Lý Chiêu Hoàng – Chiêu Thánh hoàng hậu và cuộc đời đầy bi kịch!

Không một nhân vật lịch sử nào có thể khiến người ta ám ảnh lâu đến thế. Không một nhân vật lịch sử nào có cuộc đời lại sóng gió đến vậy: Từ Hoàng đế trở thành Hoàng hậu. Từ Hoàng hậu trở thành Công chúa. Một nhân vật với đầy biến động trong cuộc đời nhưng lại bị lịch sử lãng quên…

Lý Chiêu Hoàng, tên húy là Phật Kim, là con gái thứ hai của Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung. Chị bà là Thuận Thiên công chúa. Năm 6 tuổi, sau khi cha là Lý Huệ Tông bị Thái sư Trần Thủ Độ ép đi tu, Phật Kim lên ngôi đổi tên thành Lý Chiêu Hoàng. Sáu tuổi – bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chính trị và mở đầu cho chuỗi bi kịch về sau.

Từ Hoàng đế, Lý Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu

Năm 1225, dưới sự dàn xếp của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh – cháu của Trần Thủ Độ – chấm dứt thời gian cai trị của nhà Lý và lịch sử bước sang trang mới. Từ Hoàng đế, Phật Kim trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu – vợ của Trần Cảnh – Trần Thái Tông.

Về việc nhường ngôi cho chồng, Đại Việt sử kí có ghi chép:

Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng.

Xem thêm  Vì sao vua Quang Trung chết? Sự thật về cái chết của vua Quang Trung

Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Lý Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ.

Thủ Độ nói:

“Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?”.

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói:

“Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”.

Chiêu Hoàng cười và nói:

“Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó”.

Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:

“Bệ hạ đã có chồng rồi”.

Năm 1225: Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, trở thành Trần Thái Tông.

Bảy tuổi, làm sao có ái tình nam nữ? Có chăng chỉ là sự gần gũi và ngây thơ giữa 2 đứa trẻ. Chỉ vì sự trong sáng của trẻ thơ mà những người lớn kia đã biến nó thành một âm mưu chính trị – một cách chuyển giao êm thấm và khôn khéo.

Không làm hoàng đế, bà an phận làm hoàng hậu của Trần Cảnh. Đầu tiên là trao cho người đó giang sơn, rồi lại trao cho cả tình yêu của mình.

Phật Kim có yêu Trần Cảnh không? Có lẽ là có chứ. Trong cung cấm bao lâu, người đồng trang lứa mà bà thân cận nhất chính là chồng mình. Đó may chăng cũng là niềm an ủi cho sự day dứt vì đánh mất nhà Lý vào tay dòng họ khác.

Xem thêm  5 Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc di cư 1954

Vậy Trần Cảnh có yêu Chiêu Thánh không? Chắc chắn có. Cứ cho là không yêu nhưng cũng là thương cảm. Người con gái vì mình mà đánh mất tất cả, người con gái tội nghiệp từ vị trí tối thượng đã nhường ngôi cho mình chỉ vì âm mưu của Trần Thủ Độ. Nếu không yêu, sau này khi Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh, hà cớ gì mà ông bỏ kinh thành lên chùa chứ nhất quyết không theo ý chú?

Bị phế hoàng hậu, trở thành công chúa

12 năm – từ ngây thơ vụng dại đến tình yêu sâu sắc. Trần Cảnh và Phật Kim – Cả 2 đều là con cờ trong tay Trần Thủ Độ. Năm 14 tuổi, Chiêu Thánh sinh cho Thái Tông một hoàng tử nhưng không may chết yểu. Từ đó về sau Chiêu Thánh đau ốm liên miên, không thể sinh đẻ gì. Tuy vậy nhưng sử sách viết Trần Thái Tông vẫn một mực yêu thương bà. Nhưng sóng gió lại ập đến, lần này người gây ra cho họ bất hạnh không ai khác là Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung – mẹ ruột của Chiêu Thánh.

Nói một chút về Trần Thị Dung: Bà là vợ của Lý Huệ Tông, tên thật là Trần Thị Ngừ, hoàng hậu cuối cùng của triều Lý nhưng lại là em họ hàng xa với Trần Thủ Độ. Sau khi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, bà lấy Trần Thủ Độ, trở thành Công chúa Thiên Cực. Nói về người đàn bà này, người ta có nhiều đánh giá. Với nhà Trần thì bà luôn hết lòng nhưng đối với nhà Lý, kể cả hai đứa con gái ruột của chính mình, bà lại quá tàn nhẫn.

Xem thêm  Trần Khánh Dư - Danh tướng lắm tài, nhiều tật

Lo sợ Chiêu Thánh không sinh nở được và dẫn đến sự sụp đổ của nhà Trần, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung bàn bạc, yêu cầu Trần Thái Tông phế hoàng hậu, lấy Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng – chị gái của Chiêu Thánh và cũng là chị dâu của Thái Tông (Anh trai của Thái Tông là Trần Liễu, chồng của Thuận Thiên).

Bỏ vợ, cướp chị dâu, ở đâu ra cái đạo hoang đường như vậy? Là vua một nước, hơn ai hết, Trần Thái Tông phải là gương của dân chúng. Đừng nói là trái đạo, việc vô luân ấy xưa nay là điều cấm kị của đế vương. Trần Liễu nổi loạn. Trần Cảnh bỏ kinh thành lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ đem quân theo vua, vừa dỗ dành vừa gây ra sức ép. Trần Liễu biết Trần Thái Tông ở Phù Vân bèn cải trang thành lái đò đến gặp em và tạ lỗi. Hai anh em ôm nhau khóc. Trần Thủ Độ phát hiện, lấy gươm định giết Trần Liễu. Trần Thái Tông đứng ra che cho anh, Thủ Độ tha tội nhưng giết toàn bộ quân lính của Trần Liễu.

Không còn cách nào khác, cuối cùng Trần Thái Tông cũng trở về. Phế bỏ Chiêu Thánh, lập công chúa Thuận Thiên làm Hoàng hậu. Chiêu Thánh Công Chúa lúc đó mới 20 tuổi.

Trần Cảnh – Phật Kim – Thuận Thiên – Trần Liễu. Ai mới là người có lỗi? Thuận Thiên lên ngôi Hoàng hậu, lòng bà hạnh phúc lắm sao? Lấy ngôi của em gái, rời xa chồng mình. Sự ăn năn của bà khiến bà ra đi khi còn quá trẻ – 33 tuổi. Còn về Chiêu Thánh, từ ngôi cửu ngũ chí tôn, lại trở thành Hoàng hậu, mang danh làm mất cơ nghiệp dòng họ. Trở thành Hoàng hậu cũng chẳng yên lòng, mất giang sơn, mất con, mất chồng, giờ Chiêu Thánh chỉ có hai bàn tay trắng.

Xem thêm  Tại sao Campuchia ghét Việt Nam?

Trần Thủ Độ, tôi vừa phục lại vừa khinh ông. Phục ông một tay gây dựng nhà Trần, vì giang sơn mà không tiếc sức. Khinh ông bởi chỉ vì cái ngôi hoàng đế, ông không từ thủ đoạn nào. Đày đọa một người con gái mà trong tay chẳng còn gì nữa, ông xứng đáng sao? Còn Trần Thị Dung, sao với hai đứa con gái họ Lý của bà, bà lại vô tình đến vậy? Thái Sư và Quốc mẫu – Hai người nợ Lý Chiêu Hoàng quá nhiều.

Xem thêm: Hôn nhân cận huyết hoàng tộc thời nhà Trần

Bị chồng cũ Trần Thái Tông lại đem gả cho Lê Phụ Trần

Lịch sử chép về Lý Chiêu Hoàng không nhiều, dường như bà hoàn toàn bị lãng quên đến chết nếu không có sự kiện tiếp theo xảy ra:

Năm 1258, sau kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông lại đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần (vốn tên là Lê Tần).

Đem vợ cũ gả cho bầy tôi, dân gian oán Thái Tông rất nhiều:

“Trách người quân tử bạc tình

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”

Về việc này, bản thân không dám đưa ra quan điểm. Trần Thái Tông làm việc này, có lẽ có hai lý do.

1. Ban thưởng cho Lê Phụ Trần.

2. Muốn Chiêu Thánh hạnh phúc.

Về lý do đầu tiên thì không cần bàn cãi, còn lý do thứ hai, tại sao nói như vậy? Là bởi vì Lê Phụ Trần có thể coi như người mà Thái Tông hết sức tin tưởng, Chiêu Thánh lại là người mà Thái Tông mắc nợ rất nhiều. Có thể Thái Tông gả Chiêu Thánh cho Phụ Trần là muốn bà hạnh phúc, ông tin là Lê Phụ Trần sẽ không bạc đãi bà như ông.

Xem thêm  Nữ anh hùng Trần Thị Lý - "Người con gái Việt Nam"

Chiêu Thánh lấy Lê Phụ Trần, sinh được hai người con, một nam một nữ. Có lẽ đấy là niềm an ủi cuối cùng cho số phận bất hạnh của bà.

Trầm mình xuống sông tự vẫn

Năm 1277: Trần Thái Tông qua đời.

Năm 1278: Chiêu Thánh công chúa qua đời.

Chiêu Thánh Công Chúa lúc đó đã 61 tuổi, qua đời ở Bắc Ninh. Ra đi không rõ nguyên nhân, dân gian truyền miệng bà trầm mình xuống sông tự vẫn. Về lý do vì sao Chiêu Thánh tự vẫn, tôi luôn nghiêng về giả thiết là do nhớ thương Trần Cảnh. Tôi muốn tin vậy bởi tôi muốn tin trong dòng chảy lịch sử hỗn loạn, vẫn tồn tại tình yêu chân chính.

Tôi tin vào tình yêu, duyên nợ giữa Trần Cảnh và Phật Kim.

Tôi tin hai người họ vốn đã yêu nhưng lại vô tình trở thành nạn nhân trong cuộc chiến chính trị không khoan nhượng.

Nhưng người xưa đã đi, lịch sử luôn là ẩn số.

Đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh
Đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh

Chiêu Thánh ra đi, mà sử gia vẫn không tha cho bà: “Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại.” (trích Việt sử tiêu án).

Lúc sống đã khổ vì bị cuốn vào dòng xoáy chính trị. Lúc chết đi lại bị Nho giáo khinh rẻ không thương tiếc. Một người phụ nữ tôi cho rằng là đáng thương và vô tội. Nếu có trách hãy trách những người gây ra điều ấy. Bà chỉ là con rối trong tay họ mà thôi.

Giai đoạn từ nhà Lý đến nhà Trần, với quan điểm của tôi, là một trong những giai đoạn bi kịch nhất của lịch sử Việt Nam. Cuộc chuyển giao quyền lực tuy không máu chảy đầu rơi, nhưng là sự đau khổ đến tột cùng cho những người trong cuộc.

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Bài viết liên quan