Trận Phì Thủy đại chiến – Khi chất lượng bù được cho số lượng

Ngũ Hồ thập lục quốc có thể coi là thời kỳ loạn lạc bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đây cũng là thời kỳ dân Trung Quốc ít muốn nhắc đến nhất vì dân Hoa Hạ toàn ăn hành của ngoại tộc. Bởi vậy nên chắc cũng ít người biết đến đại chiến Phì Thủy, một trong những trận đánh lớn nhất thời kỳ này.

Nói một cách vắn tắt thì trận này là 8 vạn quân Đông Tấn đánh thắng đại quân 90 vạn của Tiền Tần và Tạ Huyền.

Bản đồ miêu tả cục diện hai bên trước và sau trận Phì Thủy. Biên giới hai nước trước trận đánh là màu đen, sau trận đánh là màu đỏ
Bản đồ miêu tả cục diện hai bên trước và sau trận Phì Thủy. Biên giới hai nước trước trận đánh là màu đen, sau trận đánh là màu đỏ.

Tình thế bắc – nam

– Ở phương bắc, kể từ khi hoàng thất nhà Tây Tấn tự tay bóp nhau, tạo ra Loạn bát vương rồi suy yếu thì các bộ tộc người Hồ thừa cơ tràn vào Trung Nguyên. Tây Tấn diệt vong và kể từ đó, mười mấy quốc gia thi nhau mọc lên, đánh đấm loạn xạ đến khi hoàng đế thứ 4 của Tiền Tần là Tuyên Chiêu Đế Phù Kiên đánh bại tất cả và thống nhất phương bắc năm 376. Sau đó, Phù Kiên bắt đầu tính đến chuyện công hạ Giang Nam để diệt Đông Tấn, thống nhất thiên hạ, mặc cho lời căn dặn trước khi chết của Tể tướng Vương Mãnh là đừng dại mà động binh.

Tiền Tần Vương Phù Kiên - người được đánh giá là 1 trong 5 Hoàng đế xuất sắc nhất lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Tiền Tần Vương Phù Kiên – người được đánh giá là 1 trong 5 Hoàng đế xuất sắc nhất lịch sử Trung Quốc cổ đại.

– Ở phương nam, sau khi Tây Tấn diệt vong, Lang Nha vương Tư Mã Duệ tại Kiến Khang xưng đế, kiến lập nhà Đông Tấn năm 318. Triều Đông Tấn trải qua mấy chục năm sau có lúc yên bình, có lúc sóng gió, nhất là thời kỳ Hoàn Ôn nắm quyền. Nhưng cơ bản sau khi Hoàn Ôn mất thì triều đình yên ổn trở lại.

Phù Kiên đã hạ quyết tâm tấn công Đông Tấn ra sao?

Chiến sự bắt đầu năm 378 khi Phù Kiên cử con trai Phù Phi tấn công Tương Dương, cử các tướng Vi Chung tấn công Ngụy Hưng, Bành Siêu đánh Bành Thành; Câu Nan, Mao Thịnh, Thiệu Bảo đánh Hoài Âm và Vu Thai. Quân Tiền Tần công hạ Đông Tấn từ cả hai phía tây và đông, tình thế nguy cấp.

Trong các chiến trường trên thì tình hình chiến sự ở Tương Dương là căng thẳng nhất. 10 vạn quân Tần vây đánh thành suốt 10 tháng không hạ nổi khi tướng Tấn là Chu Tự quyết giữ thành đến cùng. Phải đến tận tháng 2 năm 379, Tương Dương mới mất khi Lý Bá Hộ làm phản mở cổng thành cho quân Tần. Chu Tự bị bắt nhưng được tha mạng. Đến tháng 4, Ngụy Hưng cũng mất.

Ở chiều ngược lại, triều đình Đông Tấn ở Kiến Khang bắt đầu hành động. Tể tướng Tạ An cử cháu là Tạ Huyền đem binh chống đỡ quân Tần, được triều đình ủng hộ. Tấn Hiếu Vũ đế Tư Mã Diệu phong cho Tạ Huyền làm Kiến Vũ tướng quân, lo việc quân sự ở toàn bộ các mặt Quảng Lăng, Tương Giang, Lâm Giang và đồng thời trấn thủ Giang Lăng. Nhận mệnh, Tạ Huyền bắt đầu chiêu mộ binh sĩ, thành lập quân Bắc phủ.

Ban đầu ông dẫn quân đi cứu Tương Dương, nhưng chưa đến kịp thì thành đã mất. Ngay sau đó, nghe tin tướng Tần Bành Siêu dẫn 7 vạn quân đi đánh Bành Thành nên Tạ Huyền đích thân mang 1 vạn quân đi ứng cứu. Ông sai người đến thành báo tin để quân trấn thủ yên tâm, lại chia quân đi đánh cướp quân trang của quân Tần. Phù Kiên lo lắng bèn ra lệnh cho Bành Siêu về lo bảo vệ quân nhu. Các tướng Tấn trong Bành Thành hợp binh phá vỡ vòng vây ra ngoài, thành được giải vây.

Không lâu sau đó, quân Tần lại động binh. Các tướng Bành Siêu và Câu Nan lần lượt chiếm được Vu Thai và Hoài Âm, sau đó tập trung 3 vạn quân tấn công Tam A. Tạ Huyền mang quân từ Giang Lăng đến cứu, đánh một trận to ở Bạch Mã Đường, chiến thắng quân Tần và giải vây cho Tam A.

Đến năm 380, nội bộ Tiền Tần có loạn khi em Phù Kiên là Phù Lạc làm phản. Quân Tần nhanh chóng rút về bắc để dẹp loạn, nhờ vậy, vòng vây được cởi bỏ. Tuy nhiên, quân Tấn vẫn không lấy lại được Bành Thành.

Ở phương bắc, Phù Kiên nhanh chóng dẹp xong loạn của Phù Lạc, lại bắt đầu tính chuyện nam hạ. Lần này, ông quyết định chơi tất tay, mong một lần diệt luôn Đông Tấn, mặc cho nhiều đại thần can ngăn. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Phù Kiên ra lệnh tổng động viên toàn quốc, thậm chí con em quý tộc dưới 20 tuổi cũng phải tòng quân, gọi là quân Vũ Lâm lang. Kết quả Phù Kiên có trong tay một đội quân khổng lồ gồm 60 vạn bộ binh, 27 vạn kỵ binh cùng 3 vạn quân Vũ Lâm lang, cộng lại là 90 vạn người.

Tháng 8 năm 383, đại quân Tần rầm rộ nam hạ, em Phù Kiên là Phù Dung dẫn 27 vạn quân làm tiên phong, đóng trại ở Dĩnh Khẩu. Đến tháng 9, Phù Kiên tấn công Hạng Thành, các cánh quân của Kinh Châu tiến đánh Uy Dương, quân U Châu – Ký Châu tiến đến Bành Thành, quân từ Thục xuôi dòng Trường Giang và Hán Giang.

Đối mặt với mối nguy này, Tấn Hiếu Vũ đế một lần nữa tin tưởng vào dòng họ Tạ (Tạ cũng có tạ this tạ that). Tể tướng Tạ An được phong Đại đô đốc, thái thú Kiến Khang, lo việc quân sự ở các châu Dương, Tượng, Từ, Duyện, Thanh. Tạ Thạch được phong Chinh lỗ tướng quân, Tạ Huyền được phong Đô đốc tiên phong, dẫn 8 vạn quân ra nghênh chiến. Ngoài ra, tướng Hồ Lâm cũng dẫn 5000 thủy quân ra tiếp ứng ở Thọ Dương.

Tháng 10 năm 383, tướng Tần là Mộ Dung Thùy đánh Vân Thành, Phù Dung tấn công Thọ Dương, Lương Thành dẫn 5 vạn quân tiến vào Lạc Gián, chặn đường tiếp viện của quân Tấn.

Trước thế mạnh của quân Tần, Tạ Huyền và Tạ Thạch dựng trại cách Lạc Gián khoảng 25 dặm, không thể tiến lên nữa. Tướng Tấn là Hồ Lâm phòng thủ Hiệp Thạch, lương thảo đã hết, liền viết thư cho Tạ Thạch cáo cấp tình hình. Phù Dung bắt được thư của sứ giả Đông Tấn, bèn báo lại cho Phù Kiên. Phù Kiên để lại phần lớn quân ở lại Thuận Thành, còn mình tự dẫn 8000 kỵ binh tiến đến Thọ Dương.

Tình hình muôn phần nguy ngập, cả Tạ Huyền và Tạ Thạch đều lo lắng. Đúng lúc đó, Phù Kiên cho người đến trại quân Tấn chiêu hàng. Sứ giả không ai khác chính là Chu Tự, cựu tướng trấn thủ Tương Dương. Chu Tự kể từ khi bị buộc phải đầu hàng vẫn trung thành với nhà Tấn. Nay được thời cơ liền mang hết tình hình quân Tần báo cho Tạ Huyền và khuyên nhân lúc đại quân Tần còn chưa đến nơi, hãy đánh ngay đi thì còn có thể thắng được.

Đến tháng 11, Tạ Huyền cử tướng Lưu Lao Chi dẫn 5000 quân tiến đến Lạc Gián, cách 10 dặm thì bị quân Tần chặn lại. Tướng Tần là Lương Thành có 5 vạn quân, nhân lúc đêm tối bắt đầu dùng dây chão to giăng ngang kéo bè gỗ vượt sông, tập hợp bên bờ nam Hoài Thủy, phía tây Lạc Giản. Đương lúc người ngựa quân Tần mệt mỏi, hai tướng Tấn Lưu Lao Chi và Hà Khiêm theo hai đường thủy lục đồng thời tiến đến, trước lúc trời sáng bí mật xông vào, trước tiên cắt đứt giao thông trên sông, lúc ấy còn gần một vạn quân Tần vẫn chưa kịp qua sông Hoài.

Thủy quân trên thuyền của quân Bắc phủ trước tiên bắn hỏa tiễn đốt cháy doanh lũy, quân Tần đang quá mỏi mệt lập tức vỡ trận tán loạn, Lưu Lao Chi thân suất năm ngàn tinh kỵ chia thành bốn mũi tập kích đại quân Lương Thành đã qua sông, đám này lập tức tan vỡ, tranh nhau bỏ chạy về phía Hoài Thủy, quân Tần đại bại, chết mất hơn 1 vạn rưỡi người.

Thấy quân Tấn tuy ít nhưng tinh nhuệ, Phù Kiên bắt đầu lo lắng, bèn sai bộ tướng của Phù Dung là Kỳ Liệt hạ trại phía bắc Phì Thủy để chặn đường quân Tấn qua sông. Tạ Huyền sau đó cho sứ giả đến nói với Phù Dung rằng: “Ông là người tinh thông binh pháp, vậy lại dàn quân ngay mặt trước, như thế là có ý lưu lại đánh lâu ngày, không muốn thắng nhanh. Chi bằng hãy lui lại phía sau một ít để quân tôi qua sông, quyết một trận sống mái cho xong!”.

Trong khi Phù Kiên có chủ ý đánh úp quân Tấn lúc vượt sông thì Phù Dung lại không cho thế là phải mà muốn quyết chiến công bằng theo lời Tạ Huyền. Bởi vậy Phù Dung lệnh cho các doanh từ từ lui binh để chờ quân Tấn. Do số lượng quá đông nên quân Tần lui binh dần bị loạn. Lúc này Chu Tự cho quân hô lớn lên rằng:

“Quân Tần thua to rồi!”

Toàn quân Tần nghe thấy thế, dần hoảng loạn và bắt đầu dẫm đạp, giày xéo nhau mà chạy trốn, Phù Dung cản không nổi. Tạ Huyền thừa lúc hỗn loạn, phát lệnh cho quân Tấn tổng tấn công, thả sức chém giết loạn quân của Tần. Phù Dung thì ngã ngựa chết, ngay cả Phù Kiên cũng trúng tên bị thương. Quân Tấn đuổi theo đến tận Thọ Xuân, lấy lại được thành này, lại thu được vô số quân trang. Phù Kiên phải dẫn tàn quân chạy lên Hoài Bắc, không còn cơ hội hay sức mạnh để phản công. Tạ Huyền nhân cơ hội này chiếm được rất nhiều đất đai của Tần, tuy vậy Đông Tấn lúc này lại không đủ lực để đánh lên phương bắc thêm nữa.

Thương vong trong toàn trận chiến này không được ghi chép rõ. Tấn thư của Phòng Huyền Linh đưa ra con số hơn 70 vạn thương vong cho quân Tần, còn phía Tấn thương vong không đáng kể. Nhưng nhìn chung, thảm bại tại Phì Thủy đã khiến Tiền Tần suy yếu đến tận gốc rễ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt tướng Tần làm phản, thành lập các vương quốc khác nhau, tái lập cục diện chia cắt miền bắc. Phải đến tận năm 439, phương bắc mới được thống nhất trở lại nhờ nhà Bắc Ngụy của dòng họ Thác Bạt. Về phía Đông Tấn, thắng lợi này đã củng cố sức mạnh và quyền lực của họ ở vùng Giang Nam. Nhà Đông Tấn tồn tại thêm 37 năm nữa trước khi bị Lưu Dụ soán ngôi.

Hải Stark

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Bài viết liên quan