Nữ anh hùng Trần Thị Lý – “Người con gái Việt Nam”

Trong những anh hùng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử còn lưu tên người nữ anh hùng Trần Thị Lý – “Người con gái Việt Nam”, chân dung tiêu biểu của các nữ anh hùng kiên trinh, bất khuất.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Trần Thị Lý gắn liền với chặng đường đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ của đồng bào miền Nam và của nhân dân cả nước ta. Được rèn luyện, thử thách trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng, lúc bí mật, lúc công khai, suốt trong những năm tháng sống trong tù đày, tra tấn, chị luôn nêu cao phẩm chất sáng ngời của một cán bộ cách mạng kiên trung, vững vàng trong mọi tình huống. Chị là một biểu tượng cho tinh hoa của người con gái Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, cho ý chí kiên cường của dân tộc ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Chân dung nữ anh hùng Trần Thị Lý - "Người con gái Việt Nam".
Chân dung nữ anh hùng Trần Thị Lý – “Người con gái Việt Nam”. (Ảnh tư liệu)

Nữ anh hùng Việt Nam 3 lần bị địch bắt và tra tấn dã man

Anh hùng Trần Thị Lý (tức Trần Thị Nhâm, bí danh Bích Ngọc) sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình bà có 7 anh chị em thì có tới 5 người là liệt sĩ. Ngay tại nghĩa trang liệt sĩ Quảng Nam, mộ 3 chị em của chị bà cùng đặt ở đây. Khi được tuyên dương Anh hùng, bà nguyên là đảng viên, cán bộ giao liên của tỉnh.

Có lẽ cũng ít người biết được Trần Thị Lý chính là cháu nhà cách mạng Trần Cao Vân, người đã nhiều lần mưu toan chống Pháp và bị đi đày ở Côn Đảo 6 năm. Năm 1916, Trần Cao Vân cùng Thái Phiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Quang Phục hội. Khởi nghĩa thất bại, 2 ông bị bắt và bị chém ở cố đô Huế.

Năm 12 tuổi, Trần Thị Lý tham gia Thiếu nhi cứu quốc của xã. Năm 1946, bà được điều về làm cán bộ văn phòng thanh niên cứu quốc huyện Điện Bàn và là Thường vụ Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc huyện. Năm 1951 – 1952, bà được Đảng giao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở ở xã Điện Hồng, vùng thực dân Pháp tạm chiến.

Những năm tháng trụ bám hoạt động cùng với đồng chí, đồng đội trên quê hương, đầu năm 1952 bà bị thực dân Pháp và tay sai địa phương vây bắt và đưa về giam tại đồn Vân Ly – Gò Nổi.

Tháng 4 năm 1955, Trần Thị Lý phụ trách đường dây liên lạc bí mật của tỉnh tại Đà Nẵng. Thời gian này địch kiểm soát gắt gao, lùng bắt cán bộ ta nằm vùng ở khắp các địa phương, chị đã liên lạc, tập hợp các đồng chí ở các huyện, tìm cách lánh ra Đà Nẵng tránh được sự tổn thất cho cách mạng.

Tháng 6 năm 1955, Trần Thị Lý bị địch bắt lần thứ hai, chúng tra tấn vô cùng dã man, nhưng chị vẫn kiên quyết không khai, bảo vệ bí mật của Đảng và cơ sở cách mạng. Sau 5 tháng giam cầm, tra tấn không khai thác được gì, chúng buộc phải trả tự do cho chị.

Tháng 6 năm 1957, trong lúc đang làm nhiệm vụ, Trần Thị Lý bị địch bắt lần thứ ba. Mặc dù phải chịu mọi cực hình tra tấn cực kỳ dã man của kẻ thù “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”, nhưng tinh thần chị không hề lay chuyển. Tháng 10 năm 1958, Trần Thị Lý bị tra tấn tới kiệt sức, địch cho rằng chị không thể sống được nữa nên đem vứt chị ngoài nhà lao. Trần Thị Lý được cơ sở đưa về nhà chăm sóc, sau đó được đưa ra khỏi Gò Nổi và được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị các vết thương.

Cuộc chiến truyền thông Bắc – Nam chưa từng có

17 giờ ngày 25-10-1958, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội đã phát đi bài về chị Trần Thị Lý làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Đây là sự kiện mở đầu cho cuộc chiến truyền thông chưa từng có giữa hai miền Nam – Bắc, làm ngụy quyền Sài Gòn vô cùng khốn đốn trong việc đối phó với ta và dư luận thế giới. Bản đài nêu rõ:

“Chị Lý bị bọn tay chân của Diệm bắt đánh đập, “sám hối” với những nhục hình dã man như: lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt, dùng điện tra vào đầu vú và bộ phận sinh dục!”.

Ngay sáng hôm sau, tờ báo Thống Nhất lập tức đăng bài có in hình chị Lý nói về sự việc này, làm dư luận Hà Nội và các tổ chức quốc tế tại đây hết sức bàng hoàng. Tiếp đó, lúc 7 giờ 15 ngày 19-11-1958, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam lại phát đi lời kêu gọi của Trần Thị Lý gửi Ủy ban Quốc tế, chị kể:

“Lần thứ 3, tháng 3-1956, chúng bắt tôi về nhà lao Hội An và tra tấn vô cùng dã man, tên Phan Văn Lợi, người do Diệm cử từ Sài Gòn ra, cùng nhiều tên khác trực tiếp tra tấn. Chúng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng tôi rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Chúng lấy móc sắt xuyên bàn chân tôi rồi treo ngược lên xà nhà, dùng điện tra vào cửa mình và vú; lấy dao xẻo từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực. Chúng dùng kìm sắt nung đỏ rồi kẹp vào bắp thịt tôi rứt ra từng mảng, dùng thước sắt thọc vào âm đạo… Chúng bắt tôi phải nhận tội “Thân cộng” và “Chống chính phủ quốc gia” của chúng!”.

Ngày 21-11-1958, 5 bộ đội Liên khu 5 viết kiến nghị và được 2.000 đại biểu ký gửi đến Ủy ban Quốc tế phản đối sự dã man của chính quyền Sài Gòn đối với Trần Thị Lý. Từ ngày 11 đến 21-11-1958, 39 đoàn khách quốc tế đến thăm chị Lý và 62 đoàn tiếp tục đăng ký vào thăm.

Tôi đã từng chứng kiến tội ác của bọn thực dân đối với nhân dân thuộc địa song tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam nỡ đối xử với người Việt Nam tàn tệ như thế. Với chính sách đàn áp dã man này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tỏ ra rất thối nát. Ủy ban Quốc tế tại Việt Nam cần lưu ý ngay đến vấn đề này, đó là nhiệm vụ của họ!.

– Chủ tịch hội hữu nghị Việt – Anh

Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn cực lực phản ứng, Ngô Đình Diệm một mặt ra lệnh cho bọn tay chân điều tra ai và làm cách nào đã đưa được Trần Thị Lý ra Bắc, mặt khác dùng hệ thống truyền thanh và các báo lá cải thực hiện một chiến dịch tuyên truyền vô cùng rầm rộ… Điều đáng nói là dù đã huy động hết tốc lực để điều tra và ra sức trấn an dư luận song chính quyền Sài Gòn vẫn không biết được làm sao và bằng cách nào Trần Thị Lý ra được miền Bắc.

Bác Hồ với chị Trần Thị Lý gần Tết năm 1967
Bác Hồ với chị Trần Thị Lý gần Tết năm 1967. Ảnh: cadn

Vụ giải thoát ly kỳ có một không hai trong lịch sử Việt Nam

Bà Trần Thị Vân – chị em chú bác ruột và là người hoạt động cùng chị Lý, hiện sống tại TT Vĩnh Điện (Điện Bàn – Quảng Nam) kể:

“Sau 3 lần bắt giam và tra tấn dã man Trần Thị Lý, tháng 12-1957, tưởng Lý đã chết, bọn CA Điện Bàn bèn mang xác nó vứt tại đám mía phía sau nhà lao Vĩnh Điện. Lý được một cơ sở ta phát hiện và cõng về nhà. Để tránh sự truy sát của bọn địch, Lý được ông Phạm Quang – Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn cử một y tá tên Lan chăm sóc ở một nơi bí mật. Nhìn thấy tấm thân tàn ma dại của Lý, chúng tôi không ai cầm được nước mắt! Lý về được một hôm, tối hôm sau, 4 thằng mật vụ H. Điện Bàn xô liếp cửa xông vào nhà, tôi thổi tắt phụt chiếc đèn dầu.

Biết là bọn chó săn truy tìm, mẹ Lý la lớn: “Bớ làng ăn trộm!”. Một thằng bấm đèn pin lên và nói: “Bọn tau tới coi con Lý có về đây không?”. Chúng kiểm tra không thấy gì nên bỏ đi. Mấy ngày sau đó, bà con cô bác trong họ và các đồng chí chúng tôi kẻ ít, người nhiều góp tiền để chạy chữa cho Lý. Chúng tôi nhờ cô Lan và anh Tuấn thay phiên nhau chăm sóc cho Lý. Huyện ủy Điện Bàn quyết định bằng mọi giá phải cứu sống Lý để đưa ra Bắc cứu chữa và tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ – Diệm!”. Thấy “mất xác” Lý, bọn an ninh quân đội và mật vụ Điện Bàn truy nã khắp nơi nhằm thủ tiêu chị. Trước tình thế cam go đó, Huyện ủy Điện Bàn cử một y tá bí mật đưa Lý vào Sài Gòn bằng xe đò từng chặng.

Vào Sài Gòn, ban đầu Lý trú tại nhà cậu ruột là ông Nguyễn Dinh làm nghề đạp xích lô, sau đó được đưa qua nhà ông Dương Công Trung (Thị Nghè), rồi nhà ông Bảy Quang – Trưởng Ban cán sự Điện Bàn, nuôi giấu và che chở. Một ông bác sĩ già được mời đến để chạy chữa cho Lý, nhìn thấy những vết thương, ông kinh hãi: “Tôi đã hành nghề gần 50 năm song chưa thấy bệnh nhân nào như thế, bà dì ghẻ nào mà ác quá vậy, tôi sẽ làm đơn thưa với tòa giúp chị!”. Bí thế, cơ sở ta phải cho ông biết là do bị địch tra tấn, ông bác sĩ già nghe vậy quỳ xuống lạy như tế sao vì sợ liên lụy. Ông cho Lý 2 hộp thuốc kháng sinh và ra về. Đánh hơi thấy Lý vẫn còn sống và đã rời khỏi địa phương, bọn an ninh và mật vụ Quảng Nam phối hợp với cảnh sát đô thành Sài Gòn ráo riết truy tìm.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, ông Quang phải đưa Lý hết ở nhà này rồi sang nhà khác mà sức khỏe của chị ngày càng thêm suy sụp. Nếu cứ kéo dài tình trạng đó, trước sau gì Lý cũng sẽ bị phát hiện và bắt giữ. Bí thế, ông Quang tìm cách liên lạc với Thành ủy Sài Gòn qua chị Hai Thảo để nhờ giúp đỡ. Bà Hai Thảo – sau này là Phó Chủ nhiệm Công ty rau quả TPHCM, hiện đã nghỉ hưu nhớ lại:

“Tôi đã móc nối với chị Hai Trợ – một đường dây chuyên đưa cán bộ của ta qua đường Campuchia để ra Bắc nhưng Lý đang mang trên mình nhiều thương tật, đi đứng rất khó khăn làm sao có thể đi từ Sài Gòn qua đến Phnom Penh. Tuy nhiên, thấy tình cảnh của Lý, chị Hai Trợ đã kiên quyết nói với ông Quang: “Anh yên tâm, bằng mọi cách em sẽ đưa Lý đến Phnom Penh và giao cho chị Kim Phụng trong Hội Việt kiều yêu nước tại đây. Chúng em sẽ đi bằng ô-tô, ghe và tàu để đến đó!”.

Hai Trợ móc nối với cơ sở của ta tại Campuchia làm cho Trần Thị Lý một hộ chiếu mang quốc tịch nước này để khi đến nơi, lúc có điều kiện là lên máy bay sang Hà Nội ngay. Bà Hai Trợ nhớ lại dặm dài gian khó này:

“Từ Sài Gòn đi Tân Châu, từ Tân Châu đi Bến Nước rồi từ đó đi bằng xuồng để tới Hưng Lợi. Còn cách một quãng ngắn nữa đến biên giới Campuchia thì tại đây địch bố trí một chốt gác rất gắt, tôi đành nhờ chủ thuyền: “Em tôi bị đau nặng, nếu qua bót gác mấy ổng làm phiền, nhờ chú thương tình cho đi đường vòng để tới Hưng Lợi, tôi sẽ trả tiền thêm!”, người chủ ghe đồng ý.

Trên đường đi, Lý mấy lần chết đi sống lại. Tại Phnom Penh, sau khi tiếp nhận Lý, bà Kim Phụng liền báo cho ông Năm Cường – một đảng viên của ta sống tại Campuchia, đang đóng vai một nhà tư sản lớn, là “Mạnh thường quân” cho những người “tị nạn” Việt Nam, thực chất là cán bộ, cơ sở, du kích… của ta đang bị địch truy bức. Một bác sĩ Campuchia được mời đến chữa cho Lý. Rồi chị được đưa đến ở nhờ gia đình một Việt kiều, quê ở Nghệ An. Chính gia đình này đã chăm sóc và sau đó đưa chị lên máy bay về Hà Nội.

Hành trình “từ cõi chết em trở về chói lọi” của “Người con gái Việt Nam”

Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt – Xô tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26 kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục”. Vậy là, hành trình “từ cõi chết em trở về chói lọi” của Trần Thị Lý bắt đầu.

Bác sĩ đang chăm sóc vết thương cho chị Trần Thị Lý, năm 1958
Bác sĩ đang chăm sóc vết thương cho chị Trần Thị Lý, năm 1958. (Ảnh tư liệu)

Sự kiên trinh bất khuất của người con gái xứ Quảng đã giúp chị trải qua bao tra tấn ở nhà tù Mỹ – Diệm, trở về từ cõi chết. Tại Bệnh viện Việt Xô, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm chị và vô cùng xúc động khi thấy chị trong cơn mê sảng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí miền Nam tập kết ra Bắc đều tới thăm chị Lý. Không chỉ vậy, các bạn bè quốc tế Liên Xô, Ba Lan, Mông Cổ, Hunggari, Pháp…và đồng bào ta ở nước ngoài đều khâm phục sự chịu đựng thần kỳ và gửi tấm lòng chia sẻ nỗi đau thương của chị.

Trần Thị Lý ký tặng vào bức tranh vẽ mình khi trên giường bệnh
Trần Thị Lý ký tặng vào bức tranh vẽ mình khi trên giường bệnh. (Ảnh tư liệu)
Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An - tô Côn-sky
Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An – tô Côn-sky. (Ảnh tư liệu)

Trong những năm tháng chị điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, nhà thơ Tố Hữu khi đến thăm chi đã xúc động và viết tặng chị bài thơ “Người con gái Việt Nam” để tôn vinh sự kiên trinh, bất khuất của chị. Bài thơ sau đó đưa vào sách giáo khoa, được dịch ra nhiều thứ tiếng, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Trần Thị Lý chính là bằng chứng sống tố cáo tội ác chiến tranh lúc đó.

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên

Em có tuổi hay không có tuổi

Mái tóc em đây, là mây hay là suối

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

Thịt da em hay là sắt là đồng ?

…Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi em đã sống !

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng

…Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

Em trở về, người con gái quang vinh

Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.

(Trích “Người con gái Việt Nam”).

Mối tình thầm lặng của “Người con gái Việt Nam” bên án tử

Tôi có dịp được gặp bác Lê Quang Vịnh, nguyên “thủ lĩnh” sinh viên học sinh Sài Gòn Gia Định trước năm 1975, nghe bác kể về mối tình thầm lặng của chị Lý và bác. Vào năm 1958, chị Lý bị bắt ở Quảng Nam, được bí mật đưa vào Sài Gòn. Trong những ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, chị làm công tác giao liên của Liên khu 5, nhận lệnh từ cấp trên, tìm gặp Lê Quang Vịnh để bắt mối kết nối cho các cán bộ tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh, sinh viên. Trong một chuyến Lê Quang Vịnh đi họp, chị Trần Thị Lý tìm tới gặp. Hai người quen biết nhau trong quá trình công tác.

Ông Lê Quang Vịnh bên chân dung của mình
Ông Lê Quang Vịnh bên chân dung của mình

Chỉ một thời gian ngắn gặp mặt, chị đem lòng quý mến người thanh niên Lê Quang Vịnh, lúc ấy vừa là một giáo sư (dạy ở Trường Petrus Ký – Sài Gòn) ngoài 20 tuổi, nổi tiếng về hoạt động đấu tranh trong giới trí thức trẻ ở Sài Gòn. Lê Quang Vịnh còn là người hiểu biết rộng, lịch lãm, có nhiều biệt tài như viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc…

Lê Quang Vịnh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành, Trưởng Ban cán sự sinh viên. Lực lượng vũ trang thanh niên, sinh viên đã tiến hành nhiều trận đánh như ném lựu đạn MK2 vào xe tuần tiễu giết chết 8 tên lính dù ngụy; đốt cháy một kho xăng của quân đội ngụy, ném thủ pháo vào xe chở Đại sứ Mỹ Nolting, giết hụt tên này; đánh vào cư xá Mỹ; phục kích diệt tên đại tá cố vấn chỉ huy xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất.

Năm 1962, ông bị kết án tử hình và đưa ra Côn Đảo, chị Lý đã đưa tấm hình chân dung Lê Quang Vịnh cho bác Phạm Văn Đồng xem, nói: “Đây là người con thương”. Phía sau tấm hình ấy ghi: “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh – Đạo Tĩnh”. Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi. Tình yêu thương ấy bất chấp án tử hình dành cho người trai trẻ, cùng chị Lý qua những ngày thanh xuân gian truân khắc nghiệt nhất.

Lê Quang Vịnh (người thứ 3 từ trái sang) bị kết án tử hình được báo chí đăng tải.
Lê Quang Vịnh (người thứ 3 từ trái sang) bị kết án tử hình được báo chí đăng tải.

Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị tòa án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. May thay, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Nhờ chị Lý giữ tấm ảnh, và nhờ trí nhớ tuyệt vời của bác Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Ảnh Lê Quang Vịnh được đăng lên báo, minh chứng một việc thật, người thật, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới.

Anh hùng LLVT Trần Thị Lý trò chuyện cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1975
Anh hùng LLVT Trần Thị Lý trò chuyện cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1975

Tấm hình và câu chuyện về anh Lê Quang Vịnh đặc biệt gián tiếp truyền thêm lửa đấu tranh trong phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên, thanh niên trong nước và góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực với phong trào phản chiến của thanh niên quốc tế. Tác động tích cực nhất là, dù mang án tử tù, nhốt vào chuồng cọp – Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian nhưng chính quyền Sài Gòn không thể xử bắn anh Lê Quang Vịnh mà để anh mang án tử cho tới hơn 10 năm sau đó, sau Hiệp định Giơ – ne – vơ, anh được trao trả về.

Anh Vịnh cho rằng, đây là “chuyện” đơn phương, tôi không biết gì cả. Ngay cả chuyện tấm ảnh tôi ở chỗ chị Lý, tôi cũng không rõ chị có từ bao giờ! Thật là rắc rối! Dù vậy, khi nghe câu chuyện này, tôi vô cùng cảm kích, trân trọng và kính nể đối với chị Trần Thị Lý, người con gái đã có một tình cảm thiêng liêng cao quý ấy.

Sự tình còn nhiều hấp dẫn và xúc động. Sau khi Côn Đảo được giải phóng, anh Vịnh làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh. Năm 1975, anh được chọn trong đoàn 100 đại biểu tiêu biểu của miền Nam ra thăm miền Bắc. Một bữa, Lê Quang Vịnh được mời nói chuyện về đề tài Côn Đảo – hòn đảo địa ngục.

Cuộc nói chuyện do Trung ương Đoàn tổ chức. Hội trường chật ních trên hai ngàn người nghe. Trong số người đến dự nghe hôm đó có một người phụ nữ xinh đẹp.

Khi ban tổ chức vừa giới thiệu người nói chuyện là “Giáo sư Lê Quang Vịnh, tử tù Côn Đảo vừa mới trở về”, người con gái ấy bỗng nhiên tái xám mặt mày, rồi ngất xỉu.

Cuộc nói chuyện phải dừng lại. Ban tổ chức xin lỗi diễn giả Lê Quang Vịnh, rồi bế người con gái ra phía hậu trường, xoa dầu, bấm huyệt. Khi tỉnh lại, điều chị nói làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: “Tôi là Trần Thị Lý và người nói chuyện là Lê Quang Vịnh, người yêu của tôi! Ôi, người yêu tôi đã về!”. Rồi chị lại ngất xỉu, nước mắt giàn giụa. Câu chuyện làm mọi người ngơ ngác, ngạc nhiên!

Đó là một “cú sốc” lớn đối với Lê Quang Vịnh. Anh không ngờ mình gặp lại “người quen biết cũ”, trong lúc đã có vợ sắp cưới! Câu chuyện hi hữu đó xảy ra khi chị Lý đã yêu người cháu của cụ Tôn Đức Thắng tên là Tuấn.

Oái oăm là chị Lý lúc đó lại đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, ngay cạnh phòng anh Vịnh đang điều trị. Ngày nào anh Tuấn cũng mang cơm cháo đến cho chị Lý. Bên này, ngày nào chị Khánh cũng mang đồ ăn đến cho anh Vịnh. Tử tù Lê Quang Vịnh kiên gan suốt 15 năm trong chuồng cọp, đã phải rắc rối trong tình cảm con người.

Sau đó, chị Lý có một đám cưới giản dị với anh Tuấn. Sau nhiều cuộc hành hình, tra tấn khắc nghiệt, chị mất khả năng sinh nở nên có nhận một người con gái nuôi. Hình ảnh anh Lê Quang Vịnh và chị Trần Thị Lý từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu viết về chị Lý và bài hát Lê Quang Vịnh, người con quang vinh của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Ký ức người ở lại

Ông Tuấn – Chồng chị Lý nhớ lại:

“Lúc đó vào năm 1968, tôi cũng từ chiến trường Quảng Đà ra Hà Nội. Trước đó tôi cũng đã biết và khâm phục Lý. Ra Hà Nội đến K5, ở Quảng Bá, Hồ Tây bây giờ, tôi được gặp Lý. Nom Lý gầy gò, tiều tuỵ, nhưng cảm phục Lý, lại nhân tình đồng hương, nên chúng tôi luôn gần nhau, tâm sự động viên nhau, rồi dần thành tình yêu. Chúng tôi cũng tổ chức một đám cưới rất đơn giản và phải chờ sau này đến năm 1978, mới làm thủ tục đăng ký kết hôn. Biết là không thể sinh nở được vì Lý có quá nhiều vết thương, chúng tôi xin bé Thuỳ Linh (lúc bé mới được vài ngày tuổi) để làm con nuôi.”

Qua câu chuyện với ông Tuấn chúng tôi mới biết, đến tận năm 1992, có nghĩa gần  40 năm sau cái ngày hình ảnh anh hùng của Trần Thị Lý  được cả thế giới biết đến, chị Lý mới được công nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tại sao chị Lý không được phong tặng danh hiệu này ngay những năm 60 – 70 hoặc ngay sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước? Ông Tuấn cười buồn lảng tránh: “Có lẽ các ổng cũng bận quá”.

Rất nhiều người không biết rằng sau ngày giải phóng, gia cảnh chị Lý rất nghèo. Cả 2 vợ chồng và cô con gái nhiều năm liền vẫn sống trong ngồi nhà cấp 4 tồi tàn ở trên đường Hải Phòng (Đà Nẵng). Có lúc vợ chồng chị phải sản xuất bia thủ công để kiếm sống.

Chị Lý mất ngày 20/11/1992 ở tuổi 59, chỉ sau khi chị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang ít lâu. Sau này khi chị mất, Hãng phim tài liệu TƯ có làm một cuốn phim khá công phu về cuộc đời chị dựa vào cái  tên trong bài thơ “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu. Một số nhà báo có về tận nơi tìm hiểu và viết về chị.

Ông Tuấn đưa cho tôi xem một số bức ảnh chị Lý chụp chung với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có lẽ những bức ảnh là những kỷ vật quý giá nhất còn giữ lại của chị Lý. Mất một hồi lâu, ông Tuấn mang từ trên bàn thờ chị Lý xuống một chiếc mũ sắt. Đó là chiếc mũ sắt mà Bác Hồ  đã tặng cho chị. Những kỷ vật còn lại chỉ còn cái màn, một lọ hoa và chiếc vali mà Bác Hồ tặng nhưng Viện bảo tàng Cách mạng VN ngoài Hà Nội đã “xin” mất.

Một kỷ vật nữa vẫn còn lưu giữ là cuốn sách Người con gái Việt Nam được dịch ra tiếng Trung Quốc trên có ghi bút tích của nhà thơ Chế Lan Viên “Kính tặng chị Trần Thị Lý. Nhờ chị Anh Thơ chuyển giúp. 1959”. Nét chữ đôi chỗ đã nhoè. Ông Tuấn cũng không biết chị Anh Thơ lúc đó là ai.

Những nhân chứng lịch sử còn sót lại, đã từng sống, chiến đấu cùng chị Lý cũng không còn nhiều người như ông Bẩy Quang, người tổ chức đưa Trần Thị Lý ra miền Bắc, hay bà Bảy Vân, người giao liên cùng tổ với Lý. Nay họ người thì mất, người còn thì đều đã già, ốm yếu vì bệnh tật do lao tù của địch.

Rời nhà chị Trần Thị Lý, chúng tôi đi qua nghĩa trang Điện Bàn, nơi có mộ của Trần Thị Lý. Gió vẫn vi vút thổi trên cánh đồng lúa. Ngẫm lại những gì đã qua trong cuộc đời chị Lý, chúng tôi không khỏi cảm thấy chút se sắt buồn…

Nguồn tham khảo:

  • Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, tập 2. Nxb Lao Động ; Nxb Quân đội Nhân dân. Hà Nội, 2000.
  • Chân dung nữ anh hùng Việt Nam các thời đại. Nxb Lao Động. Hà Nội, 2009.
  • wikipedia, baotanglichsu, dantri, cadn, vietnamnet
YouTube video

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?