Sách giáo khoa lịch sử Anh quốc nói về chế độ Việt Nam cộng hòa

Đoạn trích bên dưới được dẫn từ sách giáo khoa lịch sử Anh quốc dành cho học sinh chương trình tú tài quốc tế (tương đương dự bị đại học) của Đại học Oxford. Chương trình được Đại học Oxford áp dụng cho học sinh đầu vào trên toàn thế giới.

Tình hình ở miền Nam phức tạp hơn (miền Bắc) do sự tồn tại của nhiều lãnh đạo với những chính sách và kế hoạch khác nhau nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản, nhưng điểm chung của xã hội dưới sự dẫn dắt của những người này đều là hỗn loạn, tham nhũng và cư xử tàn ác đối với những đối tượng được xếp vào hàng kẻ thù quốc gia.

Ban đầu người Pháp muốn duy trì chính quyền Bảo Đại như một chính phủ bù nhìn thân Pháp, nhưng sau đó Pháp đã rút lui và Bảo Đại thì quá nhu nhược. Lo sợ sự bùng nổ của cộng sản, Mỹ đã đứng ra bảo trợ cho miền Nam Việt Nam. Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Mỹ đã viện trợ cho Pháp 3 tỷ đô để chống lại Việt Minh.

Mỹ cần tìm một lãnh đạo cứng rắn hơn cho chính quyền thân Mỹ mà mình dựng nên và tìm thấy một người phù hợp là Ngô Đình Diệm, một người Công giáo theo chủ nghĩa dân tộc, người đã thể hiện sự phản kháng công khai đối với sự cai trị của người Pháp từ những năm 1930.

Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, Bảo Đại cho mời Diệm về làm thủ tướng năm 1954. Năm 1955, Diệm hất cẳng (nguyên văn là “ousted“) Bảo Đại và thành lập chính phủ mới ở miền nam. Trong một cuộc trưng cầu dân ý được sắp đặt một cách lộ liễu, người dân miền Nam Việt Nam đã bỏ phiếu để thành lập một chính phủ cộng hòa với Diệm là tổng thống. Sự thống trị ngày càng tham nhũng và tàn bạo của Diệm đã dần khơi dậy những mâu thuẫn ở Việt Nam.

Cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 được sắp đặt lộ liễu
Cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 được sắp đặt lộ liễu

Một trong những vấn đề đầu tiên mà Diệm cần giải quyết là sự phân chia ruộng đất. Một số nhóm cấp tiến và ôn hòa chủ trương ủng hộ phân chia lại ruộng đất để nông dân có đủ đất cày. Khi đóng chiếm miền Nam năm 1945, Việt Minh đã giúp người dân phân chia lại khoảng 600 nghìn héc ta đất, nhờ đó mà vô số nông dân được sở hữu đất, chấm dứt việc phải đóng tô.

Năm 1955 Diệm bãi bỏ điều này và bắt nông dân phải tiếp tục đóng tô. Năm 1958, nông dân bắt buộc phải mua đất canh tác với thời hạn 6 năm. Chi phí này rất tốn kém và khiến người nông dân trở nên bất mãn bởi họ đã mặc nhiên coi đó là đất của mình.

Những chính sách của Diệm cho thấy thái độ của ông ta đối với chính quyền miền Bắc. Diệm luôn sống trong trạng thái sợ hãi sự chống đối và việc bị ám sát. Ông ta rất tích cực trong việc loại bỏ bất cứ mối đe dọa nào đối với quyền lực của mình. Năm 1956, Diệm từ chối tổ chức tổng tuyển cử theo hiệp định Giơ ne vơ với lý do rằng những người dân miền Bắc sẽ bị bắt buộc phải bỏ phiếu cho cộng sản.

Diệm bỏ tù các lãnh đạo đối lập và săn lùng các thành viên Việt Minh còn ở lại miền Nam. Ông ta cũng ưu ái Công giáo hơn tôn giáo chính của đất nước là Phật giáo: chỉ có 10% dân số theo Công giáo và chủ yếu là người miền Bắc di cư vào nam trong cuộc di cư Việt Nam năm 1954. Việc ưu ái lợi ích thiểu số dẫn tới những sự bất mãn ngày càng sâu sắc với sự cai trị của ông ta và sự gia tăng của các nhóm chống đối ở ngay trong lòng miền Nam.

Cuộc di cư Việt Nam năm 1954
Cuộc di cư Việt Nam năm 1954 chủ yếu là người công giáo

Năm 1957, những người cộng sản miền Nam, hay còn gọi là Việt cộng, đã lợi dụng sự bất mãn của nông dân để tổ chức các nhóm nổi dậy ở nông thôn và ám sát các quan chức chính phủ. Số lượng các cuộc ám sát ngày càng tăng, từ 1.200 năm 1959 tới 4.000 vụ năm 1961. Mặc dù xuất hiện những số liệu này, cùng sự phát triển không ngừng của Việt cộng và lực lượng vũ trang chính trị của nó, sự thành lập của Mặt trận dân tộc giải phóng (thành lập năm 1960 bởi Hồ Chí Minh), Diệm vẫn duy trì kiểm soát ở các thành phố và hầu hết các vùng nông thôn ở miền Nam.

Việc những người nông dân miền Nam bị cách ly khỏi làng của mình và bị dồn vào các nơi được gọi là ấp chiến lược càng khiến cho họ giận giữ. Trong khi chính quyền nói với họ rằng việc này là để bảo vệ người dân khỏi sự cướp bóc của Việt cộng và thổ phỉ, mục đích chính vẫn là để cách ly Việt cộng ra khỏi các căn cứ và ngăn chặn sự tiếp viện từ người dân. Các ấp này được đặt dưới sự giám sát đều đặn của quân đội Việt Nam cộng hòa (ARVN) để ngăn chặn sự xâm nhập của Việt cộng, nhưng chính sách này chỉ càng khiến người nông dân bất mãn hơn và thậm chí không thèm hỗ trợ chính phủ trong việc loại bỏ Việt cộng.

Ngay cả Mỹ cũng bắt đầu cảm thấy báo động bởi những báo cáo về sự tàn bạo của Diệm. Đặc biệt việc đàn áp Phật tử một cách công khai khiến nhiều người Mỹ cảm thấy kinh sợ khi họ lại ủng hộ một nhà lãnh đạo như vậy. Do đó, kế hoạch lật đổ Diệm của một nhóm sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa nhận được sự ủng hộ ngầm từ chính quyền Mỹ là điều hiển nhiên. Tháng 11 năm 1963, Diệm bị ám sát và bị thay thế bởi một nhóm cố vấn không mấy tên tuổi.

Năm 1965, tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống. Nhìn bên ngoài có vẻ Thiệu mang đến sự ổn định nhưng thực chất chính quyền của ông ta cũng tham nhũng và tướng tá của ông ta cũng bất tài chẳng khác gì dưới thời Diệm. Những chính sách của Thiệu chẳng theo một hệ tư tưởng nào, mà chỉ dựa trên những nhu cầu trước mắt để chống lại miền Bắc và Việt cộng, cũng như để duy trì sự ủng hộ mình qua hình ảnh và các mối quan hệ cá nhân hơn là việc loại bỏ tình trạng tham nhũng tồi tệ mà Diệm để lại.

Nguyễn Văn Thiệu
Nguyễn Văn Thiệu

Tuy nhiên, dưới thời Thiệu, chính quyền miền Nam đã có những cố gắng trong việc cải cách ruộng đất. Vào năm 1954 có đến 60% nông dân không có đất, hơn 20% nông dân chỉ sở hữu những khoảnh đất nhỏ hơn 2 mẫu Anh (1 mẫu Anh = 4046,86 m2). Hằng năm, những tá điền phải trả khoảng 74% thành quả mà họ thu hoạch được trên mảnh ruộng mà mình canh tác cho địa chủ.

Những năm 1940 và 1950, Việt Minh nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân miền Nam nhờ việc phân chia lại ruộng đất triệt để. Việt Minh thực hiện việc này bằng việc bắt giữ các địa chủ và bắt họ nhượng lại đất cho những người nông dân. Việt cộng tiếp tục duy trì những chính sách này và thông qua việc phân chia lại ruộng đất của những địa chủ vắng mặt, họ nhận được sự ủng hộ trung thành của những người nông dân trong việc tổ chức chiến tranh du kích.

Người dịch: Hồ Hải Yến Ngọc

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?