Trong số những nhà văn tiên phong của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, bên cạnh những cái tên như Nguyễn Văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh, không thể không nhắc đến Trần Trọng Kim (1883-1953) – người con của đất Hà thành và cũng là cây bút dành trọn tâm huyết cho kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
Tranh minh họa về nàng Kiều – một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam.
Nếu như Nguyễn Văn Vĩnh được biết đến với bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Pháp đầy trân trọng, Phạm Quỳnh lại khơi dậy phong trào sùng bái “Truyện Kiều” với lời tuyên bố bất hủ “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, thì Trần Trọng Kim lại là người có ảnh hưởng sâu rộng trong việc nghiên cứu và góp phần lan tỏa giá trị của “Đoạn Trường Tân Thanh” đến với đông đảo người đọc.
Ngay từ lễ kỷ niệm Nguyễn Du do hội Khai trí tiến đức tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 năm 1924, sau khi Phạm Quỳnh đọc diễn văn về “Truyện Kiều” và Nguyễn Du bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, Trần Trọng Kim đã có bài nói chuyện về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương “Truyện Kiều”. Không dừng lại ở đó, sau lễ kỷ niệm, ông tiếp tục nghiên cứu, hiệu đính, chú thích “Truyện Kiều” từ bản chữ Nôm và cùng Phó bảng Bùi Kỷ cho ra đời cuốn “Truyện Thúy Kiều chú giải” vào năm 1925.
Có thể nói, bên cạnh những bản chú giải “Truyện Kiều” khác của Bùi Khách Diễn, Tản Đà, Lê Văn Hòe trước năm 1945, hay của Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang, Phạm Đan Quế, Nguyễn Quảng Tuân… sau năm 1945, thì “Truyện Thúy Kiều chú giải” của Trần Trọng Kim vẫn được đánh giá là tác phẩm biên khảo có giá trị nhất. Bởi lẽ, công trình của ông không chỉ giảng giải tường tận (bao gồm cả gốc Hán Việt của điển tích), nghiên cứu rành mạch, mà còn phê bình sâu sắc và khách quan.
“Truyện Thúy Kiều chú giải” của Trần Trọng Kim đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của những ai yêu mến “Truyện Kiều” và mong muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của áng văn chương tuyệt tác này. Tác phẩm giúp bạn đọc mở rộng kiến thức về tiếng Việt, văn học, bút pháp cổ điển Việt Nam, cũng như hiểu rõ hơn tư tưởng của Nguyễn Du về triết lý Phật giáo, thuyết thiên mệnh của Nho giáo.
Không chỉ dừng lại ở đó, Trần Trọng Kim còn phân tích về tài năng sáng tạo của Nguyễn Du và tâm sự của ông gửi gắm qua “Truyện Kiều”, giúp người đọc tránh được những “mê hồn trận” do các cây bút có tư tưởng Âu Tây tạo ra khi phân tích tác phẩm. Có thể kể đến trường hợp điển hình như Nguyễn Bách Khoa (trong các tác phẩm “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Văn Chương Truyện Kiều”, 1944) hay Hoài Thanh (trong tác phẩm “Quyền Sống Con Người Trong Truyện Kiều”, 1949).
Được xuất bản lần đầu vào năm 1925, trải qua gần một thế kỷ với gần chục lần tái bản, “Truyện Thúy Kiều chú giải” của Trần Trọng Kim vẫn được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước mến mộ.
Trần Trọng Kim đã giải đáp những thắc mắc của độc giả về lý do Nguyễn Du chọn “Kim Vân Kiều tân truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân – một tác phẩm gần như vô danh – để diễn âm thành một kiệt tác của văn học Việt Nam. Theo ông, Nguyễn Du và nàng Kiều có những điểm tương đồng về số phận: “Tiên sinh là một người trung thần mà gặp buổi Lê suy, cũng như Kiều là một người trinh nữ gặp cơn gia biến. Dù tiên sinh muốn trung với Lê Hoàng, song nhà đổ một cây gỗ chống sao cho nổi; khác gì Kiều muốn thủ nghĩa với Kim Trọng, song chuộc cha thế phải bán mình. Bạch diện đối với hồng nhan đã chịu chung một số kiếp, thì quyển truyện Kiều có phải là chỉ để than người bạc mệnh mà thôi, hay là để cho tác giả nhân đó mà tự than mình nữa? Tưởng tiên sinh cũng nghĩ: Lời là bạc mệnh cũng là lời chung. Cho nên than người bạc mệnh, tức là than thân mình. Vậy lấy truyện Kiều mà xét tâm sự của Tố Như tiên sinh thì tưởng không lầm được.”
Không chỉ vậy, Trần Trọng Kim còn lý giải cách thức Nguyễn Du tái tạo “khúc đoạn trường” từ “Kim Vân Kiều tân truyện”: “Tiên sinh dịch nhưng chỉ chọn lấy những đoạn cốt tử mà thôi, còn thì tiên sinh đã thay đổi đi và bỏ bớt đi nhiều chỗ rườm rà thô tục, hoặc những chỗ gớm ghê, dơ bẩn như đoạn Tú Bà dạy Thúy Kiều và đoạn báo ân báo oán là tiên sinh chỉ nói lược qua mà thôi. Cho nên so quyển truyện Thúy Kiều với bộ tiểu thuyết Tàu thì quyển sách của tiên sinh thanh nhã và có văn vẻ hơn nhiều lắm.”
Theo Trần Trọng Kim, “Truyện Kiều” là minh chứng cho “văn dĩ tải đạo” (dùng văn để chở đạo lý). Nguyễn Du đã ca tụng cái tâm, đề cao thiện căn và khuyên người đời nên tri mệnh để mưu cầu hạnh phúc. Ông đã khéo léo gửi gắm tâm sự của mình qua từng câu chữ, từng nhân vật, từng tình huống trong “Truyện Kiều”: “Ấy là cái tâm sự của tiên sinh đã đem gửi vào tập truyện Thúy Kiều, để hậu thế ai có con mắt tinh đời, thì soi xét đấy mà thở dài thay cho một người tài tình, tiết nghĩa, sinh không gặp thời, phải đày đọa ở chốn phong trần, để tấm lòng son sắt mai một đi mất. Vậy nay ta đọc truyện Kiều, mà có “khóc người đời xưa”, thì những người thức giả hẳn không ai cho là “khéo dư nước mắt” nữa.”
Bên cạnh đó, “Truyện Kiều” còn là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến Việt Nam đương thời. Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, từng hạng người trong xã hội, từ ông quan cho đến tên lính lệ, từ người lương thiện cho chí những phường tàn bạo gian ác, nào người văn học nho nhã, nào người chơi bời phóng túng, nào người giang hồ vùng vẫy… đều hiện lên sống động như in.
Tính chất tả chân trong “Truyện Kiều” đã trở thành tấm gương cho nghệ thuật tả chân của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam thế kỷ XX: “Từ ông quan cho đến tên lính lệ, từ người lương thiện cho chí những phường tàn bạo gian ác, nào người văn học nho nhã, nào người chơi bời phóng túng, nào người giang hồ vùng vẫy, không có mặt nào là mặt tiên sinh không vẽ rõ chân dung ra. Hạng người nào ra hạng người ấy, lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, không có cái gì là không giống như in. Tả ra được thế, thì không những là Tố Như tiên sinh có cái đặc tài hơn các nhà văn sĩ, mà tiên sinh lại là một nhà tâm lý học rất tinh thâm thấu suốt được nhân tình thế thái, soi rõ đến cái khuất khúc hóc hiểm ở lòng người ta. Ai thế nào tiên sinh đem bày ra thế, mà tả người nào cũng có cái khí linh hoạt rất mạnh, khiến cho khi đọc truyện Thúy Kiều ta tưởng như là những người ấy có ở trước mặt ta, đi lại nói năng như thật vậy.”
Nhắc đến nội dung “Truyện Kiều”, không thể bỏ qua thuyết “tài mệnh tương đố” (chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau), vốn là một quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người xưa. Nguyễn Du cũng không nằm ngoài quan niệm đó. Trong “Truyện Kiều”, ông đã thể hiện rõ nét thuyết thiên mệnh trong Nho giáo và khuyên con người nên an phận thủ thường:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Tài mệnh vốn là hai thứ tương khắc. Vậy làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn này? Nguyễn Du cho rằng, con người nên tu tâm:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Để lý giải sâu hơn về số phận con người, Trần Trọng Kim đã viện dẫn lý thuyết Phật học trong “Truyện Kiều”. Theo đó, ông cho rằng cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều là do nàng phải trả nghiệp, cho tới khi nào trả hết nghiệp thì cuộc sống mới sang trang mới (sau khi tự vẫn ở sông Tiền Đường): “Theo cái thuyết phổ thông nói về nhân quả trong đạo Phật, thì hai chữ nhân và quả rất là nặng, và người ta thường lấy thuyết ấy mà giải thích mọi việc ở trong thế gian này. Người ta cho là ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn nhỏ, đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo tác ra. Cái thuyết nhân quả cốt ở chữ nghiệp, bên nhà Nho gọi là chữ mệnh. Chữ Nghiệp đây không có nghĩa như bên nhà Nho thường dùng để chỉ công việc người ta làm, như là sự nghiệp, công nhiệp, nghề nghiệp hay nghiệp nông, nghiệp thương… chữ Nghiệp của nhà Phật là dịch cái nghĩa tiếng Phạn Karma, tức là những việc đã làm kiếp trước kết thành cái quả kiếp sau. Cô Kiều là con nhà tử tế, có nền nếp có tài có sắc, học hành thông minh, biết điều nhân nghĩa phải trái. Thật là ‘đầu xanh chưa tội tình gì’ mà ngay từ bước đầu vào cuộc đời đã gặp những nỗi đoạn trường, là tại sao? Tại cô có cái nghiệp rất nặng, cho nên cái tên của cô đã đứng ở trong sổ đoạn trường rồi. Cô có cái nghiệp nặng nằm sẵn ở trong mình cho nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đánh ra đều có cái giọng đau đớn khổ sở…”
Nhờ những phân tích của Trần Trọng Kim, người đọc không chỉ hiểu thêm về nội tâm nhân vật mà còn thấu cảm được cái tâm trong sáng, nhân hậu của Nguyễn Du.
Về mặt nghệ thuật, Trần Trọng Kim đánh giá rất cao tài năng của Nguyễn Du. Theo ông, Nguyễn Du có tài tả cảnh, tả người, tả tình bậc thầy. Cách dùng câu, dùng chữ của ông cũng rất tài tình, tinh tế: “lấy một chữ, một câu thơ mà vẽ ra đúng như hệt, thì tưởng trong làng văn của ta chưa từng có ai bằng Tố Như tiên sinh. Đến những cảm tình như là: buồn, giận, thương nhớ, sợ hãi không cái gì tiên sinh không tả ra một cách phân minh. Tiên sinh có cái tài dùng một chữ hay một cái cảnh nào để gợi tâm tình của tiên sinh định tả ra.”
Có thể nói, muốn thấu hiểu “Truyện Kiều”, bạn đọc không thể bỏ qua phần dẫn luận của Trần Trọng Kim cũng như phần chú giải của ông và Phó bảng Bùi Kỷ trong “Truyện Thúy Kiều chú giải”. Chính nhờ đó, ta mới có thể hiểu rõ ý nghĩa, cái hay, phần sâu xa của tác phẩm cũng như tài năng xuất chúng của đại thi hào Nguyễn Du.