Những vụ thảm sát kinh hoàng của lính đánh thuê Hàn Quốc tại Việt Nam

Bài viết này hoàn toàn không có chủ ý kích động hay làm quan hệ quốc tế xấu đi, nhưng đây là sự thật lịch sử mà mọi người đều phải biết, để nó không bị lãng quên. Lịch sử đều có mặt hai mặt, và đây chính là phần tối nhất. Hãy đọc bài viết này nhằm tiếp thu thêm kiến thức, chứ không phải thù hận.

“Mãnh Hổ”, “Bạch Mã”, “Rồng Xanh” tham chiến tại Việt Nam

Mỹ và Hàn Quốc đã liên minh với nhau dưới danh nghĩa của một cuộc thập tự chinh chống Cộng, nhưng Hàn Quốc luôn là đối tác đàn em trong mạng lưới của Mỹ – điều này giải thích tại sao họ được giao nhiệm vụ bình định hóa vùng nông thôn một cách tàn bạo, làm công việc bẩn thỉu thay cho lính Mỹ, tránh xa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và có lẽ quan trọng hơn, khỏi công chúng Mỹ. Người Hàn Quốc mang theo vũ khí của người Mỹ, nhưng phần lớn hoạt động của họ bị báo chí Mỹ phớt lờ – và đó chính là điều Washington mong đợi.

Từ tháng 9 năm 1964 đến tháng 3 năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc, dưới sự quản lý của Park Chung-hee, đã gửi hơn 300.000 quân đến Nam Việt Nam. Quân đội Hàn Quốc, Thủy quân lục chiến, Hải quân và không quân đều tham gia với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ.

Số lượng lính đánh thuê Park Chung Hee lớn hơn nhiều so với quân đội đến từ Úc và New Zealand, và chỉ đứng sau lực lượng quân đội Hoa Kỳ trong tổng quân đội nước ngoài ở Nam Việt Nam. Chỉ huy quân sự là Trung tướng Chae Myung-shin của quân đội Hàn Quốc.

Chân dung tướng Chae Myung-shin Lục quân Hàn Quốc và cũng là sĩ quan chỉ huy Quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chân dung tướng Chae Myung-shin Lục quân Hàn Quốc và cũng là sĩ quan chỉ huy Quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.

Từ năm 1965 trở đi lần lượt các đơn vị chiến đấu của Đại Hàn lần lượt cập bến quân cảng Đà Nẵng và chính thức tham chiến. Đó là Sư đoàn bộ binh Capital có cái tên rất kêu Mãnh Hổ đóng quân ở Qui Nhơn, tiếp theo là sư đoàn bộ binh “Bạch Mã” đóng ở Phú Yên, Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến Rồng Xanh đóng quân tại Quảng Ngãi, Hội An.

Chae Myung-shin
Khi diễn ra thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị, William Westmoreland đã nhiều lần ra lệnh cho Chae Myung-shin điều tra sự việc. Chae trả lời rằng kẻ gây tội ác là Việt Cộng. Tuy nhiên, đại tá Robert Morehead Cook, thanh tra trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đã kết luận rằng vụ thảm sát này do thủy quân lục chiến Hàn Quốc gây ra. (Ảnh: Archives and Special Collections, Healey Library, UMass Boston)
Lực lượng lính "Rồng Xanh" của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.
Lực lượng lính “Rồng Xanh” của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.

So với lực lượng giải phóng quân của ta thì tụi lính đánh thuê Park Chung Hee được huấn luyện rất bài bản và được chọn lựa kỹ càng. Chúng rất thành thạo về các chiến thuật “phản” du kích, kỹ chiến thuật điêu luyện. Được huấn luyện đào tạo theo các giáo trình huấn luyện biệt kích của Mỹ. Rất gan lỳ và được đầu độc nặng nề về lòng căm thù Chế độ Cộng Sản.

Ngoài ra ngay cả bọn Mỹ cũng phải kính nể về trình độ võ thuật của bọn này. Tiêu chuẩn của các tên lính tham gia vào các đơn vị lính đánh thuê Park Chung Hee kể trên là phải có trình độ cao đăng môn Teakwon-do hoặc Happkido truyền thống của Đại Hàn.

Logo của Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Đại Hàn hay còn gọi Sư đoàn Rồng Xanh trong thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam.
Logo của Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Đại Hàn hay còn gọi Sư đoàn Rồng Xanh trong thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam.

Chúng có thể độc lập tác chiến và tự tìm cách duy trì sự sống trong rừng sâu khi bị lạc đơn vị trong chiến đấu một thời gian tương đối lâu. Chúng nghiên cứu qui luật chiến đấu và hoạt động của du kích ta rất kỹ lưỡng và đối phó khá hiệu quả trong thời gian đầu. Chúng tổ chức các đợt càn quét lớn và rộng.

Đêm đêm chia quân đi phục kích các vị trí nghi ngờ với sự kiên trì và tính kỷ luật cao độ. Khi đi càn chúng luôn luôn đi đầu, trực thăng Mỹ và pháo binh ủng hộ trên đầu và lính Mỹ ủng hộ vòng ngoài. Chúng hoạt động gần như là độc lập với bọn Nguỵ và không tin bọn Nguỵ trong vấn đề tác chiến. Chúng sẵn sàng nổ súng mà không cần bắn cảnh cáo khi có một tên dân vện đi lạc đường vào khu vực mà chúng chiếm giữ.

Binh sĩ thuộc Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Đại Hàn đang dẫn tù binh được cho là Việt Cộng trong thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam.
Binh sĩ thuộc Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Đại Hàn đang dẫn tù binh được cho là Việt Cộng trong thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam.

Những vụ thảm sát kinh hoàng của lính hàn tại Việt Nam

Thảm sát Thái Bình

Vào một buổi sáng sớm của tháng 2/1966, một toán quân thuộc Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Hàn Quốc đã tiến vào làng Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) trong một cuộc càn quét các du kích Giải phóng.

Tuy vậy, chúng chỉ tìm thấy trong ngôi làng 68 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những con người vô tội và không có khả năng kháng cự này đã trở thành đối tượng để “Mãnh Hổ” trút giận. Bằng hàng loạt phát súng và cả một quả lựu đạn, lính Hàn Quốc đã giết hại dã man 65 người.

Ba người may mắn sống sót trong vụ thảm sát Thái Bình sau đó đã trở thành nhân chứng tố cáo tội ác của Sự đoàn Mãnh Hổ. Để ghi nhớ sự kiện tang tóc này, một đài tưởng niệm khắc tên của 65 nạn nhân đã được dựng lên tại làng Thái Bình.

Thảm sát Thái Bình
Thảm sát Thái Bình

Thảm sát Diên Niên – Phước Bình

Vào sáng ngày 9/10/1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 – Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Sau đó, chúng đổ quân càn quét, lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn.

Sau khi tập trung dân, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường. Vụ giết chóc này làm 68 người dân thôn vô tội ngã xuống, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em.

Ngày 13/10, quân “Rồng Xanh” tiếp tục càn quét và hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó.

Tổng cộng, trong hai ngày 9/10 và 13/10/1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình. Ngày nay, di tích vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình đã được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.

Thảm sát Bình Hòa

Vụ thảm sát Bình Hoà diễn ra tại xã Bình Hòa – Huyện Bình Sơn – Tỉnh Quảng Ngãi trong các ngày 3,5,6,/12/1966 (tức ngày 22, 24 và 25 tháng 10 âm lịch) tại 5 địa điểm: Buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, mà lính đánh thuê Nam Triều Tiên là thủ phạm.

Thảm sát Bình Hòa
Thảm sát Bình Hòa

Trong thảm sát Bình Hoà, lính Hàn giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (có 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 thiếu nhi, 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.

Ngày 23-1-1966, chúng bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào Bình An. Quân địch bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, chúng quay sang đốt phá thóc gạo, nhà cửa và giết hại dân lành. Hơn 100 thường dân, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết trong trận càn này, mở đầu cho một chiến dịch tàn sát trả thù hết sức dã man.

Với khẩu hiệu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch“, ngày 7-2-1966, các đơn vị lính đánh thuê Park Chung Hee mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Từ sáng sớm hầu hết các đơn vị pháo binh trong vùng của địch đều được lệnh nã đạn cấp tập vào Bình An. Làng quê nhỏ bé, hiền hòa bỗng chốc chìm ngập trong khói đạn. Vừa dứt tiếng pháo, lính Nam Hàn từ các phía ập đến. Phát hiện ra các hầm trú ẩn của dân ven làng, chúng thả lựu đạn cay xuống bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát.

Ngay trong ngày đầu chiến dịch (7-2-1966), lính Nam Hàn đã giết chết 58 người. Riêng tại khu vườn nhà ông Phạm Chương (thôn An Vinh) chúng đã xả súng bắn chết một lúc 64 người. Cả hai vợ chồng ông Chương đều bị giết.

Những cuộc giết chóc, đốt phá ngày càng mở rộng qui mô và tăng thêm tính chất dã man. Ngày 12-2 là một ngày đẫm máu. Từ 10 giờ sáng, lính Nam Hàn bắt đầu cuộc tàn sát tại thôn Bính Đức. Chúng xả súng bắn vào bất cứ ai gặp trên đường hoặc bắt rồi hành hạ cho đến chết. Ở những nơi chúng gây tội ác (nhà ông Trần Ngô, khu vườn nhà ông Lê Phúc, khu nghĩa địa…), địch đã giết hại 26 người.

Đặc biệt ở khu nghĩa địa, chúng đã dã man trói người vào các tấm bia mộ rồi để phơi nắng cho đến lúc chết khô. Vào khoảng 1 giờ trưa, quân địch kéo sang chợ Sông Cạn (thôn Nhơn Thuận), dồn tất cả 33 người dân bị bắt vào bãi chợ rồi xả súng trung liên bắn chết. Xác người nằm chồng chất lên nhau. Chưa hả, 5 giờ chiều ngày hôm đó bọn lính khát máu lại gây ra một vụ thảm sát ở Lỗ Sỏi, 40 người dân vô tội bị giết một lúc.

Như vậy chỉ trong một ngày thảm sát, lính Nam Hàn đã giết chết 109 người. Xóm làng tiêu điều, xơ xác, người chết ngổn ngang khắp nơi.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tận cùng tội ác của lính Hàn Quốc tại Việt Nam.

Những cuộc tàn sát rùng rợn nhất xảy ra vào giai đoạn cuối của trận càn. Từ ngày 15-2 đến ngày 26-2, chúng đã sát hại gần 600 người, chủ yếu tập trung vào hai ngày 23-2 và 26-2.

Chứng tích về vụ tàn sát tập thể ngày 23-2 là khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh. Tại đây chúng đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên bắn chết sạch không trừ một ai. Thật tang thương khi trong số các nạn nhân, có những gia đình bị giết hết cả nhà.

Ngày 26-2 đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh). Trước khi kết thúc chiến dịch thảm sát kéo dài 3 tuần lễ, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về đây. Như những con dã thú, chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ nhất. Chúng điên cuồng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…

Vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Sau những ngày hãi hùng, nhiều người còn sống sót phải bỏ làng ra đi. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn. Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân.

Chiến dịch thảm sát của địch đã để lại cho Bình An những hậu quả thật thê thảm. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. 1.535 trong tổng số 1.592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu, bò bị chết… Sự sống ở Bình An bị hủy diệt đến nỗi dân làn không thể tiếp tục sinh sống được nữa phải phiêu bạt đi khắp nơi, đến 2 năm sau mới có người trở về. Những gì mà quân xâm lược gây ra trên đất Bình An là tội ác trời không dung đất không tha.

Năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng 1 tấm bia căm thù tại hố bom Truông Đình cao 2m, rộng 3m ghi lại tội ác tày trời của đế quốc Mỹ và chư hầu. Hiện nay đã xây dựng nhà bia tưởng niệm các nạn nhân và tôn tạo các di tích.

Bia ghi tội ác của lính Hàn Quốc tại Việt Nam trong thảm sát Bình Hoà
Bia ghi tội ác của lính Hàn Quốc tại Việt Nam trong thảm sát Bình Hoà
Di tích Hố Bom Truông Đình
Di tích Hố Bom Truông Đình

Thảm sát Bình An

Thảm sát Bình An hay còn gọi là thảm sát Tây Vinh (tiếng Triều Tiên: 타이빈 양민 학살 사건) là một loạt các cuộc thảm sát do sư đoàn bộ binh thiết giáp thủ đô (hangul: 수도기계화보병사단; hanja:首都機械化步兵師團) của lính Hàn Quốc thực hiện đối với dân thường Việt Nam tại xã Bình An, nay là xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.Trong suốt cuộc hành quân, lính đánh thuê Park Chung Hee đã đột kích 15 thôn của xã Tây Vinh. Điển hình tại một thôn, họ đã lùng sục và bắn chết 68 người. Chỉ có 3 thường dân sống sót.

Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị

Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị là một tội ác chiến tranh của lính đánh thuê Hàn Quốc gây ra trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 12 tháng 2 năm 1968 tại khu vực Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam, các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã thảm sát hàng loạt thường dân không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Hà Thị Diên (bên dưới), sau khi bị bắn chết khi đang bế con là Lê Đình Mận. Áo sơ mi của cô vẫn được cuộn lên và ngực cô lộ ra. Cái xác phía trên cô là Nguyễn Thị Thường.
Hà Thị Diên (bên dưới), sau khi bị bắn chết khi đang bế con là Lê Đình Mận. Áo sơ mi của cô vẫn được cuộn lên và ngực cô lộ ra. Cái xác phía trên cô là Nguyễn Thị Thường.
Thẻ căn cước của Hà Thị Diên, một trong những nạn nhân trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Thẻ căn cước của Hà Thị Diên, một trong những nạn nhân trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Một phụ nữ 21 tuổi đang hấp hối với bộ ngực bị cắt ra và bị bắn bởi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chở cô đến bệnh viện, nhưng cô đã chết ngay sau đó. Ảnh của Hạ sĩ J. Vaughn, Trung đội Delta-2, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Một phụ nữ 21 tuổi đang hấp hối với bộ ngực bị cắt ra và bị bắn bởi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chở cô đến bệnh viện, nhưng cô đã chết ngay sau đó. Ảnh của Hạ sĩ J. Vaughn, Trung đội Delta-2, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Cự (nằm thẳng ở trung tâm) cha của Trần Thị Được bị giết trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị, vào ngày 12 tháng 2. Vào tháng 4 năm 2001, được Koh Kyoung Tae xác minh với dân làng rằng ông là cha của Trần Thị Được (nằm phía gốc phải).
Ông Trần Văn Cự (nằm thẳng ở trung tâm) cha của Trần Thị Được bị giết trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị, vào ngày 12 tháng 2. Vào tháng 4 năm 2001, được Koh Kyoung Tae xác minh với dân làng rằng ông là cha của Trần Thị Được (nằm phía gốc phải).
Trần Thị Được (16 tuổi) đang được binh sĩ Hoa Kỳ chữa trị vết thương do binh sĩ Hàn Quốc gây ra trong vụ thảm sát Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Trần Thị Được (16 tuổi) đang được binh sĩ Hoa Kỳ chữa trị vết thương do binh sĩ Hàn Quốc gây ra trong vụ thảm sát Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Thi thể một nạn nhân bị đốt cháy bởi Sư đoàn 2 Thủy quân lục chiến Hàn Quốc, ở làng Phong Nhất và Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam, miền Nam Việt Nam vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Thi thể một nạn nhân bị đốt cháy bởi Sư đoàn 2 Thủy quân lục chiến Hàn Quốc, ở làng Phong Nhất và Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam, miền Nam Việt Nam vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Một đứa trẻ bị giết trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị
Một đứa trẻ bị giết trong vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phát hiện thi thể nạn nhân tại các làng Phong Nhị và Phong Nhất vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phát hiện thi thể nạn nhân tại các làng Phong Nhị và Phong Nhất vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phát hiện thi thể nạn nhân tại các làng Phong Nhị và Phong Nhất vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phát hiện thi thể nạn nhân tại các làng Phong Nhị và Phong Nhất vào ngày 12 tháng 2 năm 1968.
Quang cảnh xung quanh ngôi làng bị thiêu cháy bởi binh sĩ Hàn Quốc trong vụ Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Quang cảnh xung quanh ngôi làng bị thiêu cháy bởi binh sĩ Hàn Quốc trong vụ Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị năm 1968.
Một báo cáo về tội ác tàn bạo của ROK Marines (thủy quân lục chiến của Hàn Quốc) bao gồm vụ thảm sát Phong Nhi của tổng thanh tra quân đội Hoa Kỳ Đại tá Robert Morehead Cook.
Một báo cáo về tội ác tàn bạo của ROK Marines (thủy quân lục chiến của Hàn Quốc) bao gồm vụ thảm sát Phong Nhi của tổng thanh tra quân đội Hoa Kỳ Đại tá Robert Morehead Cook.

Thảm sát Hà My

Tương tự như Thảm sát Bình Hòa, thảm sát làng Hà My nay thuộc thôn Hà My Tây tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do lính Hàn Quốc gây ra vào ngày 25 tháng 2 năm 1968 tại khu vực Hà My, tỉnh Quảng Nam. Các đơn vị binh lính đánh thuê Hàn Quốc đã vây bắt và giết chết 135 cư dân không vũ trang của làng Hà My.

Thảm sát Duy Trinh

Sáng 14/8/1968, lính Hàn Quốc đóng tại Hòn Bằng, cách làng Duy Trinh (Quảng Nam) chừng 400 m bắt đầu càn vào làng. Vừa đi chúng vừa bắn. Phần lớn người ở lại là người già, trẻ con và phụ nữ chạy xuống hầm trú ẩn. Quân địch phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu tại xóm Mỹ An, liền ra lệnh mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Một lát sau, chúng bắt tất cả trở lại hầm rồi bắt đầu cuộc giết chóc.

Rất lạnh lùng, lính Hàn Quốc thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ.

Toán lính Hàn Quốc tiếp tục kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng lại ném một quả lựu đạn. 18 thường dân vô tội khác đã thiệt mạng.

Tổng cộng, 32 đồng bào đã bị giặc giết trong vụ thảm sát ở làng Duy Trinh.

Ngày 06/06/2017, Ngày Tưởng niệm Hàn Quốc, Tổng thống mới đắc cử Moon Jae-in đã phát biểu trước các cựu binh Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam, tuyên bố rằng sự cất cánh kinh tế của Hàn Quốc một phần là nhờ sự “hy sinh” của họ tại Việt Nam vì lúc đấy chính quyền Hàn Quốc quyết định tham chiến cùng Mỹ vì lời hứa về đòn bẩy ngoại giao và viện trợ tài chính cho Hàn Quốc.

“Có thể nói, lính đánh thuê Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam là nỗi khiếp đảm của người dân từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Chỉ cần một lính Đại Hàn bị giết, họ sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết. Có những làng mà sau một trận càn của lính Đại Hàn đã hoàn toàn bị xóa sổ”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói:

“Tôi kể ra ra đây không phải là để kích động lòng thù hằn. Đó không phải là chủ ý. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Vấn đề phải nói ra để những người hôm nay ứng xử với lịch sử như thế nào. Phát biểu của tổng thống Hàn Quốc là không đúng với sự thực lịch sử và nó đụng chạm vào nỗi đau, vào quá khứ chiến tranh mà các bên đang muốn gác lại”.

Xé xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ

Trước sự tàn bạo của lính đánh thuê Hàn Quốc tại Việt Nam, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã lập kế hoạch tiến công để tiêu diệt toàn bộ đồn của Quốc quân Hàn Quốc. Trong đó trận Quang Thạnh (tháng 2/1967) là một trong những trận đánh oai hùng và cho thấy sức mạnh của lực lượng Đặc công Việt Nam, nhằm vào Quốc quân Hàn Quốc để trả thù cho nhân dân huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị lữ đoàn Mãnh Hổ, Hàn Quốc tàn sát.

Trong 2 ngày 5 và 6 tháng 8 năm 1966, chúng cho pháo binh từ Bình Liên bắn cấp tập vào xã Bình Hòa, khi pháo ngưng bắn, hàng loạt máy bay trực thăng CH47 chở bọn lính Nam Triều Tiên ồ ạt đổ quân chiếm các ngọn đồi quanh xã rồi chia nhiều mũi tấn công vào các thôn Nam Yên, An Phước, Lạc Son.

Chúng đốt nhà giết trâu bò, hãm hiếp phụ nữ. Người nào chống đối chúng đâm lưỡi lê vào bụng moi gan, cắt đầu, ném xác vào lửa đỏ. Chúng lùa hết dân ra đồng, rồi dùng súng đại liên bắn xối xả vào bà con, tàn sát một lúc 400 người vô tội, gồm đàn bà, người già và trẻ con.

Lửa cháy ngút trời, xác người phơi đầy đường đầy ngõ. Một quang cảnh tàn khốc do bọn lính Hàn gây ra bao tang tóc lên xã Bình Hòa. Tội ác của chúng thật trời không dung đất không tha. Vụ thảm sát dã man nay đã làm đồng bào cả nước xúc động cao độ.

Trong bức thư huyết lệ của Hội phụ nữ Bình Hòa gửi lực lượng vũ trang Quảng Ngãi, các chị đã viết:

“Chúng tôi những người phụ nữ chân yếu tay mềm, khẩn thiết kêu gọi Quân giải phóng Quảng Ngãi hãy nổ súng vào đầu bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên để trả thù cho đồng bào ruột thịt của chúng ta bị chúng sát hại”.

Có nhà thơ đã thốt lên:

“Khăn tang điểm trắng trời chiều

Bao nhiêu đồi núi bấy nhiêu căm hờn”.

Trong lời hiệu triệu gởi các lực lượng vũ trang giải phóng, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi đã viết:

“Các đồng chí trong lực lượng vũ trang và bán vũ trang cách mạng hãy trút hết căm hờn lên lưỡi lê đầu súng, tới tấp tấn công quân địch, tiêu diệt nhiều giặc Mĩ và bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên để trả thù cho đồng bào Bình Hòa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ (Quảng Ngãi) Thủ Bồ, La Thọ (Quảng Nam) và những nơi khác trên toàn miền Nam đã bị bọn chúng sát hại”.

Bộ đội ta đã vào trận với vành khăn tang trắng quấn trên đầu để tưởng nhớ những đồng bào bị giặc sát hại. Các hoạt động Xé xác Rồng Xanh liên tục diễn ra.

Tư lệnh miền đã cân nhắc rất kỹ các kế hoạch tấn công vào cứ điểm đồi tranh Quang Thạnh. Mục tiêu của ta đề ra là phối hợp các tiểu đoàn chiến đấu vận động bí mật tiếp cận mục tiêu theo hình thức đặc công. Đến nơi tạo 4 cửa mở ở bốn góc bằng cách gài bộc phá để phá đồng loạt các hàng rào dây kẽm gai sau đó đồng loạt xung phong tiến vào tiêu diệt quân địch trong cứ điểm bằng AK, lựu đạn và súng phun lửa kết hợp với DKZ và B-40 ở bên ngoài.

Yếu tố bất ngờ đóng vai trò chủ đạo và trận đánh phải sẽ diễn ra vào khoảng 10 giờ tối và phải kết thúc trước càng nhanh càng tốt trước khi trời sáng để đề phòng quân địch ở các căn cứ khác kéo đến tiếp viện và hạn chế hoả lực của phi pháo bắn tiếp cứu.

Trận đánh bắt đầu đúng như kế hoạch, ta dùng 4 mũi tấn công bí mật tiếp cận từ các hướng, giữa các mũi tấn công luôn luôn đảm bảo liên lạc thông suốt với nhau và với ban chỉ huy trận đánh. Tuy nhiên do rải lộ tiêu không tốt mà một mũi tấn công bị lạc đường mất liên lạc và không đến vị trí tập kết được. Mặc dù chỉ còn ba mũi nhưng ta vẫn quyết định tấn công cứ điểm.

Ta đã thành công trong việc bịt mắt bọn đi tuần và bọn gác bên ngoài. 3 mũi bí mật tiếp cận các cửa mở và đã đặt bộc phá xong, chỉ huy trận đánh ra lệnh đồng loạt phát hoả để mở các cửa.

Sau những tiếng nổ của bộc phá và DKZ, B-40 cùng lựu đạn. Quân ta nhất loạt xung phong đột phá qua các cửa mở dùng AK bắn xối xả vào các giao thông hào, các ụ phòng ngự có đặt trung liên, và các khu dã chiến cho lính ngủ nửa chìm nửa nổi. Bọn địch bị hoàn toàn bất ngờ, vòng ngoài nhanh chóng bị hoả lực của ta tiêu diệt. Số còn lại lùi vào bên trong vừa phản kích dữ dội vừa tìm cách tập trung lực lượng dựa vào các lô cốt phòng ngự. Nắm được ý đồ của địch, ta vừa tăng cường sức tiến công vừa bao vây chia cắt địch theo từng khu vực để tiêu diệt và gọi hàng.

Mặc dù sức tấn công của ta mạnh ở 3 mũi nhưng do thiếu một mũi tấn công thứ tư cho nên việc chia cắt cô lập địch thành các khu nhỏ để bao vây tiêu diệt triệt để trở nên khó khăn. Do bản chất lỳ lợm và ngoan cố, tụi Đại Hàn dựa vào các lô-cốt hầm ngầm điên cuồng chống cự bằng trung liên, nhất quyết không tên nào đầu hàng. Ta dùng súng phun lửa và lựu đạn tiêu diệt các ụ phòng ngự ngoan cố này.

Đến gần sáng, ta làm chủ phần lớn cứ điểm, căn cứ ngổn ngang xác địch. Do sơ hở mất cảnh giác, ta để một đại đội thuộc sư đoàn bộ binh Mãnh hổ từ bên ngoài đánh vào tiếp cứu cho bọn bên trong và chúng co cụm lại vào 2 lô-cốt kiên cố nhất ở trên cao và dùng hoả lực chống cự quyết liệt.

Lúc này phi pháo ở bên ngoài bắn vào dữ dội hơn .Do bên trong căn cứ lúc này chủ yếu là quân ta cho nên chỉ huy trận đánh ra lệnh giải quyết số thương binh tử sĩ và rút lui dần vì nếu kéo dài đến sáng sẽ không có lợi. 4 giờ sáng quân ta rút lui an toàn ra khỏi căn cứ đồi tranh Quang Thạnh.

Mặc dù không tiêu diệt được 100% quân số địch với tiêu chí không bắt tù binh nhưng số mà ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu đủ để xoá sổ tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ của Lữ đoàn Rồng Xanh đóng tại căn cứ này. Trận này ta tiêu diệt tại chỗ 420 tên Đại Hàn (chúng có khoảng 500 tên trong căn cứ).

Đây là một trận đánh lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh gục Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến Rồng Xanh, giáng một đòn chí tử vào đội quân đánh thuê tàn ác, củng cố tinh thần cho bộ đội khu Năm về khả năng đánh địch trong cứ điểm phòng ngự kiên cố. Âm vang của trận đánh lớn đến nỗi làm lính Hàn Quốc sống sót mất hết tinh thần.

Sau những đòn trừng trị của quân giải phóng Quảng Ngãi, Lính đánh thuê Park Chung Hee hoang mang, dao động, lo sợ, rối loạn tinh thần. Tại Bình Định, một toán 7 tên lính Hàn dùng lựu đạn tự sát tập thể, một số tự bắn vào chân để phản đối lệnh đi càn của chỉ huy và một số bỏ mũ, bỏ lon mang súng vào khu vực Thế Long, Thế Lợi tìm du kích xin đầu hàng. Một số thông qua dân nhắn bộ đội giải phóng đừng bắn chúng, đổi lại chúng sẽ chỉ đi càn lấy lệ.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nợ Việt Nam lời xin lỗi chính thức

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng: Đối với người dân vô tội kể trên, quá khứ bi thảm đó không bao giờ bị lãng quên. Ngày hôm nay cũng như vô số những ngày trước đó, chính họ là những người may mắn sống sót và cũng chính họ sẽ mang nỗi ám ảnh, nỗi đau đớn này mãi mãi.

Đã từ rất lâu rồi, thời MXH chưa phổ biến và chưa có thuật ngữ hashtag, thì đã từng có một phong trào “Xin lỗi Việt Nam” ở chính đất nước Hàn Quốc, được khởi xướng bởi một phụ nữ Hàn. Cô gái ấy có tên là Ku Su Jeong, là một nữ ký giả người Hàn Quốc sinh năm 1966.

Ku Su Jeong vốn là Tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam, chính bởi vậy cô rất yêu thích và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước chúng ta.

Năm 1999, trong khi tìm kiếm tài liệu để làm luận văn, Ku Su Jeong đã tình cờ phát hiện một số tài liệu về những vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại Việt Nam (tài liệu của Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cung cấp).

Cực kỳ sốc, thậm chí cô không tin vào những gì được đọc, cô quyết định tự mình tìm hiểu. Thế là Ku Su Jeong từ Thành phố Hồ Chí Minh thuê xe đi đến các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi – những địa danh được nhắc tới trong tài liệu. Mỗi ngày, cô ghé từ 2 đến 3 xã, để cố gắng đi hết những nơi diễn ra các vụ thảm sát.

“Giấy thì không bao giờ gói được lửa. sự thật thì cũng có ngày phơi bày ra ánh sáng.” Biết được những gì cần biết, tháng 5 năm 1999, Jeong bắt đầu viết bài. Đến tháng 9 năm 1999, Ku Su-Jeong trở thành người đầu tiên công bố các cuộc thảm sát của binh lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam bằng một loạt những bài phóng sự về các tội ác của quân đội Hàn Quốc đăng trên tờ The Hankyoreh 21, một tờ nhật báo lớn của Hàn Quốc.

Người dân Hàn Quốc cũng sốc y như Jeong lần đầu được đọc tài liệu do chính phủ Việt Nam cung cấp. Các bạn có biết vì sao không, chính quyền Hàn Quốc trơ trẽn nói rằng những người lính của Đại Hàn Dân Quốc tham gia trong Chiến tranh Việt Nam là để làm nghĩa vụ quốc tế, cứu vớt người già trẻ nhỏ Việt Nam khỏi sự tàn bạo của Việt Cộng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ phóng viên Ku Su Jeong - Cha đẻ phong trào "Xin lỗi Việt Nam".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ phóng viên Ku Su Jeong – Cha đẻ phong trào “Xin lỗi Việt Nam”.

Đáng nực cười là Hàn Quốc từng bắt Nhật Bản bồi thường về tội ác của quân đội xứ mặt trời mọc gây ra cho Triều Tiên trong thế chiến thứ II, nhưng những tội ác lính Hàn ở Việt Nam thì họ phủ nhận. Nực cười hơn nữa, là khi các tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc bị phơi bày trên mặt báo, hơn 2.000 cựu chiến binh Hàn Quốc đã đốt phá tòa soạn của Hankyoreh 21. Họ đánh đập các phóng viên của Tạp chí Hankyoreh 21 khi đang tác nghiệp tại tòa báo. Vụ việc này được coi là một sự kiện lớn, gây chấn động trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ.

Nhiều người dân Hàn quốc đã tham gia nhiều cuộc vận động về vấn đề lính Hàn Quốc thảm sát Việt Nam; viết các thiệp xin lỗi thông qua sự tổ chức của Uỷ ban Hoà Bình của Tổ chức đoàn kết quốc tế của Hàn Quốc (Peace Committee of Korean House for International Solidarity (KHIS) và quyên góp cùng với Hankyoreh để xây dựng các trường học và bệnh viện ở Việt Nam tại những huyện chịu tổn hại nặng nề nhất. Thông qua những hoạt động đó, họ mong người Việt Nam tha thứ vì những tội ác mà lính Hàn đã phạm.

Họ đã gửi thư kêu gọi tới tổng thống Kim Dae Jung:

Thưa Tổng thống Kim Dae Jung.

Chúng tôi yêu cầu tổng thống mở cuộc điều tra tìm sự thật liên quan tới “Thảm sát Thường dân Việt Nam” gây ra bởi binh sỹ Hàn Quốc và xin lỗi công khai vì những vụ việc đó tới người Việt Nam.

Chúng tôi được nghe rằng ước tính có khoảng 5000 thường dân Việt Nam đã bị tàn sát bởi binh lính Hàn Quốc ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều người vô tội trong đó có cả phụ nữ, trẻ em và người già đã bị giết bừa bãi, và những cuộc tàn sát đã để lại những vết thương sâu trong tâm trí những người còn sống sót.

Vì nguyên do đó chúng tôi yêu cầu có lời xin lỗi chính thức từ những người chịu trách nhiệm trong quân đội vì đã ra lệnh tiến hành những hoạt động đó và bồi thường cho những nạn nhân vô tội của các vụ thảm sát. Rõ ràng rằng chúng ta không thể bước vào một thiên niên kỷ mới với lương tâm trong sạch khi chúng ta không nỗ lực để an ủi những đau đớn của người Việt nam. Chúng ta phải làm hết sức mình để vạch ra chân lý và ngăn ngừa những thảm kịch như thế không xảy ra trong tương lai.

Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh rằng sự bình yên thực sự chỉ có thể đạt được khi chúng ta dũng cảm sáng tỏ sự thực trong vấn đề này. Cho dù ở thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ này, thì sự thực về những vụ giết chóc đau thương đó không thể nào bị ỉm đi được.

Chúng tôi thúc giục chính phủ Hàn Quốc:

1. Đưa ra các số liệu về vụ việc. Những người lính đã từng tham chiến cho rằng trước tiên, sự thật về các vụ thảm sát phải được tiết lộ. Chúng tôi đồng ý với họ. Chính quyền Hàn quốc phải lập ra một uỷ ban điều tra chung cùng với chính quyền Việt nam.

2. Nếu như những thông tin gần đây được xác nhận, chính quyền Hàn quốc nên xin lỗi công khai tới chính quyền Việt Nam và người Việt Nam bằng cách nhận trách nhiệm về việc để xảy ra các vụ thảm sát.

3. Chính phủ Hàn Quốc nên bồi thường cho những người sống sót sau các vụ thảm sát.

4. Chính phủ Hàn Quốc nên bồi thường cho những người lính Hàn, những người đã bị ép buộc phải thực hiện những hành động phi nhân tính và chịu dằn vặt lương tâm từ đó tới nay.

5. Xin hãy cấp kinh phí điều tra để làm sáng tỏ các vụ thảm sát.

Nhưng, lại nhưng, điều tra thì điều tra vậy thôi, chứ chính phủ Hàn Quốc vẫn lộ bộ mặt đểu cáng của mình khi không chính thức “Xin lỗi Việt Nam”. Thậm chí, thị trưởng Seoul khi ấy còn nói đại khái rằng:

“các cựu chiến binh Hàn Quốc đã đóng góp tuổi trẻ của mình khi cùng quân đội Nam Hàn tham chiến ở Việt Nam, chính là những người hùng đặt những viên gạch để phát triển nền kinh tế”.

Được thể hùa theo, hơn 2.000 cựu binh xứ Hàn vỗ ngực kêu gào rằng đã hi sinh xướng máu để chính phủ Hàn Quốc có tiền phát triển đất nước những năm 1970 – 1980, và rồi sự gian trá điêu ngoa của người Hàn lộ rõ khi họ phủ nhận những vụ thảm sát. Những cựu binh, những gã lính đánh thuê Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam tàn ác và máu lạnh năm nào biểu tình hô vang rằng thảm sát chỉ là vấn đề “tưởng tượng”.

Và thế là, khi ở miền Trung Việt Nam đều có bia căm thù, đài tưởng niệm ghi lại chứng tích tội ác của những binh đoàn lính đánh thuê  Hàn Quốc tàn sát dân thường Việt Nam, thì ở Hàn Quốc, sau phong trào “Xin lỗi Việt Nam” do Ku Su-Jeong khởi xướng lại liên tiếp mọc lên càng nhiều những đài kỷ niệm sự tham chiến của lính Hàn tại Việt Nam. Ở đó, những người lính Hàn được ngợi ca là những vị anh hùng chiến đấu bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em… Việt Nam. Tức là họ chiến đấu vì Việt Nam, chả nhẽ chúng ta lại phải cảm ơn vì những tội ác mà đám lính đánh thuê Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam gây ra trên mảnh đất chữ S thân thương!?

*** Khi tìm hiểu để viết bài này tôi thực sự cảm thấy phẫn uất. Các cụ trong đảng, chính phủ còn là người thời chiến ấy. Quên là không được phép quên. Nhưng câu nói “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” nó đúng. Chứ quên đi quá khứ là sai. Gác lại là để trong tâm. Thời bình rồi, kinh tế vững mạnh thì mới có tiền mua vũ khí, mới ngẩng cao đầu đi ngoại giao. Dân giàu nước mạnh thì ai dám đánh? Tôi tiếp xúc các cựu binh và nghe kể nhiều về thời chiến, nhiệt huyết chảy trong người sôi sùng sục. Nhưng có một điều mà kể cả những kẻ diệt chủng đều phải công nhận. Không có chiến tranh là điều tốt nhất.”

==================================

Bài viết được Khám Phá Lịch Sử chọn lọc và biên tập từ Lê Tiến Nguyên, Wikipedia, VTC, nghiencuuquocte, Tìm Hiểu Lịch Sử, Đơn vị tác chiến điện tử ( Comrade Commissar ), Đạo sĩ…

YouTube video

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?