Bài viết này nhằm giới thiệu một cách khái quát về các loại trang phục phổ biến trong lịch sử Việt Nam, cũng như là các nước đồng văn như Trung Quốc, Triều Tiên (Hàn Quốc), Nhật Bản.
Nội dung
Nước Việt ta từ khi giành được độc lập, trải qua các triều đại như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đã luôn là một quốc gia có văn hiến rực rỡ, thấm nhuần đạo lí Khổng Mạnh. Vua tự coi mình là Hoàng Đế, coi nước mình là trung hoa, xung quanh là man di, có văn vật, lễ giáo đầy đủ, không thua kém gì các triều đại Hán, Đường.
Đó cũng chính là tư tưởng chủ đạo tại các quốc gia Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản. Bởi vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, chế độ lễ nhạc, áo mũ, khoa cử của các triều đại Việt Nam luôn chịu sự ảnh hưởng, hay nói đúng hơn là mô phỏng chế độ của các triều đại Trung Quốc. Giống như Hồ Quý Ly đã trả lời khi được hỏi về nước An Nam:
Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
(Muốn hỏi chuyện An Nam?
Nước Nam phong tục tốt đẹp
Áo mũ theo chế độ Đường
Lễ nhạc theo vua tôi nhà Hán)
Bài viết này nhằm giới thiệu một cách khái quát về các loại trang phục xưa phổ biến, cũng như cấu trúc cơ bản của cổ phục Việt Nam và các quốc gia đồng văn như Trung Quốc, Triều Tiên (Hàn Quốc), Nhật Bản. Bởi vì đại đồng tiểu dị, những cái giống thì lớn, những cái khác thì nhỏ nên để đi vào phân tích những điểm khác biệt thì khó và tồn nhiều công sức nên tạm thời ở đây không bàn đến.
Hình ảnh minh họa chủ yếu lấy từ phim ảnh hoặc phỏng dựng (nhằm tăng sự hấp dẫn), được người viết cân nhắc, chọn lọc, chỉ có Nhật Bản là trang phục thực tế và hiện đại (do không tìm được từ phim ảnh và phỏng dựng), có thể một vài chi tiết chưa chính xác nhưng về cơ bản đủ để hình dung tổng quan trang phục.
Áo Giao Lĩnh (交領)
Giao lĩnh là loại áo có cổ giao nhau trước ngực, vạt bên trái (đối với người mặc) sẽ nằm trên vạt bên phải. Đây là loại trang phục cổ xưa nhất trong nền văn minh Hoa Hạ, phổ biến rộng khắp các nước thuộc nền văn hóa Hán.
Tại Việt Nam trước giai đoạn cuối Lê Trung Hưng, giao lĩnh kế thừa hình dạng thời Hán – Đường – Tống, có cổ rộng hơn và trũng hơn so với giao lĩnh thời Minh, khi mặc thì đường cổ võng hơn. Từ cuối Lê Trung Hưng về sau, giao lĩnh Việt bắt đầu mang một số nét ảnh hưởng từ giao lĩnh Minh. Từ cuộc cải cách trang phục Đàng Trong và khi nhà Nguyễn nắm quyền kiểm soát, giao lĩnh dần bị thay thế bởi loại áo lập lĩnh ngũ thân.
Giao lĩnh thường được may từ 6 mảnh vải, gọi là lục thân, chia thành 2 kiểu chính là giao lĩnh vạt dài và giao lĩnh vạt ngắn, tay áo rộng hoặc hẹp.
Giao Lĩnh vạt dài
Giao lĩnh vạt dài thường dài quá đầu gối, cả nam và nữ đều mặc.
Giao Lĩnh vạt ngắn
Giao lĩnh vạt ngắn dài không quá thân trên, thường dùng cho nữ. Tại Triều Tiên và Trung Quốc thời Minh, giao lĩnh vạt ngắn là lớp y phục ngoài cùng. Tại Việt Nam thời Lê, giao lĩnh vạt ngắn có thường quây bên ngoài, tương tự các thời kỳ trước của Trung Quốc, có nét tương đồng với giao lĩnh quây hakama của Nhật.
Áo Viên Lĩnh (員領) – Đoàn Lĩnh (團領)
Áo Viên Lĩnh (員領) còn gọi là Đoàn lĩnh (團領), là một loại áo dạng cổ tròn cài cúc bên vai phải, trở nên thịnh hành từ thời Đường và lan rộng ra các nước xung quanh.
Viên Lĩnh thường được dùng làm bào phục(áo mặc ngoài), khoác bên ngoài Giao Lĩnh lót trong. Bào phục thiết triều của vua quan các nước Đông Á thường là Viên Lĩnh.
Tương tự như giao lĩnh, viên lĩnh cũng là một loại áo lục thân, có kiểu vạt dài và vạt ngắn, tay áo rộng hoặc hẹp.
Áo Lập Lĩnh (立領) – Thụ Lĩnh (豎領)
Lập Lĩnh (立領) gọi là Thụ lĩnh (豎領), là dạng áo cổ đứng, xuất hiện đầu tiên dưới triều Minh, về sau được nhà Thanh và nhà Nguyễn học tập. Áo có cấu tạo về cơ bản là giống viên lĩnh, chỉ đính thêm cổ đứng.
Tại Việt Nam, lập lĩnh xuất hiện từ cải cách trang phục Đàng Trong năm 1744 và bằng các chính sách của nhà nước, lập lĩnh dần trở thành trang phục phổ biến trong mọi tầng lớp. Áo được may từ 5 miếng vải nên còn gọi là ngũ thân, chia làm hai kiểu là tay thụng và tay chẽn.
Đây chính là tiền thân của áo dài hiện đại mà chúng ta thấy hiện nay. Thực tế trong lịch sử, các loại áo vạt dài khác như giao lĩnh, viên lĩnh đều được gọi là áo dài cả.
Áo Đối Khâm (對襟)
Chữ khâm (襟) có nghĩa là vạt áo trước. Đối khâm là dạng áo có hai vạt trước đặt song song nhau, thường để buông thõng, cũng có thể được buộc lại bằng một hoặc hai nút ở giữa, xẻ tà hai bên. Dùng để khoác bên ngoài. Ở nước ta loại áo này được chuộng dùng vào thời Lý – Trần.
Đối khâm được may từ 4 miếng vải, nên còn gọi là tứ thân.
Áo Nhật Bình (日平)
Áo Nhật bình (日平) là một loại áo đối khâm được sử dụng cho phụ nữ quý tộc thời Nguyễn, bắt nguồn từ áo phi phong thời Minh. Theo quy chế, đây là áo thường triều của hoàng thái hậu, hoàng hậu, trưởng công chúa (chị, em gái của vua) và là áo đại triều của phi tần, mệnh phụ phu nhân.
Thông thường, nhật bình được mặc ngoài áo ngũ thân tay chẽn lót trong, đầu người mặc chít khăn vành.
Áo Tứ Thân (四身)
Tứ thân là một loại áo đối khâm, tay áo bó chẽn, được sử dụng bởi phụ nữ nông dân nghèo Bắc Bộ. Thường để khoác bên ngoài, để lộ yếm. Hai vạt áo trước có thể được buộc lại với nhau.
Có quan điểm cho rằng vì không đủ tiền mua 5 miếng vải để may ngũ thân nên phụ nữ nghèo thường may tứ thân.
Quần (裙) và Thường (裳)
Quần (裙) hay Bí (帔) dùng để chỉ hạ y (đồ che thân dưới) dạng tròn, không đáy, ngày nay gọi là Váy. Đây là lớp hạ y bên trong của nữ giới, nam giới thì mặc hạ y hai ống. Đến thời Nguyễn, cả nam và nữ đều mặc hạ y hai ống (Hán Việt gọi là Khố – 褲), loại không đáy bị cấm nên “quần” dần mang nghĩa như ngày nay.
Thường (裳) là một loại hạ y quấn ngoài trang phục, cả nam và nữ đều dùng. Điểm khác biệt giữa thường và váy là váy được may kín còn thường thì không. Thời xưa nữ giới mặc váy ở trong rồi quấn thường bên ngoài, nam giới mặc hạ y hai ống rồi quấn thường.
Ở các dạng áo vạt ngắn, thường được quấn ngoài áo. Ở các dạng áo vạt dài, thường được quấn dưới áo.
Ở nhiều thời đại, thường (裳) và quần (裙 – tức là váy) không phân biệt. Quần đôi khi cũng được dùng để chỉ loại váy quấn như thường. Ngược lại loại váy đụp của phụ nữ Bắc Bộ thời Nguyễn cũng được gọi là viên thường. Sự phân biệt chỉ mang tính tương đối.
Ở Nhật Bản, hạ y được gọi chung là Hakama (袴 – Khố), dùng để chỉ cả loại không đáy và loại hai ống.
Yếm
Yếm là một loại nội y bên trên của phụ nữ thời xưa. Tên gọi này có từ thời Nguyễn, chưa có tư liệu về nội y thời kì trước đó nhưng có thể cũng tương tự.
Yếm thời Nguyễn là một mảnh vải hình thoi, ôm kín lấy phần thân trước của các cô gái, hai bên có hai dải lưng, được cuộn mấy vòng quanh eo rồi buộc lại phía trước, thả buông thõng, cổ rất cao và ôm kín, không để lộ xương cổ và hai bên eo như một số kiểu yếm ngày nay, khi khoác áo vào thì không lộ vai.
Cổ yếm có 2 loại phổ biến: Cổ nhạn và cổ xây. Cổ nhạn còn được gọi là cổ xẻ,có dạng chữ V, ở viền còn có khâu nổi 3 gạch như vết chân chim, vừa để yếm không bị bục rách, vừa để trang trí. Cổ xây là cổ tròn.
Tham khảo từ Đại Việt Cổ Phong, sách Ngàn Năm Áo Mũ và các hội nhóm lịch sử.
Ảnh sưu tầm từ nhiều nguồn.
Lê Thanh Quang