Ký Ức Về Những Cái Tết Xưa Miền Bắc

Những hạt mưa xuân lất phất như tấm lụa mỏng giăng đầy không gian. Cái se lạnh vừa đủ để làm mịn màng những cánh hoa, làm căng tràn đôi gò má ửng hồng của cô gái xuân thì. Đó là phong vị đặc trưng của những ngày Tết miền Bắc.

Đã hơn hai mươi mùa xuân đi qua. Trong ký ức, những cái Tết thời chiến tranh đến vội vã và đi cũng thật nhanh. Vui đấy nhưng đôi khi xen lẫn cả sự gượng ép để níu giữ những nét đẹp truyền thống khi đất nước còn bộn bề gian khó.

Chính sự thiếu thốn ấy khiến tôi nhớ về những cái Tết xưa cũ, tại quê hương miền Bắc thanh bình.

Tháng Chạp về, khi những ngọn gió heo may chuyển mùa, những tia nắng hanh vàng xua tan giá lạnh, báo hiệu mùa xuân sắp sang. Dù giàu hay nghèo, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị cho ngày Tết. “Năm hết Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo”, quả đúng như vậy!

50974291912 ab8523e40d o f6409af9Chợ hoa ngày Tết nhộn nhịp ở Hà Nội xưa, Tết Ất Mùi 1955. Ảnh phục chế màu: Vietnamcolored

“Làm ăn, buôn bán, vất vả quanh năm. Chỉ trông có ngày Tết” – tâm lý chung của người dân miền Bắc, nơi mà Tết cổ truyền là một phần không thể thiếu.

“Ba mươi Tết, Tết ba mươi. Tranh pháo không tiền, con cấu bố. Bánh chưng không gạo vợ trông chồng!…”. Vậy nên lo liệu từ sớm bao giờ cũng là thói quen thường thấy.

Việc chuẩn bị đầu tiên là món dưa hành, nén làm sao cho kịp ngấm, nghĩa là phải nén trước cả tháng.

Đã gọi là Tết, là phải đủ đầy: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Nêu cao, chùm pháo, bánh chưng xanh”.

Tôi nhớ, sau những ngày dài tất bật, phần đông các gia đình coi ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công, là đã bắt đầu “ăn Tết”.

Hầu như nhà nào ở quê cũng có một mảnh vườn và một cái ao. Gia đình tôi, tuy ở thành phố, nhưng cũng có một trang trại ở Mễ Tràng, có nhà thờ gia tiên ở đó. Vào những ngày Tết, tất cả các bác, các chú, các cô, các anh, chị, em chúng tôi, dù ở Hà Nội, hay Phủ Lý đều kéo về quê ăn Tết với ông nội tôi. Một cuộc họp mặt đại gia đình.

Năm nào cũng đúng ngày 20 tháng Chạp là tát ao. Ao nuôi cá khá rộng, tới gần bảy sào. Tát bằng xuồng cũng mất ít ra một ngày một đêm nước mới cạn. Khi nước chỉ còn xăm xắn, cá nổi lên đặc nghẹt. Đủ cả: cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi, cá quả, cá trê… rồi tôm, rồi ba ba…

Từng thúng cá được khiêng lên bờ và được phân loại: Những “cá đen” như cá quả, cá trê… có thể sống được lâu, thì thả vào một bể. Ngoài Tết, vẫn còn cá ăn lai rai. Loại cá trắm, chép, mè, diếc…. là “cá trắng”, thì ăn trước lần lần đến Tết, thả riêng vào một bể khác.

Đặc biệt bác tôi chọn hai chú cá chép thật to, thật khỏe, nhốt vào cái chậu đồng lớn, để đến ngày 23, hai chú chép này sẽ làm “ngựa” cúng ông Công.

50794421218 20e377990b o b4640d7aMâm cỗ cúng ông Công, ông Táo truyền thống của người Hà Nội vào 23 tháng Chạp, Tết Ất Mùi 1955. Ảnh: Ecole française d’Extrême-Orient

50795292707 95e391da22 o bc434f12Hình ảnh người dân thả cá chép tiễn ông Táo về trời tại Hà Nội ngày 23 tháng Chạp, Tết Ất Mùi 1955. Ảnh: Ecole française d’Extrême-Orient

Sau ngày tát ao là bắt đầu những bữa ăn ngon lành: nào cuốn tôm, nào thang lươn, nào gỏi cá, nào ba ba nấu chuối…

Hai mươi ba tháng Chạp, lễ cúng ông Công, ông Táo. Ngoài món thịt heo mua chợ, mấy chú gà, vịt nhốt ở chuồng bắt đầu được lôi ra “hóa kiếp”.

Hàng quán, đặc biệt là hàng mã, từ ngày này trở đi buôn bán rất đắt hàng.

Hai mươi bảy Tết, công việc trang trí nhà cửa được xem như cơ bản hoàn thành.

Sáng sớm ngày 28, tiếng heo thọc huyết kêu eng éc. Không khí Tết đã thấy rộn ràng. Làm heo 28, thực ra hơi sớm. Nhưng tiện cúng Tất Niên, cung thỉnh “các cụ” về ăn Tết. Đồng thời, còn lấy thịt làm giò, làm nhân bánh.

Những thúng gạo nếp được lựa từ cả tháng trước Tết, hạt nào, hạt ấy bụ bẫm, tròn trịa đều như nhau. Thứ nào là gạo xôi, thứ nào gạo làm bánh được khuân ra, đổ vào những chiếc vại lớn nhỏ để ngâm. Những bó lá dong cũng được rửa ráy kỹ lưỡng, xếp thành đống sẵn sàng.

Tài “nữ công” của các bà nội tướng trong gia đình được dịp thi thố. Bà nào giỏi “chân tay” thì tay dao tay thớt. Bà nào giỏi nấu nướng, thì lo làm nhân, gói bánh chưng. Bánh chưng phải gói sao cho vuông vắn, cho chặt chẽ, cho chắc tay. Cách đặt nhân phải làm sao cho đều đặn, để khi cắt bánh ra nhân được trải đều, không chỗ thì dày, chỗ thì có mỏng, miếng bánh ở giữa thì có thịt, miếng bánh ở góc thì chẳng có thịt.

Bánh chưng mà gói bằng khuôn thì chẳng nghệ thuật tí nào. Mà miếng bánh lại chểnh choảng, rời rạc, không mịn, và nhuyễn bằng bánh gói tay.

Bánh chưng là phần của các bà. Nhưng làm giò lại là “sở trường” của các đấng mày râu. Nhất là công việc giã giò cần phải có một sự mạnh chân khỏe tay lắm.

Làm giò lụa được xem là khó nhất. Và cũng tử công phu nhất. Từ vấn đề lựa thịt, rồi giã làm sao cho mướt, cho miễn. Tra mắm tra muối thế nào cho vừa phải. Gói cho tròn, cho chặt. Khi luộc, lửa củi sao cho đều. Tính làm sao cho đúng độ chín bằng những đoạn nhang thắp cháy chứ không phải đồng hồ.

Vớt những cây giò ra. Đến khi ăn thái khoanh giò, mà ở giữa vẫn còn đỏ hồng chưa chín, là kể như hỏng. Ngược lại, những cây giò chín quá độ, không những nó teo lại, mặt khoanh giò không mịn, không bóng mà ăn xôm xốp, nhạt thếch, cũng mất đẹp và mất ngon đi nhiều.

Ngoài giò lụa, còn lắm thứ giò, lắm kiểu giò đòi hỏi người làm nhiều công phu, kinh nghiệm như: giò thủ, giò bì, giò mỡ…

Bắt đầu từ chập tối đêm 30, kể như mọi công việc hoàn tất đâu vào đấy. Chỉ còn nồi bánh chưng ninh trên bếp phải canh cho đến khi vớt ra, trước nửa đêm.

9 1 bb3fa28bCảnh tượng quây quần bên nồi bánh chưng ngày Tết – nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Đêm ba mươi còn được mệnh danh là đêm “củ mật”. Bọn trộm cắp thường lợi dụng đêm tối, lợi dụng sự lơ hớ của mọi nhà mải mê với cái Tết, lén lút “khoắng” mất đồ. Có nhiều nhà, nồi bánh chưng chưa kịp vớt, người canh bánh nằm lăn ra ngủ khì, lúc bừng tỉnh dậy thì nồi bánh đã bị “dênh” đi mất từ bao giờ.

Bởi vậy, không gì hay bằng động viên tất cả mọi người trong gia đình, cùng thức coi nhà, canh bánh, bằng cách giở trò đánh “tam cúc” vừa thú vị, vừa được việc nhất.

Những chiếc chiếu trải ra ngay cạnh bếp lửa ninh bánh chưng. Những cỗ bài “tam cúc” mới toanh được bóc ra, khai trương món “cờ bịch” giải trí ngày Tết. Người lớn, trẻ con quây quần xung quanh cỗ bài. Thật không có gì vui bằng.

Đánh “tam cúc” không cần cao tay lắm. Chỉ cần biết tính nước khơi khơi. Phần lớn ăn thua vào may rủi, đỏ đen.

Tam cúc thường đánh bốn “chân” (người), hay ba “chân”. Nhưng chầu rìa cũng có thể đánh ké cửa “vật lá ba”. Tức là lúc chia bài đến cây thứ ba, quật cây bài này lên, cửa nào hơn nước thì cửa ấy ăn.

Không có gì khoái hơn, lúc lên bài, vừa nhắc quân đầu gặp Tướng Ông, vài cây sau lại “cưới” được bà Tướng. Hoặc đương thèm cái bộ ba kết, đã có sẵn quân “săn”. Lên bài, có “xe”, có “mã” chỉ chờ cây “pháo” đủ bộ ba. Tưởng tuyệt vọng, nhắc được quân cuối cùng dính đúng chú “pháo”, sướng ơi là sướng! Sướng nhưng vẫn phải cố làm tỉnh, kèo “làng” đoán được bài trên tay, họ phá đám mình nguội ăn!

Đỏ thì thế đấy. Nhưng gặp hồi đen thì “Tam Cúc” biến thành “Tam Tức”. Bài đã đen chết người, rặt những xe què, ngựa quặt. Quơ được ba quân tốt đen, tưởng cứ đà này đến phải chui non, chịu mất tiền “bản thân”, đỡ phải gánh cái “kết”. Thế rồi “thiên địa tù mù”, lên thêm được cây tốt đen nữa vị chi là 4 cây tốt đen. Có quyền “tứ tử chiềng làng” rồi… Đỡ khổ quá! Nhưng cái số “ăn mày cầm tinh bị gậy” vừa rải bốn quân tứ tử đen xuống chiếu, thì “thiên hạ” quặt ngay bốn lá “tứ tử đỏ” đè nghiến. Đau như hoạn!

Song, “cay cú” hơn có đôi tốt đen đánh một phát liều, tưởng làng hết đôi, ngả kết ăn “nhất bộ nhị” thì lù lù đôi tốt đỏ của người khác hạ xuống đè. Thế là cái món bở “nhất bộ nhị” đã chẳng được ăn, lại bị đền làng cũng theo phép… “nhất bộ nhị” mới tức. Tức đến hộc máu mồm dồn máu miệng…

Mê “Tam Cúc” thế nào thì mê nhưng đến giờ vớt bánh chưng thì chiếu bài nào cũng giải tán. Bọn trẻ con chầu chực “nếm náp” thử những tấm bánh gói hư đã được đánh dấu bằng dấu lạt buộc bên ngoài.

Bánh vớt ra được xếp cao thành hàng dài, bên trên đặt ván nén bằng những chiếc cối đá, những tảng đá…

Nồi nước luộc bánh được chế nước khác để luộc những bó bông mùi làm nước tắm “tẩy trần” tất niên. Người lớn, rồi trẻ con, mặc dù tiết trời lạnh, nhưng tắm nước nóng có mùi thơm cũng thấy thú và cảm thấy người như mới ra, da thịt thơm phưng phức.

Từ quãng mười một giờ trở đi thời khắc như chậm lại trong bầu không khí rạo rực đón Giao thừa.

Cho đến lúc tiếng pháo nổ ran ngoài ngõ. Những tràng pháo dài ngắn đì đùng từ bốn phương tám hướng, hòa lẫn tiếng chuông chùa, tiếng trống đình… Niềm vui dâng lên tưởng không bút nào tả xiết. Những câu chúc tụng được thốt lên bên những nụ cười tươi tắn.

Bàn thờ khói hương nghi ngút, trồng ngũ quả cao ngất. Giữa nhà cành đào cắm trong chiếc bình sứ nở xum xuê, những cánh hoa đỏ ối bên cạnh những mầm lá xanh non. Ngoài sân, cành nêu cao vút. Những chiếc khánh treo trên ngọn “nêu” cao vút. Những chiếc kiểng, những chiếc khánh đất treo trên ngọn “nêu” gặp gió đong đưa, chạm vào nhau kêu loong coong.

Tất cả nhà quây quần trên những chiếc xập trải chiếu cạp điều, hướng lên bàn thờ coi giò thủy tiên nở hoa. Những cánh hoa trắng nõn, bụ bẫm in hình trên mặt nước, đựng trong chiếc ang pha lê trong suốt. Xem hoa nở mà khâm phục cho anh Tàu già gọt giò hoa hẹn đúng giao thừa hoa nở.

Bọn trẻ con vẫn cố thức chờ tạ cỗ cúng Giao thừa, hưởng tí lộc rồi mới chịu đi ngủ, để sớm mai mặc quần áo mới: chúc tết lấy tiền mừng tuổi. Các bà thì tính giờ xuất hành, giờ nào tốt, phương hướng nào tốt, đi lễ chùa, hái cành lộc.

Từ tảng sáng mồng Một, tiếng pháo nổ vang dậy. Mặc dù trời lạnh, nhưng không một ai trùm chăn nằm thêm, mặc dù tối đêm thức khuya đón Giao thừa.

Sau khi làm lễ cúng gia tiên, các ông thì chờ giờ xuất hành, đi lễ đình. Các bà cũng chờ giờ xuất hành, đi lễ chùa xin cành lộc và lãnh lộc oản chuối của nhà chùa lấy may.

Nhưng người nào xuất hành thì xuất hành, vẫn phải có người túc trực ở nhà lo việc đèn nhang, cúng kiếng bữa trưa và tiếp khách đến chúc Tết.

Cái tục lệ “xông nhà” thật quan trọng. Có nhiều gia đình phải cậy cục trước nhờ người đến “xông nhà” dùm. Lẽ cố nhiên, người được nhờ cậy “xông nhà” phải là người mát tính mát nết, và đầy đủ cung cách về mọi mặt. Nếu không may, gặp người xông nhà đức độ, cung cách chẳng ra gì thì gia đình bị “cái xui” nó ám ảnh quanh năm, làm ăn không ngóc đầu lên nổi! Quan niệm dị đoan này mặc nhiên trở thành cái lệ, mà hầu hết đều tin như vậy.

Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba mới Tết bạn bè lối xóm. Tuy nhiên, quãng từ 10 giờ sáng ngày mồng một, bạn hữu thân tình và lối xóm kế cận đã đến chúc Tết nhau rồi.

82910179 639932633479388 6434942233065029632 n 7a6077d382694236 639932273479424 725513842804654080 n e10e06d0Hình ảnh người dân đi lễ chùa và chúc Tết đầu năm tại Hà Đông, thập niên 1920. Ảnh phục chế màu: Đại Nam Phục ảnh

Mồng một Tết cha, thường là những anh con trai có gia đình vợ con ra ở riêng, thì mồng một phải đưa bầu đàn thê tử về chúc Tết cha mẹ. Còn con gái thì phải lo ở nhà chồng, mồng hai mới về ngoại.

Thực sự ngày Tết tuy là những ngày vui thú, nghỉ ngơi nhưng lại là những ngày vất vả nhất, vì chỉ đi chúc Tết và chúc Tết trả nợ đã thấy bã người ra rồi.

Phải hết ngày mồng ba, vấn đề chúc Tết mới kể như tạm lắng. Nhưng cái không khí Tết vẫn rộn ràng tất bật. Ngoài đường, trai thanh gái lịch lũ lượt kéo nhau đi du xuân, khoe quần áo mới. Những cuộc giải trí được tổ chức tưng bừng từ trong nhà, ngoài ngõ, đến đình làng và những nơi công cộng. Nào cuộc cờ, nào bài bạc, nào đánh đu, ném còn… Những cuộc tiệc tùng, ăn uống vẫn kéo dài linh đình cho đến ngày hạ cây nêu thì cái Tết mới kể như tạm thời chấm dứt. Tạm thời có nghĩa là chưa dứt hẳn. Người ta còn ăn chơi cho đến hết tháng Giêng. Bởi vì “tháng Giêng là tháng ăn chơi!”. Làm lụng vất vả quanh năm chỉ khuây khỏa nhờ có ngày tết, tội gì mà chẳng ăn chẳng chơi cho thỏa chí!

YouTube video
Avatar of Khám Phá Lịch Sử

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?