để lôi ra mà phê bình, thóa mạ cái công của ông vậy, nhất là khi sự trả thù chỉ đè trên đầu dòng họ Tây Sơn, là cái giá phải trả với phe chiến bại trong cuộc chơi vương quyền mà người Tây Sơn đã khởi sự trước, đúng người đúng tội.

Đối với một dòng tộc thù địch khác là họ Trịnh, Đại Nam thực lục có chép: “Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp 500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch)”. Đối với kẻ thù 45 năm, Gia Long bỏ qua và còn cho cơ hội mà làm ăn, thì thấy được rằng ông không phải kẻ hiểu sát, mà chỉ là món nợ phải trả, là cái nghĩa với tổ tông, mà dẫu biết có tận diệt cả dòng họ Tây Sơn hay gấp rút xây dựng lăng tẩm với những cái “mả gió” cũng chẳng thể nào mà bù đắp được.

Con người Gia Long

Bỏ qua những tranh cãi đau đầu về những cuộc tranh giành quyền lực, vua Gia Long là một con người với những tính cách và hành động thú vị, đáng được lấy ra để hậu thế nhìn nhận và học hỏi, cũng là mục đích mà nghiên cứu sử học hướng đến.

Gia Long là một vị vua nhẫn nhịn, bền bỉ. Gánh nặng vương triều và mối thù gia tộc đã đè lên vai của một thanh niên mới 17 tuổi, bị mất tất cả, sống nghèo khổ, tủi nhục, dòng tộc đều chết cả. Khởi đầu từ con số 0 và chịu không ít thất bại nặng nề nhưng ông không nản chí, quyết bằng mọi giá phục hưng gia tộc. Về con người, có lẽ người viết không muốn bàn luận nhiều, để bạn đọc xem thử góc nhìn của những người phương Tây, đối với ông như thế nào.

Trong thư của giám mục Pierre-Marie Le Labousse, ông miêu tả Gia Long :

“Ông cương quyết nhưng không hung tàn, ông hay nghiêm trị nhưng theo lệ luật. Ông có đủ đức của tâm hồn cũng như trí tuệ. Lớn lên trong tai ương, ông chịu đựng được nghịch cảnh một cách can đảm… Lúc trẻ ông ưa rượu, nhưng từ khi phải cầm đầu công việc ông bỏ đi đến bây giờ không nếm lấy một giọt…

Ông cực kỳ siêng năng. Ban đêm ông ngủ ít, đọc nhiều. Ông có tính hiếu kỳ và thích học hỏi. Trong cung của ông có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những giải thích bằng chữ Pháp vì ông không đọc được. Mỗi ngày, ông có một bước tiến mới. Ông là vị vua lớn nhất tới nay chưa bao giờ có ở nước Nam”

Hay John Barrow miêu tả:

“Nghị lực trí thức của ông ngang bằng với khí phách và hoạt động thể xác. Chính ông chủ động sự bùng lên mọi mặt của đất nước, chính ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tầu, chính ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lệnh của ông. Không ai chế tạo một bộ phận nào mà không hỏi ông; không ai lắp một khẩu đại bác nào mà không có lệnh của ông. Không những ông trông coi từng chi tiết nhỏ, mà còn phải làm trước mặt ông.

Để điều khiển tất cả công việc của mình một cách vững vàng, ông đặt ra một thời biểu sống cố định và kỷ luật. Sáng dậy 6 giờ, tắm nước lạnh; 7 giờ, các quan vào chầu, mở tất cả công văn đến từ hôm qua, ông truyền lệnh cho các thư ký ghi chép, sau đó ông ra xưởng tầu thủy, duyệt lại tất cả những gì đã làm xong lúc ông vắng mặt, rồi ông tự chèo thuyền đi khắp bến cảng, kiểm soát các chiến hạm, đặc biệt chú ý đến súng đại bác; ông đi thăm lò đúc súng, đúc đủ loại đại bác ngay tại công binh xưởng.

Đến 12 hay một giờ trưa, ông ăn cơm ở xưởng đóng tầu. Cơm với cá muối. Hai giờ ông về cung ngủ tới 5 giờ; sau đó ông tiếp các quan võ thuỷ bộ, các quan toà, hay quan cai trị, ông đồng ý, hoặc bãi bỏ hoặc sửa chữa những kiến nghị của mọi người. Thường thì công việc triều chính kéo dài đến nửa đêm, ông mới trở về phòng làm việc, ghi nốt và chú thích thêm cho những việc ngày hôm nay; rồi ông ăn một bữa cơm nhẹ, gặp gia đình độ một giờ, đến 2, 3 giờ sáng ông mới đi ngủ. Ông chỉ ngủ 6 giờ một ngày.

Ông không uống rượu, ăn ít thịt, cá, cơm, rau, hoa quả, chút bánh trái và uống trà, đó là tất cả đồ ăn của ông. Như một vị dòng dõi vua Minh bên Tầu, mà ông công nhận, ông ăn cơm một mình, không cho phép vợ con ngồi cùng mâm. Vẫn nguyên tắc kiêu kỳ này, ông không tiếp những người Anh đến chào năm 1799, lấy cớ lúc này tình hình lộn xộn không cho phép sửa soạn tiếp đón theo đúng nghi lễ.

Ta sẽ lầm nếu phê bình sự từ chối này như [thái độ của] một ông vua nước Tầu; nhưng với ông, chẳng vì hiềm tị mà ông không làm thoả mãn lòng hiếu kỳ của người ngoại quốc. Trái lại, họ có thể tự do đến thăm xưởng đóng tầu, thăm những tháp canh, những thành đồn. Ông tiếp họ dễ dàng trong tư thế tướng quân. Nhưng với tư thế đế vương, ông không tiếp.”

Một ngày của vua Gia Long qua miêu tả của John Barrow
Một ngày của vua Gia Long qua miêu tả của John Barrow. Tranh: Dương Vũ / Linhs
Tác giả John Barrow (1764 - 1848)
Tác giả John Barrow (1764 – 1848)

Xem thêm: Những thói hư, tật xấu của người Việt Nam thế kỷ 18 qua ghi chép của John Barrow

Gia Long có tài dụng tướng, vì vậy tướng lĩnh theo ông rất nhiều và trung thành hết mực, trong đó có cả hàng ngũ Tây Sơn. Nguyễn Văn Trương, trước là tướng Tây Sơn, đem quân truy bắt Nguyễn Ánh, gần đuổi kịp thì cây lớn đổ xuống chặn ngang đường, bèn cho rằng ông là chân mệnh thiên tử, bèn bỏ mà theo, sau trở thành một trong Ngũ Hổ Tướng Gia Định.

Xem thêm  Lý Chiêu Hoàng - Chiêu Thánh hoàng hậu và cuộc đời đầy bi kịch!

Nguyễn Huỳnh Đức bị Tây Sơn bắt sống, được Quang Trung nể nang nhưng không chịu theo mà bảo rằng “tôi trung không thờ hai chủ“. Đến đêm giả vờ nói mớ để chửi bới cả họ Tây Sơn, cuối cùng cũng lẻn về Xiêm. Sau vua Xiêm ngỏ ý giữ lại, bèn tức giận đòi chết, mới thả cho đi gặp lại quân Gia Long.

Võ Tánh cố thủ thành Bình Định, xin vua đừng cứu mình mà tiếp tục tiến quân ra Phú Xuân, rồi phải tuẫn tiết mà chết để xin tha cho quân lính, đến nỗi tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu phải cảm phục mà cho chôn thi hài tử tế. Tả quân Lê Văn Duyệt đốc quân liều chết lao thẳng vào trận địa pháo của Tây Sơn, mở ra bước ngoặt cho đại chiến Thị Nại, rồi Nguyễn Văn Thành, Châu Văn Tiếp,… Muốn đánh giá một vị vua ra sao nhìn cách bề tôi tận trung là có thể hiểu được.

Ông là người có tầm nhìn thời đại, biết học hỏi, tiếp thu văn minh phương Tây. Sự mềm mỏng trong giao thương với nước ngoài cũng biến Gia Định thành vùng đất trù phú, làm nền móng vững chắc để xây dựng quân đội, cộng việc nghiên cứu chiến thuyền hay súng ống đại bác của phương Tây đã góp công không nhỏ để chấm dứt cuộc nội chiến. Tinh thần và phương thức khẳng định chủ quyền ở cả trong tên gọi, cho đến những vùng đảo Hoàng Sa Trường Sa đã thể hiện tầm nhìn xa của Gia Long.

Hình ảnh chiến thuyền thời Nguyễn khắc trên Cửu đỉnh
Hình ảnh chiến thuyền thời Nguyễn khắc trên Cửu đỉnh. (Ảnh tư liệu)

Sự tiếp thu phương Tây của Gia Long không bị cuốn theo dòng chảy quá mức để bị cuốn trôi truyền thống dân tộc, đó cũng là cách làm của người Nhật trong cuộc duy tân để trở nên văn minh. Học hỏi và trở nên mạnh mẽ như phương Tây, giữ gìn văn hóa dân tộc để trỗi lên trở nên một cường quốc và vượt qua chính họ.

Người phương Tây giai đoạn này đến với nước ta với mục đích mua bán và truyền đạo Kito. Giáo hội Công giáo lúc này đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, đó là cho rằng tục thờ cúng cha mẹ, tổ tiên của người phương Đông là tà đạo, cần phải loại trừ. Tuy nhiên họ không hiểu được rằng, khác với những tục mê tín dị đoan, coi bói, thờ phụng thần thánh, người phương Đông coi việc thờ cúng tổ tiên là một hình thức khác.

Gia Long khi tranh luận với Bá Đa Lộc đã rất thấu hiểu tục lệ của đất nước, với con mắt rất hiện đại mà nói rằng:

“Khi tôi đi đến các chỗ lễ đó, tôi nghĩ rằng nếu tổ tiên tôi còn sống, tôi muốn đền đáp công ơn trong muôn một. Để chứng tỏ ý nghĩ tôi chân thành và có hiệu quả, tôi muốn ngay bây giờ làm những điều như ông bà tôi còn sống. Tôi biết rằng họ không còn nữa và những điều tôi sắp làm không có lợi ích gì cho họ cũng như cho tôi. Nhưng tôi muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng tôi không quên họ.”

Có lẽ đây cũng là tâm niệm của con người nước ta, kể cả trong thời nay, đối với việc thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Suốt thời Gia Long, ông không hề cấm đạo hay ngăn cản phương Tây vào buôn bán, nhưng cũng dần hạn chế quyền lực của quan chức người Pháp trong bộ máy. Sau này khi lên ngôi, ông cũng chọn hoàng tử Đảm, là con thứ 4 thay và cháu đích tôn của cựu hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh là hoàng tôn Đán.

Đảm là con lớn, khi lên ngôi đã 30 tuổi, đã chinh chiến và có kinh nghiệm trị vì, lại là người cương quyết và cảnh giác với các nước phương Tây. Hoàng tôn Đán thì được triều thần ủng hộ, lại có tinh thần cởi mở, tuy nhiên còn quá nhỏ, lại có người mẹ theo đạo Thiên Chúa và hoàng tử Cảnh từng sinh sống ở Pháp, dễ bị người Pháp lợi dụng. Việc chọn con thứ thay vì đích tôn táo bạo này cho thấy tinh thần cảnh giác của ông đối với phương Tây là như thế nào.

Chỉ tiếc là sự cứng rắn quá mức của Minh Mạng đã tạo tiền đề cho con cháu là Tự Đức gây nên một cái cớ cho người Pháp xâm lược. Minh Mạng là vị vua có tài và đã mở mang lãnh thổ Việt Nam lớn nhất trong lịch sử, tuy nhiên giữa gọng kìm thời đại, tinh thần đóng cửa của ông đã ngăn bước chuyển mình của nước ta, mà nếu giữ vững được tinh thần của vua cha thì có lẽ mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp hơn cho dân tộc.

Một câu chuyện nhỏ cho thấy Gia Long cũng là một người sống tình nghĩa. Năm xưa khi lưu lạc, đành phải xa vợ là bà Tống Thị Lan, ông gửi lại cho bà một nửa thỏi vàng để làm tín vật. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông hỏi bà về nửa thoi vàng năm xưa, bà đưa ra và Gia Long mừng rỡ nói: “Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết”.

Sau này khi mất, vua Gia Long đã thực hiện một nghi thức chưa từng có để đáp nghĩa vợ chồng đã bên nhau từ những ngày tháng gian khó. Đó là cho bà – lúc này là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được yên giấc ngàn thu bên cạnh mộ của mình trong khuôn viên lăng Gia Long – một lăng tẩm giản dị, như là tính cách của ông hoàng này.

mo vua gia long va thua thien cao hoang hau 1601950851
Mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu tại Thiên Thọ Lăng thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

Vua Gia Long là một vị vua có tầm nhìn, với những chính sách ngoại giao khôn khéo và mềm dẻo, lại có ý thức lớn về chủ quyền và độc lập dân tộc, cái công thống nhất của ông lớn là vậy. Xu hướng phê phán và phủ nhận công lao của ông, cũng chỉ xảy ra gần đây thôi.

Linh Nguyễn

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Bài viết liên quan