Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh – Công hay tội?

Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh hay Nguyễn Thần phi là nhân vật lịch sử đặc biệt, bà là phi tần của hoàng đế Lê Thái Tông và là mẹ ruột vua Lê Nhân Tông. Trong suốt hơn 350 năm nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê Trung Hưng), bà là Hoàng thái hậu đầu tiên và cũng là duy nhất buông rèm nhiếp chính sau khi con trai Lê Bang Cơ lên ngôi khi chỉ mới hai tuổi.

Phỏng dựng chân dung Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng Thái hậu (宣慈仁懿昭肃皇太后) Nguyễn Thị Anh
Phỏng dựng chân dung Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng Thái hậu (宣慈仁懿昭肃皇太后) Nguyễn Thị Anh. Ảnh Le Duy Ngo.

Nguyễn Thị Anh dấn thân nơi hậu cung đầy rối ren của Thái Tông Hoàng đế

Tuyên Từ Hoàng Thái hậu họ Nguyễn, húy Anh (英), là người xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Không có ghi chép rõ ràng nào về gia thế, phụ mẫu bà, bởi vậy xuất thân của vị Thái hậu này vẫn còn là một bí ẩn. Chỉ biết rằng, sách Đại Việt thông sử miêu tả bà là người hiền dịu, sáng suốt, sau khi vào cung được Thái Tông Hoàng đế phong làm Thần phi.

Khác với những chữ thường được dùng để đặt phong hiệu cho tần phi như “Đức, Hiền, Huệ, Tuệ, Gia, Thục, Nhàn…” chủ yếu ca ngợi những phẩm giá của nữ nhân theo quan niệm xưa, chữ “Thần” (宸) trong mỹ hiệu mang ý nghĩa là “nơi ở của hoàng đế”, có thể hiểu là tẩm cung của bậc cửu ngũ chí tôn, hàm ý thay hoàng đế cai quản việc nội đình. Ý nghĩa này quả thực rất đặc biệt và tôn quý.

Xem thêm  Lý Chiêu Hoàng - Chiêu Thánh hoàng hậu và cuộc đời đầy bi kịch!

Điểm lại những vị phi tần từng được ban phong hiệu “Thần” : Ỷ Lan phu nhân được vua Lý Thánh Tông phong làm Thần phi sau khi hạ sinh Hoàng tử Lý Càn Đức; Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, nguyên cơ của Thánh Tổ Minh Mạng khi còn là Thái Tử cũng được truy phong là Thần phi. Còn trong lịch sử Trung Hoa, nữ đế nổi tiếng trong lịch sử Võ Tắc Thiên cũng từng được Đường Cao Tông Lý Trị ưu ái ban chữ Thần. Không khó để nhận ra, những vị này không chỉ nhận được thánh sủng vô vàn mà còn có tầm ảnh hưởng lớn ở hậu cung, thậm chí tiền triều.

Trong chế độ phong kiến, hôn nhân chính trị là điều rất phổ biến, là công cụ để bậc đế vương cân bằng, củng cố quyền lực. Với những cao môn, đại hộ có con gái tiến cung, cái lợi cũng khó mà kể hết. Bởi mới nói “tiền triều, hậu cung một nhà”. Đời vua Lê Thái Tông cũng không phải ngoại lệ. Khi mới lên ngôi, Hoàng đế đã có 2 bà phi là Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái của Đại tư đồ Lê Sát và Huệ phi Lê Nhật Lệ, con gái của Tư khấu Lê Ngân.

Thế sự xoay vần, trải qua nhiều sóng gió chính trị, Lê Sát và Lê Ngân bị ban tự vẫn năm 1437, hai nàng cũng liền bị phế. Lê Ngọc Dao xuống làm dân thường còn Lê Nhật Lệ xuống làm Tu dung. Cả hai nàng đều không có người con nào với Thái Tông Hoàng đế.

Hai năm sau (1439), Dương Thị Bí sinh hạ Hoàng Trưởng tử Lê Nghi Dân cho vua. Hoàng đế vô cùng vui mừng, phong làm Hoàng Thái tử, “mẫu bằng tử quý” Dương thị cũng được tấn phong làm phi. Năm 1440, Thái Tông tiếp tục có Hoàng Nhị tử Lê Khắc Xương với Quý nhân Bùi thị Thế nhưng do mẹ không được sủng nên chỉ được phong làm Tân Bình vương. Cũng trong năm ấy, sóng gió lại đến khi lấy chuyện Dương thị ỷ sủng sinh kiêu, khinh nhờn phép tắc, Hoàng đế giáng xuống làm Chiêu nghi, truất quyền chấp trưởng nội cung.

Xem thêm  Những vụ thảm sát kinh hoàng của lính đánh thuê Hàn Quốc tại Việt Nam

Lúc này, Nguyễn Thị Anh được xem như độc sủng thánh ân, được sắc phong Thần phi, đứng đầu hậu cung, không lâu sau đó sinh hạ Tam Hoàng tử Lê Bang Cơ (1441). Mẫu thân thất thế, không lâu sau Lê Nghi Dân bị vua phế ngôi Thái tử. Đến tháng 11 năm 1441, Hoàng đế chính thức phong Lê Bang Cơ làm Hoàng Thái tử. Thần phi bấy giờ có thể nói là “xuân phong đắc ý”.

Vụ án Lệ Chi Viên và Thần phi Nguyễn Thị Anh lên làm Hoàng Thái hậu nhiếp chính

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), trong chuyến đi tuần miền Đông, sau khi duyệt binh ở thành Chí Linh, Hải Dương, vua về đến Lệ Chi viên (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, phong làm Lễ nghi học sĩ. Khi ngự tại Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, Nguyễn Trãi chịu thảm án chu di tam tộc.

Ngày 12 tháng 8, đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với Đinh Liệt, Lê Bôi, tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, lúc đó mới 2 tuổi. Thần phi nay đã được tôn lên làm Hoàng thái hậu. Theo Đại Việt thông sử, các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính, bà khiêm nhường không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ 4, bà mới nhận lời.

Trong 11 năm nhiếp chính, cùng sự phò trợ của các đại thần, Thái hậu đã làm được nhiều điều có lợi cho nước cho dân: lệnh các tướng đi đánh quân Chiêm đang nhăm nhe thành Hóa Châu, thắng lợi vẻ vang; cho đào sông Bình Lỗ ở Thái Nguyên, giao thông cũng từ đó mà thuận lợi hơn. Sử thần Phan Phu Tiên đánh giá, thời kỳ bà trông coi chính sự cũng như thời vua Nhân Tông đích thân nắm quyền sau đó, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp.

Xem thêm  Người Hoa ở Việt Nam - Lịch sử di cư, văn hóa và tính cách

Kết cục bi thương

Tháng 11 năm 1453, Bang Cơ lên 13. Thái hậu lui về hậu cung để Hoàng đế đích thân tiếp quản việc triều chính, đổi niên hiệu thành Diên Ninh. Đại cục tưởng như đã định từ đây, thiên hạ tưởng như được hưởng thái bình thịnh thế dưới thời vị vua trẻ tài đức vẹn toàn …

Đối với ba vị huynh đệ Nghi Dân, Khắc Xương và Tư Thành, sau khi lên ngôi, Hoàng đế vô cùng khoản đãi, coi trọng. Đặc biệt, với người huynh trưởng Nghi Dân thập phần kính trọng, tin tưởng không chút nghi tâm. Thế nhưng, cái gọi là “huynh hữu đệ cung” trong gia đình đế vương phải chăng cứ suôn sẻ vậy mà diễn ra? Không may thay, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân mang trong mình dã tâm rất lớn, nào chịu an phận làm một Vương gia, nào thể buông bỏ được nỗi uất hận năm xưa bị phế đi vị Thái tử để rồi sau đó rơi vào tay đệ đệ chỉ mới hai tháng tuổi? Một lần nữa, thiên hạ đổi chủ.

Vin vào những lời dị nghị về thân thế vua Nhân Tông, Dân nung nấu kế hoạch cướp ngôi. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (tức 28 tháng 10 năm 1459), Nghi Dân đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết Lê Nhân Tông. Hôm sau, Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị hại, lúc ấy bà 38 tuổi. Một đời phong quang, một đời tranh đấu cũng như vậy mà kết thúc.

Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh – Công hay tội?

Cuộc đời Nguyễn Thị Anh hoàng hậu gắn liền với những uẩn khúc trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhiều ý kiến cho rằng Anh vì lo long thai trong bụng Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sẽ uy hiếp đến địa vị của mẫu tử mình trong cung mà vu oan hãm hại Ngô thị. Thế nhưng, Ngô thị lại được vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ chiếu cố, sau tìm cơ hội đưa ra khỏi cung tạm lánh, bình an sinh hạ Hoàng tứ tử Lê Tư Thành. Chính vì lẽ này, vợ chồng Nguyễn Trãi trở thành cái gai trong mắt người đứng đầu hậu cung, không thể lưu lại.

Xem thêm  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói về nhà Nguyễn

Nói Thị Anh có lòng đề phòng mẹ con Ngô Tiệp dư, vậy việc bà cho đón Tư Thành vào kinh, cho học hành tại Kinh diên viện, thậm chí “yêu mến như con đẻ” (Đại Việt sử ký toàn thư) phải làm sao để giải thích? Do Bình Nguyên vương sống kín đáo, giấu cái anh minh, tài hoa của mình để tránh họa sát thân hay cơ bản Thị Anh chưa từng có ý coi đứa trẻ này là mầm mống phải diệt trừ? Càng huống chi, Ngô Thị Ngọc Dao vào cung chỉ được sơ phong Tiệp dư trong khi lúc ấy địa vị mẹ con Anh đã vững, khó có thể đe dọa.

Thời phong kiến, lịch sử đã bao lần chứng kiến cảnh “chủ nhỏ nước khó”. Ví như thời nhà Đinh, sau cái chết đột ngột của vua Đinh Tiên Hoàng, thái tử Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi, thế nước bất ổn. Bắc Tống nhân cơ hội đó mà đem binh sang thực hiện ý đồ thôn tính. Nay, Thái hậu Nguyễn thị buông rèm nhiếp chính, cùng với sự phò trợ của đại thần, giữ vững được bờ cõi non sông trước sự nhăm nhe của quân Chiêm, há chẳng phải một cái công lao với muôn dân bá tánh.

Gần 600 năm qua, vụ án Lệ Chi Viên vẫn là một ẩn số với bao điểm nghi vấn, tranh sáng, tranh tối mà sử sách xưa để lại. Triều đình với những minh tranh, ám đấu tranh giành quyền lực tàn khốc; hậu cung bất ổn với đầy hiểm độc. Liệu một người đàn bà một khi đã vào chốn cung cấm có thể đứng ngoài vòng xoáy ấy? Suy đoán có lẽ vẫn luôn là suy đoán cho đến khi có được câu trả lời xác thực nhất. Còn hậu nhân chúng ta, tôi tin đều đã có định luận cho riêng mình về vị Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Công hay tội có lẽ đều nằm ở lòng người.

Xem thêm  Phan Thanh Giản - Bi kịch 4 lần chết và nỗi oan 140 năm

https://www.youtube.com/watch?v=IbDMovWO0Cw

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Bài viết liên quan