Trang phục thời Nguyễn dành cho hỷ sự qua một số ghi chép trong sách vở hiện đại

Sau đây mời các bạn cùng Khám Phá Lịch Sử khám phá những thứ chung nhất của một trang phục thời Nguyễn dành cho hỷ sự thông qua tư liệu lượm lặt được trong sách vở hiện đại (nguyên văn ghi chép của từng cuốn).

Trang phục thời Nguyễn dành cho hỷ sự

Kết hôn là một dịp cát lễ, là một dấu mốc trọng đại trong đời người. Vậy nên trong nhiều nền văn hoá, hỷ phục dùng cho hôn lễ có phần long trọng và phô trương hơn so với trang phục thường ngày. Nước Việt Nam vào thời Nguyễn, tuy vừa trải qua vài trăm năm cách biệt trong ngoài, văn hoá mỗi xứ có những điểm khác biệt nhưng tựu trung lại đồng nhất (hoặc kịp thời đồng nhất) về nhiều mặt: ngôn ngữ, trang phục, tôn giáo, tập quán… Và hay thay, hỷ phục thời Nguyễn cũng nằm trong sự đồng nhất ấy, cả về văn lẫn ý.

Vậy những điểm đồng nhất ấy trong trang phục thời Nguyễn dành cho hỷ sự là gì?

Thứ đội ở đầu

Dù là chỗ nào cũng không thể vắng mặt cái nón. Nữ giới dùng các thứ nón phẳng như nón nghệ – ba tầm – cụ hoặc dùng nón hôn lễ (có chũm nhô lên ở giữa, tạm thời chỉ thấy ở miền bắc); phụ nữ miền bắc vấn khăn khi đội nón, còn phụ nữ miền trung và miền nam thì búi tóc; nam giới dùng các loại nón chóp, hoặc vấn khăn không, hoặc dùng ô dù.

Thứ mặc trên thân

Có một công thức gọi chung là áo mớ ba mớ bảy, hoặc đơn giản hơn là áo cặp, hầu hết được may kiểu rộng, áo bên ngoài là rộng nhất. Màu sắc cũng vô cùng đa dạng, không hề bó buộc trong một, hai màu sắc cố định nào (đặc biệt không chỉ có xanh và hồng như quan niệm hiện nay), duy có cách chọn và phối màu là được tuân thủ đồng nhất: sử dụng các cặp màu tương phản nhau về độ sáng – sẫm.

Thứ mặc bên dưới

Là chiếc quần hai ống là phẳng như ống sớ. Phái nam thì cố định màu trắng, còn phái nữ thì đa dạng hơn: trắng, hồng sậm, đen. Phụ nữ nông thôn miền Bắc có nơi vẫn giữ tục mặc váy từ thời Lê, màu hay dùng là đen, tía, hồng đào. Có nơi tư tưởng “có đôi có cặp” còn thể hiện trên cả cái váy, cái quần thông qua hiện tượng mặc “quần cặp”, “váy cặp”.

Thứ mang nơi chân

Đa dạng tuỳ thời, nhưng nhìn chung chuộng nhất là các loại giày guốc hở gót như giày Gia Định, giày kinh/văn hài, guốc sơn đen, guốc ngù, guốc cong có trang trí hoặc không trang trí tuỳ gia cảnh, sau còn có giày da đen hay giày cao gót kiểu tây. Người nghèo bình dân, có khi không dùng giày dép mà chỉ đi chân.

Các thứ trang sức

Phái nam thường ít dùng trang sức, có lẽ hay dùng nhất là nhẫn. Còn trang sức của phái nữ thì vô cùng đa dạng: dây chuyền, vòng tay/xuyến, dây chuyền nách – xà nách, bông tai – khuyên – khoen – bông búp, nhẫn – cà rá, xà tích,…

Có một điểm khá thú vị là đa phần phụ nữ Việt Nam không dùng quá nhiều trang sức cho tóc. Thứ họ hay dùng (và cũng có lẽ là duy nhất) cho phần đầu tóc là chiếc vấn đầu – khăn rí có gắn cái đinh con bướm (miền Bắc) hay cái trâm, cái lược cũng có gắn hình con bướm hoặc chuỗi rủ (miền Trung, miền Nam).

Đồ phụ dâu, phụ rể, gia quyến hộ tòng nhìn chung tương tự như đồ cô dâu chú rể, có lẽ phân biệt ở độ chùng chít, màu sắc, hoa văn cùng số lượng áo. Đó là bộ trang phục thời Nguyễn (nửa sau thời Nguyễn) chung nhất dành cho hỷ sự. (bằng những tài liệu trên, chỉ dám giới hạn lại trong nửa sau thời Nguyễn).

Những dạng trang phục khác về sau như khăn vành dây kiểu “hoàng hậu” hay áo tứ thân mệnh phụ (tức áo nhật bình) chỉ mới được dân gian sử dụng lúc triều đình đã suy vi, trong một vài thập kỷ trước khi chế độ quân chủ chấm dứt, mà phạm vi cũng chỉ gói gọn trong gia đình quan lại, danh môn quyền quý, không thể coi là đặc điểm chung cho hỷ phục dân gian Việt Nam thời đó vậy.

Vậy nhờ đâu mà có sự đồng nhất như vậy? Xin mạn phép được nêu lên thiển ý nảy ra trong đầu lúc này là phải chăng những tập tục như đội nón, áo cặp – mớ ba mớ bảy, phối màu tương phản sáng – sẫm, hạn chế trang sức đầu tóc, chưng diện nhiều trang sức ở tai, cổ, tay,… đã tồn tại từ lâu, trước khi sự kiện phân cách Đàng Trong – Đàng Ngoài xảy ra, để rồi tiếp tục lưu truyền theo bước chân người Việt trong quá trình Nam tiến?

Đất lề quê thói

(Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu – NXB Đại Nam, 1968)

Lễ Phục

Những ngày giỗ ngày tết, những khi có việc làm lẽ cáo yết gia tiên, người đứng chủ lễ mặc áo thụng xanh hay huyền, tay áo vừa dài vừa rộng, cổ áo cao gần gấp đôi cổ áo thường, tà và gấu may to một tấc ta, cho nên cũng gọi là áo tấc, cài năm khuy như áo dài.

Thời quân chủ, quan cấp dưới đến làm lễ ra mắt hoặc chào mừng đường quan phải mặc áo thụng, kỳ mục các làng tổng khi đón rước quan trên cũng phải mặc áo thụng. Tế thần tế thánh thì quan viên hành lễ mặc áo thụng xanh hoặc huyền, đội mũ đi hia. Áo tế cũng may dài rộng, nhưng khác áo tấc ở chỗ cổ may vắt chéo theo vạt cái xuống nách, buộc dải không cài khuy…

… Trong quan trường người ta tha thiết với cái áo thụng xanh bao nhiêu thì bọn trưởng giả học làm sang càng ra sức theo đòi bấy nhiêu. Đã nhiều phen đôi bên cha mẹ lấy làm hãnh diện có dâu rể khăn vành dây áo thụng xanh, lễ sống hai lạy trên chiếu cạp điều trải giữa nhà. Trịnh trọng cao sang là ở cái áo thụng kia, họ nghĩ như vậy.

Chừng ba chục năm trước đây ở đất “ngàn năm văn vật”, trong một đám cưới lúc đón dâu chỉ vì nhà gái không miễn cho chú rể cái việc cực nhọc phải mặc áo thụng làm lễ sống hai lạy cha mẹ vợ mà chú rể đã mạnh dạn bỏ ra về, quyết từ hôn. Bài học thật là thấm thía và đã cảnh tỉnh biết bao người từ đấy. Ôi! Thụng xanh!

Cà Mau xưa và An Xuyên nay

(Nghê Văn Lương – tthl-bgd, 1972)

Hôn nhân

Đến ngày lễ cưới, khi ghe đàng trai tới gần nhà sui gái, thì phải đốt pháo vang lên báo hiệu đặng chuẩn bị tiếp trước

Một ông lão lên đèn trên bàn thờ, lễ “Từ đường” khởi sự. Chàng rể mặc áo xanh, cô dâu áo đỏ, áo nào cũng rộng xùng xình, lạy mỗi bàn bốn lạy.

Ký hoạ đám cưới Nam Kỳ, 1935. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai
Ký hoạ đám cưới Nam Kỳ, 1935. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai

Nếp cũ con người Việt Nam

(NXB khai trí, 1970)

Y phục trong ngày cưới

Ta vẫn thấy các cô gái sắp vu quy đi sắm áo cưới, vì trong ngày cưới, cô dâu cũng như chàng rể đều có một y phục riêng.

Ngày xưa, hôm đó chú rể đầu đội khăn lượt, mặc quần lụa trắng, áo cặp đôi gồm một áo trắng dài trong cùng, ngoài là một chiếc áo đoạn kép lót nhiễu xanh, hồng hoặc vàng, hay là một chiếc áo gấm thường màu lam. Có những chú rể sang trọng, ngoài chiếc áo đoạn hay chiếc áo gấm lam, còn mặc thêm chiếc áo sa. Áo sa mỏng, qua màu gấm lam ẩn hiện trông thật nổi. Chân chú rể đi giầy Gia Định nhưng cũng có khi đi giầy kinh thêu. Trong lúc lễ tơ hồng, lễ gia tiên và lễ mừng bố mẹ mình và bố mẹ vợ, chú rể khoác ngoài chiếc áo thụng xanh.

Còn cô dâu, tất nhiên mặc bộ áo cưới của mình. Áo của cô dâu thay đổi tuỳ theo thành thị hay thôn quê. Ở thôn quê thường là cặp áo năm thân, trong áo nâu non ngoài áo the lót nhiễu xanh. Đầu các cô thường vấn chiếc vấn đầu nhung đen. Các cô mặc yếm lụa cổ xẻ, cổ thìa hoặc cổ xây, màu mỡ gà hoặc nhuộm thắm màu nâu ngả sang đỏ.

Các cô thắt chiếc thắt lưng sồi xe kèm thêm đôi dải yếm lụa mỡ gà. Các cô vận váy lụa. Chân các cô đi dép cong. Gần đây độ hai chục năm, đôi dép cong được thay bằng đôi dép Nhật Bản. Trong lúc vu quy, cô dâu cũng như các cô phù dâu đều mỗi người mang theo chiếc nón ba tầm quai thao, dù trời mưa nắng hay râm mát.

Chiếc nón các cô dùng để ghé che mặt cho đỡ thẹn khi có ai ngó hoặc nói tới. Đó là các cô dâu quê. Còn các cô dâu tỉnh y phục hơi khác. Các cô cũng vấn đầu khăn nhung có đuôi gà, nhưng các cô mặc quần thay cho mặc váy, các cô đi guốc phi mã, hoặc đi giày cao gót thay cho đi dép. Còn áo của các cô cũng là một cặp hai chiếc, chiếc áo trong màu trắng, chiếc áo ngoài cũng là áo gấm, áo đoạn hoặc áo sa tanh, màu đen hay màu da đồng…

Phong tục Việt Nam

(NXB Xuân Thu, 1988)

Quần áo cưới

Các cô gái sắp lấy chồng, ai nấy đều lo sắm quần áo cưới. Quần áo cưới của chú rể cũng như cô dâu không giống quần áo mặc thường ngày.

Xưa, các chú rể thường mặc trong ngày cưới một chiếc áo the cặp áo trắng, bên trong là chiếc áo cánh. Quần trắng ống số với dải dây lưng bỏ giọt, thường là dây lưng điều. Đầu chít khăn lượt, đội nón chóp quai tua. Chân đi đôi giày Gia định bóng ngời. Nếu chú rể sang trọng hơn, cặp áo thay vì áo the phủ ngoài áo trắng, thì đây là một chiếc áo đoạn kép lót nhiễu xanh, hồng hoặc vàng, hay là một chiếc áo gấm thường màu lam.

Sang hơn nữa, ngoài chiếc áo kép hoặc áo gấm này, còn phủ thêm một chiếc áo sa. Áo sa mỏng, qua lần sa màu gấm lam ẩn hiện trông thật nổi. Và dưới chân thay vì đôi giày Gia Định, thì là một đôi giày kinh thêu. Trong những năm gần đây, chiếc khăn lượt trên đầu được thay bằng chiếc khăn chụp chữ “nhân” hoặc chữ “nhất” làm sẵn, cũng bằng lượt hoặc bằng vải nhiễu vắt ngang.

Trong những lúc làm “lễ Tơ Hồng” cũng như trong lúc lễ mừng bố mẹ vợ, ngoài các áo kể trên, chú rể còn khoác thêm một chiếc áo thụng xanh, chiếc áo chỉ dùng trong nghi lễ… Các cậu phù rể, y phục cũng tương tự như y phục của chú rể.

Bộ quần áo cưới của cô dâu cũng khác bộ quần áo ngày thường và cô dâu tỉnh với cô dâu quê ăn mặc không giống nhau. Đầu các cô dâu thường vấn khăn vấn đầu lẳn, vắt vẻo cái đuôi gà. Vấn đầu bằng sa tanh hoặc bằng nhung đen tuỳ gia cảnh của cô dâu. Tai các cô đeo đôi hoa có mặt đá.

Áo các cô cũng mặc cặp, áo năm thân không cài khuy, trong áo màu nõn hoặc áo hoa đào, ngoài áo the lót nhiễu xanh. Các cô lại mặc chiếc yếm lụa cổ xẻ, cổ thìa hoặc cổ xây màu mỡ gà hoặc nhuộm thắm màu nâu ngả sang màu đỏ. Các cô thắt chiếc thắt lưng sồi xe hoặc thắt lưng nhiễu tam giang kèm thêm đôi dải yếm lụa mỡ gà, hoa hiên hay đào ngọt.

Các cô vận váy lụa, cũng có cô mặc quần lụa, nhất là ở miền Trung. Các cô đeo chiếc dây xà tích bạc lủng lẳng, lách cách theo bước chân đi. Chân các cô đi đôi dép cong, và sau này đôi dép cong dược thay bằng đôi dép Nhật Bản hoặc guốc sơn đen. Phải nói thêm, trong lúc vu quy, các cô đội thêm chiếc nón ba tầm quai thao, dù trời mưa hay nắng. Chiếc nón dùng để che mặt cho đỡ thẹn khi có ai ngó hoặc nói tới. Y phục của các “phù dâu” cũng na ná như y phục của cô dâu.

Các cô dâu tỉnh ăn mặc không giống các cô dâu quê. Các cô cũng vấn đầu với đuôi gà, nhưng các cô mặc quần thay váy, thường là quần trắng. Thay cho dép, các cô đi guốc phi mã hoặc đi giày cao gót. Cũng có khi các cô đi đôi hài kinh có thêu con phượng. Các cô cũng mặc áo cặp, nhưng cài khuy, trong là chiếc áo lụa, áo the trắng, ngoài là áo gấm, áo đoạn hoặc áo sa tanh màu đen hay màu da đồng. Thay vì chiếc nón như của các cô dâu quê, các cô không dùng gì hoặc dùng chiếc dù…

Tranh thêu chỉ màu cảnh rước dâu thế kỷ XIX, tạm đoán là bối cảnh ở miền bắc.
Tranh thêu chỉ màu cảnh rước dâu thế kỷ XIX, tạm đoán là bối cảnh ở miền bắc. (Ảnh: gazette-drouot.com)

Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Phan Thị Yến Tuyết – NXB Khoa Học Xã Hội, 1993)

Trang phục của người việt ở đồng bằng sông Cửu Long

Vào lễ cưới, trang phục của cô dâu, chú rể ở vùng Gia Định trước kia và vùng ĐBSCL hiện nay có những diễn biến theo phong tục và quan điểm thẩm mỹ, thời trang. Cho đến đầu thế kỷ XX, tài liệu thư tịch miêu tả chú rể trong ngày cưới còn mặc áo lương thưa đen (hàng the), quần vải trắng, đầu vấn khăn đen.

Cô dâu mặc áo vân đen mỏng, quần đũi màu hồng sậm, cổ đeo xâu chuỗi hổ phách “hạt to bằng ngón tay cái”, hai tai xỏ đôi bông búp bạc. Dâu và rể đều khoác bên ngoài áo thụng rộng xanh, lót màu cánh sen, khi ra sân có cặp lộng che. Trong những gia đình theo tục cũ, trang phục của cô dâu và chú rể đều là áo cặp.

“Áo cặp” ở Nam Bộ có thể là một dạng tàn dư, tồn tại biến dạng của “áo mớ” (áo mớ ba mớ bảy) nơi tầng lớp mệnh phụ giàu có ở miền Trung. Vì khí hậu Nam Bộ nóng quanh năm, cư dân (ban đầu) còn nghèo nên áo mớ không thể dung nạp, chỉ còn dừng lại ở dạng áo cặp trong nghi thức trang trọng như lễ cưới.

Hoặc rõ rệt hơn, có thể “áo cặp” là phong tục chỉ sự “đủ đôi đủ cặp” trong lễ cưới, vì ngày trước ở vùng Gia Định có thời cô dâu chú rể ngoài “áo cặp” còn mặc “quần cặp”. Áo cặp tức áo “song khai”, cô dâu dùng hàng the lót gấm hồng, chú rể dùng hàng the lót gấm xanh có dệt chữ “thọ” nhỏ (chữ thọ lớn chỉ dùng cho người lớn tuổi).

Chiếc áo dài của cô dâu, chú rể mặc bên ngoài người ta gọi là áo thụng. Đó là chiếc áo dài và rộng so với áo dài mặc bên trong, tay áo thụng cũng rất dài và rộng, cửa tay áo có khi rộng đến 30 cm. Áo thụng thường được may bởi loại gấm dày, màu lục sậm, xanh sậm hoặc xanh lam có dệt hoa văn. Ngày trước, cô dâu chú rể tầng lớp bình dân ở ĐBSCL có khi mặc áo cặp, đội nón, đội khăn nhưng đi chân đất, không mang giày dép.

Đám cưới ở Sài Gòn (?), 1866. Ảnh do Emile Gsell chụp. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai
Đám cưới ở Sài Gòn (?), 1866. Ảnh do Emile Gsell chụp. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai

Tìm hiểu văn hoá Vĩnh Long (1732-2000)

(Ban tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long – NXB văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2003)

Trang phục

Ngày nay ta còn có thể tìm lại được vài nét về hình ảnh, trang phục của người dân Vĩnh Long thời xưa qua sự lục lọi, tìm về trong ký ức của những cụ già, nhất là ký ức về những kỷ niệm đáng nhớ của đời người, cụ thể như đám cưới. Qua trang phục mặc vào dịp cưới hỏi ngày xưa mà hiện nay ta có thể biết được các loại mặt hàng, kiểu dáng y phục, quan niệm thẩm mỹ về màu sắc và các loại trang sức thời đó…

Tìm hiểu trang phục trong lễ cưới của nhiều gia đình khá giả, trung lưu Vĩnh Long mới thật sửng sốt về mức độ phong phú đa dạng của quần áo, nữ trang dành cho cô dâu, phải chăng điều đó cũng nói lên sự trù phú, phong lưu của cư dân vùng “miệt vườn” này?

Có thể đó là một cô dâu trẻ trung, rụt rè – con gái một điền chủ tại cù lao Bình Hoà Phước của Vĩnh Long – cô súng sính trong chiếc áo dài hàng tơ tằm Sang gai màu đỏ, bên ngoài mặc chiếc áo rộng hàng gấm màu xanh nhạt, mặc quần lĩnh trắng, chân đi hài màu cánh sen thêu cườm.

Mái tóc đen bóng của cô chải láng, được búi gọn, cài chiếc trâm vàng. Cô đội nón cụ quai tơ, bên ngoài nón trùm chiếc khăn điều lụa mỏng dài và rộng phủ quá vai, chung quanh diềm khăn kết các bông tua cũng màu đỏ, đong đưa nhẹ theo bước chên khép nép của cô dâu (1).

Phong tục cô dâu trùm khăn điều che mặt vốn là một phong tục rất cổ xưa, dễ có đến hàng mấy trăm năm tại đất Nam Bộ, không rõ tục này có liên quan gì với tục trùm khăn đỏ của các cô dâu ở Trung Quốc không?

Thời trang “mặc áo cặp” của các cô dâu Vĩnh Long do quan niệm bất kỳ thứ gì vào hôn lễ cũng phải “đủ đôi đủ cặp”, do đó nhiều trường hợp họ cũng mặc quần cặp. Áo cặp là áo may hai lớp, hoà sắc với nhau theo gam màu tương phản, ví dụ áo lụa ở trong màu sáng tươi như màu trứng sáo, bên ngoài là lớp áo the màu tím thẫm.

Tập quán mặc áo cặp còn do ảnh hưởng trang phục đài các của các mệnh phụ vùng Thuận Hoá trước đây. Đó là kiểu mặc áo hai lớp bên trong, ngoài ra còn mặc thêm áo khoác, áo rộng bằng gấm hoặc bằng lụa the mỏng bên ngoài vào những dịp long trọng. Tập tục mặc từ hai áo trở lên cũng có liên quan đến “áo mớ” là nhiều chiếc áo dài được người mặc cùng một lúc của phụ nữ Bắc Bộ và Trung Bộ.

Có cô dâu Vĩnh Long xưa mặc “áo mớ năm” gồm năm chiếc áo dài lụa với năm màu khác nhau, bên ngoài khoác áo tằng tiến (một loại áo xuyến) mỏng, đẹp, màu đen nhẹ; tóc cô bới bánh lái, giắt ba con bướm bằng vàng ròng (2).

Nhiều gam sắc màu lạ lùng của “áo cặp” mà cô dâu Vĩnh Long mặc như áo dài nhung màu xanh ve chai với áo rộng bằng gấm bên ngoài màu hồng phấn dệt bông to; áo trong màu hồng, áo rộng màu tím hoa cà; áo trong màu xanh nhạt, áo rộng hàng cẩm nhung màu tím than; áo trong gấm Hoà Châu màu nâu đỏ, áo rộng bằng gấm màu xanh dương dệt hoa văn to; áo trong màu xanh đọt chuối, áo rộng ngoài là gấm Hoà Châu màu hồng;…

Phổ biến nhất là áo dài trong màu hồng, áo rộng ngoài màu đỏ ửng, xanh dương có vân hoặc áo rộng bằng xuyến đen.

Thời xưa, việc cô dâu Vĩnh Long cũng như vùng Nam Bộ mặc áo dài đen là điều bình thường vì xưa kia người Á Đông, trong đó có Việt Nam, quan niệm màu đen là màu lành, màu trắng mới là màu tang tóc.

Áo rộng đúng nghĩa với từ rộng, nó rộng thùng thình, ống tay và cửa tay áo rất rộng, nếu đứng buông thõng tay, tay áo có khi dài gần chấm đất, nhờ tay áo rộng nên cô dâu thường dùng để che mặt mỗi khi thẹn thùng.

Về các món trang sức của cô dâu Vĩnh Long nhà giàu xưa mới thật là điều thú vị. Lộng lẫy nhất là bộ dây chuyền ren, đó là bộ dây chuyền đánh nhiều vòng, nhiều tua bằng vàng được chạm bằng tay các dãy hoa văn tinh tế tỉ mỉ như ren. Các sợi dây ren bằng vàng ấy kết nối vào một con bướm to bằng vàng, trên hai cánh bướm xoè rộng được cẩn các hạt ngọc và đá quý nhiều màu toả ánh sáng rực rỡ lóng lánh.

Bộ dây chuyền ren sang trọng, lộng lẫy ấy chỉ con giá nhà giàu, quý phái mới có được. Như một cô dâu quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang) được nhà chồng tại huyện Tam Bình, Vĩnh Long (3) tặng bộ dây chuyền ren và bộ dây chuyền nách. Vào thời Pháp thuộc, dây chuyền nách là vật trang sức thời thượng rất được các mệnh phụ, tiểu thư nhà giàu tại Nam Bộ ưa chuộng.

Ngoài ra, sính lễ cưới của nhà trai còn tặng cô dâu này đôi bông hột xoàn và đôi khoen vàng, cùng hai chiếc neo (vàng quấn xoắn) đeo hai bên cổ tay, bộ vòng vàng đeo tay mười chiếc từ mỏng đến dày, mỗi tay cô dâu đeo năm chiếc; một chiếc cà rá lá hẹ nhận hột xoàn.

Cô dâu này lên xe hoa về nhà chồng với chiếc hộp cẩn xà cừ đầy ấp đồ trang sức ấy; thêm vào đó cô còn được cha ruột tặng cho một cặp kiềng vàng: trong đó một chiếc chạm rồng tinh xảo khéo léo, một chiếc kiềng trơn búp bông sen bằng vàng… Tất cả những điều đó cho thấy thêm nếp sinh hoạt xưa của tầng lớp nhà giàu tại Nam Bộ.

Một phụ nữ khác cũng ở Tam Bình (4) kể lại vào lễ cưới, cô dâu được nhà chồng là gia đình giàu có tặng nhiều nữ trang gồm kiềng vàng chạm rồng, bộ sợi dây chuyền nhách, hai chiếc neo quấn những chuỗi hột vàng, nhẫn hột xoàn, bông tai hột xoàn,…

Trường hợp khác là một cô dâu quê ở Hựu Thành theo chồng về Trà Ôn (5), các món trang sức của cô được nhà chồng tặng trong ngày cưới gồm: một bộ dây chuyền nách (6), một đôi hoa tai bằng vàng chạm hình hoa mẫu đơn, hai cây kiềng neo bằng vàng (neo quấn hai, ba mối, ở ngoài quấn hột vàng, cả thảy hai thiên (7) hột (200 hột vàng)), một cái bông cổ ghim ba sợi dây chuyền và dây chuyền nách có cài một miếng vàng để giữ cho dây chuyền dính vào áo, một bộ nhẫn cửu long (chạm chín con rồng) gồm ba chiếc đeo ba ngón tay (ngón giữa, áp út và út).

Ngoài các món trang sức kể trên, nhà trai còn tặng thêm cô dâu nguyên một cái ô tròn, nhỏ bằng đồng thau bên trong để vàng.

Từ những chi tiết về trang phục, vật trang sức đắt tiền, “vàng bạc đựng cả ô, cả hộp” tặng cho các cô dâu nhà giàu tại Vĩnh Long thời xưa cho thấy vùng đất này đã từng có một tầng lớp cư dân sống khá giả đã từng [chịu] ảnh hưởng ít nhiều phong cách sống của tầng lớp thượng lưu nơi đất Thuận Hoá xưa. Điều này vốn cũng không khó giải thích vì đa số các dòng họ giàu sang tại Vĩnh Long đều có gốc gác ở Thuận Hoá xưa…

Lễ phục của nam giới tại Vĩnh Long cũng như các nơi khác ở Nam Bộ khi có việc tiếp xúc ngoài xã hội đều mặc quần dài lá nem, áo dài the hoặc xuyến đen, đội khăn đóng đen, chân đi guốc. Dù thuộc tầng lớp bình dân, nhà nghèo nam giới cũng mặc bộ trang phục nho nhã ấy.

Nam giới lớn tuổi thuộc tầng lớp khá giả, trung lưu thường mặc loại áo dài hàng gấm, hàng địa xanh đen có dệt hoa văn chữ thọ, chữ phúc… Các chú rể của những gia đình giàu có thường mặc hai áo dài, áo đen ở trong, áo rộng bằng hàng gấm ở ngoài, phù hợp với chiếc áo rộng của cô dâu…

Tranh vẽ cảnh đám cưới thập niên 1900, tạm đoán bối cảnh ở miền nam. (Ảnh: gazette-drouot.com)
Tranh vẽ cảnh đám cưới thập niên 1900, tạm đoán bối cảnh ở miền nam. (Ảnh: gazette-drouot.com)

Chú thích:

  • (1) Theo lời kể của ông Mai Phùng Võ, thị xã Vĩnh Long.
  • (2) Theo lời kể của bà Đỗ Thị Cưu, 89 tuổi quê ở Hựu Thành, Trà Ôn.
  • (3) Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hường, 90 tuổi, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.
  • (4) Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Huê, 84 tuổi, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.
  • (5) Theo lời kể của bà Đỗ Thị Cưu, 89 tuổi tại Trà Ôn, Vĩnh Long. Xưa kia gia đình của bà và chồng “môn đăng hộ đối” vì đều giàu có, vừa là điền chủ, vừa có chức sắc trong làng (Hương cả).
  • (6) Theo bà Cưu kể xưa kia gia đình chồng định tặng bà bộ dây chuyền ren nhưng bà đề nghị xin đổi dây chuyền nách vì nó hợp thời trang lúc bấy giờ hơn.
  • (7) Vùng Nam Bộ thường dùng từ thiên để chỉ một trăm (thay vì thiên là một ngàn), ví dụ cây thiên tuế (100 năm), một thiên lúa (100 giạ lúa), một thiên hột (100 hột)…

Hà Nội – Văn hoá và phong tục

(Lý Khắc Chung – NXB thanh niên, 2004)

Đám cưới ngày xưa

Ở nông thôn xưa, nhà nghèo thì cô dâu sắm chiếc áo ngắn, thắt lưng hồng hoặc hoa lý và một chiếc nón che mặt để về nhà chồng, rồi sau đó, che nắng, che mưa khi lao động. Nhà khá giả thì may cho con gái áo mớ ba mớ bảy. Bên trong là chiếc yếm cổ xẻ màu cánh sen, áo cánh trắng. Ngoài là áo dài nõn chuối rồi áo mỡ gà.

Hành trang còn có áo the hoặc áo sa đen, khăn nhiễu tím hoặc nhung đen, thắt lưng hồng đào, hoa lý, nhiễu tím ba chiếc, ruột tượng sồi, khuyên vàng, xà tích, ống vôi bằng bạc. Váy trong màu hồng đào, váy ngoài là lĩnh tía. Chân đi dép cong.

Trang phục Việt Nam

(Đoàn Thị Tình – NXB mỹ thuật, 2006)

Trang phục lễ cưới

Trang phục thời Nguyễn … Nhìn chung các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và xanh, hoặc vàng với màu hồ thuỷ. Rồi đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch. Váy sồi đen hoặc váy lĩnh.

Thắt lưng gồm hai chiếc bằng lụa màu hoa đào, hoa lý, ngoài cùng thắt lưng sồi xe màu đen có tua ở hai đầu. Vấn khăn, đầu khăn gài chiếc đanh ghim có đính con bướm vàng hoặc bạc, để tóc đuôi gà. Lúc đưa dâu, đi đường đội nón thúng quai thao. Chân đi dép cong. Đồ trang sức có khuyên, hoa tai bằng vàng hoặc bạc, cạnh sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi bằng bạc chạm trổ tinh vi.

Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, áo giữa bằng the hay vân thưa màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the hay vân thưa màu đen. Có người chỉ mặc lồng hai áo, trong cũng là màu đỏ hoặc hồng điều, ngoài là vân thưa màu xanh chàm để tạo nên một hợp quang màu tím đặc biệt nền nã. Mặc quần trắng, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi sau gáy. Cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Cổ tay đeo vòng vàng, xuyến vàng…

Cô dâu con quan, nhà giàu mặc áo dài gấm, ngoài khoác áo tứ thân mệnh phụ, bằng gấm dệt hoa, phượng, có nẹp to trang trí hoa văn hoạ tiết chim phượng nhiều màu sắc, viền quanh cổ áo đến dưới ngực, tay áo thụng… kiềng vàng được đeo ở phía trong cổ áo mệnh phụ.

Cô dâu miền Nam mặc áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi lại phía sau đầu, gài lược “bánh lái” bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc. Có người cài trâm vàng, đầu trâm có đính lò xo nhỏ nối tiếp với một con bướm vàng hay bạc tạo nên độ rung, tăng thêm phần sinh động và thẩm mỹ. Đeo dây chuyền nách (xà nách) bằng vàng, đeo nhiều chuỗi hột vàng ở cổ…

Chú rể ba miền các tầng lớp nhân dân đều thường mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam, quần trắng ống sớ, búi tóc, chít khăn nhiễu màu lam. Chân đi văn hài thêu đẹp.

Những năm 1920-1930 ở thành thị miền Bắc, cô dâu mặc áo dài cài vạt, ngoài là chiếc áo the thâm, bên trong [là] áo màu hồng hay xanh… hoặc ngoài là chiếc áo sa tanh hồng, bên trong áo dài lụa trắng Cổ Đô (*). Mặc quần lĩnh hay sa tanh đen. Chân đi văn hài thêu hạt cườm hoặc đôi guốc cong. Vấn khăn nhung đen, đeo hoa tai bèo, cổ đeo nhiều vòng chuỗi hột bằng vàng.

Chú rể mặc áo dài the thâm, hoặc sa tanh, hoặc gấm hoa… bên trong mặc áo dài trắng. Quần trắng ống sớ, đi giày Gia Định hoặc giày da đen. Đội khăn xếp. Khi lễ tơ hồng, lễ nhà thờ thì khoác áo thụng lam.

Đến giai đoạn sau, các cô dâu con nhà giàu mặc áo thụng bằng gấm màu đỏ hoặc vàng… có họa tiết rồng phượng, cánh tay áo dài và rộng. Mặc quần trắng, đi giày vân hài nhung màu đỏ hoặc vàng hay lam, có thêu rồng, phượng bằng hạt cườm hay chỉ kim tuyến lóng lánh. Đầu đội khăn vành dây bằng nhiễu, màu lam hay vàng quấn nhiều vòng quanh đầu.

Cách đội khăn như trên thường được gọi là kiểu “hoàng hậu”, từ miền Trung phổ biến ra miền Bắc. Có cô dâu mặc áo dài bằng vải mình khô hoa ướt hoặc gấm hoa, sa tanh, hay nhung đỏ…, mặc quần lụa trắng. Vấn khăn vành dây, cổ đeo kiềng hay dây chuyền. Tay đeo xuyến, vòng …. Ở ngoại thành, cô dâu [vẫn] mặc theo lối cổ truyền áo dài cài cúc, quần lĩnh đen. Chú rể áo the, quần trắng, đội khăn xếp…

Cảnh rước dâu ở một làng Trung Kỳ, 1907. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai
Cảnh rước dâu ở một làng Trung Kỳ, 1907. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai

(*) Làng Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng về dệt lụa:

Lụa này thật lụa Cổ Đô

Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng

Phong tục miền Nam

(Vương Đằng – Trung tâm văn hoá đông tây, 2009?)

Lễ thành hôn – Phục sức

Vào thời thật xa xưa (khoảng trước 1914), chú rể phải mặc áo rộng (màu xanh ở ngoài, màu đỏ ở trong), đi chân không trong khi cô dâu cũng mặc áo rộng và đi chân không. Chú rể, cô dâu, cha mẹ cô dâu và chú rể phải đội nón cụ quai tơ. Sau đó, phục sức trong lễ thành hôn tuỳ thuộc vào gia đình và thôn quê hay thành thị.

Ở thôn quê, trước 1945, nam phái mặc khăn đóng áo dài, nữ phái mặc áo dài màu (kỵ màu toàn trắng hay toàn đen, thường là màu hồng, vàng, xanh, đỏ) và đeo nhiều vòng vàng.

Ở thành thị thì lẫn lộn đồ vét, đồ xưa: đa số người lớn tuổi vẫn mặc khăn đóng áo dài; chú rể, rể phụ, các thanh niên thích mặc quần tây và áo u que hay đóng nguyên bộ đồ vét; các bà vận áo dài nhiễu gấm hay lụa; các cô áo màu đủ sắc, vòng vàng sáng chói, son phấn tươi thắm…

Đám cưới của người An Nam theo Công Giáo ở nhà thờ Bà Rịa. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai
Đám cưới của người An Nam theo Công Giáo ở nhà thờ Bà Rịa. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai

Văn hoá trang phục từ truyền thống đến hiện đại

(Nguyễn Thị Đức – NXB văn hoá thông tin, 1998)

Trang phục tình yêu – lễ cưới

Trong lễ cưới, từ xưa đến nay nhân dân ta bao giờ cũng coi trọng nghi lễ, thể thức, chú trọng tổ chức cưới xin cho đúng nghi lễ, tươm tất, chu đáo, đẹp đẽ. Một trong những biểu hiện quan trọng về mặt hình thức để đạt được yêu cầu đó trong ngày cưới chính là vấn đề trang phục. Ngoài sự chú trọng tất yếu là trang phục cô dâu chú rể còn có phần trang phục của những người lo tổ chức đám cưới và những người dự lễ cưới.

Vì đây là ngày vui mừng, ngày hạnh phúc của cả một đời người, ngày đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người cho nên từ trước tới nay những bộ trang phục dùng trong lễ cưới bao giờ cũng mới nhất, đẹp nhất.

Thời xưa, bộ trang phục mà các cô dâu mặc trong ngày cưới cũng chính là kiểu trang phục mà các cô gái mặc trong lễ hội. Các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba. Ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng, màu xanh hoặc màu vàng với hồ thuỷ, rồi đến áo cánh trắng cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải lụa bạch. Váy sồi đen hoặc váy lĩnh.

Thắt lưng gồm ba chiếc bằng lụa màu hoa đào, hoa lý thắt chồng lên nhau, ngoài cùng là thắt lưng sồi xe hay vải sa màu đen. Cả ba thắt lưng đều có tua ở hai đầu. Vấn khăn nhung đen, tóc để đuôi gà, đầu khăn có đính con bướm vàng hoặc bạc chạm trổ tinh vi.

Trong lúc vu quy, cô dâu cũng như phù dâu mỗi người đều mang theo chiếc nón ba tầm quai thao, dù là trời mưa, nắng hay râm mát. Chiếc nón như một vật làm duyên để các cô cầm cho đỡ ngượng nghịu đôi tay hoặc ghé che mặt cho đỡ thẹn khi có người ngó tới bàn tán. Đồ trang sức có khuyên tai bằng vàng hoặc bạc, nhẫn và xuyến đeo nơi cổ tay.

Các cô dâu từ Huế trở vào không mặc váy mà mặc quần trắng, đi hài thêu. Các cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba nhưng trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều ở giữa bằng the hay vân thưa màu xanh chàm, áo ngoài cũng bằng the hay vân thưa màu đen.

Có người chỉ mặc hai áo trong là hồng điều hoặc đỏ, ngoài mặc áo vân thưa màu xanh chàm. Màu đỏ màu hồng qua nền vân thưa màu xanh chàm thạo nên một màu tím đặc biệt nền nã. Tóc chải lật, búi sau gáy, cổ đeo kiềng vàng đánh trơn hoặc chạm trổ, cũng có khi quấn chuỗi hạt vàng cao lên máy vòng quanh cổ, tay đeo xuyến, lắc vàng.

Cô dâu miền Nam mặc áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi lại và cuốn ba vòng phía sau đầu, gài lược “bánh lái” bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bằng bạc. Có người cài trâm vàng ngang qua búi tóc, đầu trâm có đính lò xo nhỏ nối tiếp với một con bướm bằng vàng hoặc bạc tạo nên độ rung ở mỗi bước đi tăng thêm phần duyên dáng.

Chú rể đầu đội khăn lượt đen, mặc quần lụa trắng, áo đoạn đen hay áo gấm đen may theo kiểu áo dài, cài cúc chéo bên ngực. Các chú rể còn thường mặc áo cặp đôi gồm một chiếc áo dài trắng trong cùng, ngoài là chiếc áo đoạn kép lót nhiễu xanh, hồng hoặc vàng hay là áo gấm thường màu lam.

Có những chú rể sang trọng ngoài chiếc áo đoạn hay áo gấm lam còn mặc thêm áo sa mỏng ra bên ngoài. Màu gấm lam qua nền sa mỏng ẩn hiện trông rất sang trọng. Chân đi giày Gia Định nhưng cũng có khi đi giày Kinh thêu. Trong lúc lễ tơ hồng, lễ gia tiên hay lễ lạy bố mẹ mình, bố mẹ vợ chú rể còn khoác thêm bên ngoài chiếc áo thụng lam. Áo thụng được may bằng gấm dày, có hai thân, thân trước và thân sau bằng nhau. Tay áo rất rộng và dài thường trùm hết cả hai bàn tay.

Những năm đầu của thế kỷ này (thế kỷ XX) các cô dâu thị thành mặc áo dài cài vạt, nhưng vẫn mặc áo cặp đôi. Ngoài là chiếc áo the thâm, bên trong áo màu hồng, xanh hoặc áo lụa trắng bên trong, bên ngoài áo sa tanh đen. Mặc quần lĩnh hay sa tanh đen. Chân đi văn hài thêu hạt cườm hay đôi guốc cong. Đám rước dâu, thường đi bộ và khi đi cô dâu chú rể có cặp lọng che rực rỡ.

Trang phục cưới của người Việt giữa thế kỷ XX (lưu ý nhà Nguyễn cáo chung năm 1945, vào khoảng giữa thế kỷ XX). Ảnh chụp tại Bảo tàng TP. Cần Thơ. (Ảnh Dân Trí)
Trang phục cưới của người Việt giữa thế kỷ XX (lưu ý nhà Nguyễn cáo chung năm 1945, vào khoảng giữa thế kỷ XX). Ảnh chụp tại Bảo tàng TP. Cần Thơ. (Ảnh Dân Trí)

Khi xưa đám cưới không khi nào dùng màu trắng (vì đó là màu tang), sắc màu dùng trong đám cưới thường thiên về màu đỏ (màu đại cát), đó là màu của sự vui mừng tốt đẹp.

Giai đoạn sau này (khoảng những năm 30 của thế kỷ XX) các cô dâu vẫn thường hay mặc áo dài bằng gấm màu đỏ hoặc màu vàng có hoạ tiết rồng phượng, cánh tay áo dài và rộng. Mặc quần trắng đi giày vân hài bằng nhung màu đỏ hoặc vàng hay lam có thêu rồng, phượng bằng hạt cườm hay chỉ kim tuyến lóng lánh.

Đầu đội khăn vành dây hay còn gọi là khăn “Nam phương Hoàng hậu”. Chiếc khăn vành dây bằng nhiễu, nhỏ hơn khăn xếp một chút, màu vàng thường do bà vợ ông vua Khải Định đội, sau này kiểu khăn ấy được phổ cập vào đám thượng lưu và vào đám cưới. Khi đã phổ cập nó không những chỉ có màu vàng mà còn có màu xanh lam, màu đỏ.

Tuỳ theo gia cảnh và kinh tế của mỗi gia đình, nếu là nhà khá giả các cô có thể sắm ba chiếc áo dài. Một chiếc mặc ngày cưới, một chiếc mặc lúc lễ tơ hồng và một chiếc mặc ngày nhị hỷ. Khi mặc áo kép thì áo ngoài màu huyết dụ, áo trong màu phấn hồng, sang ngày nhị hỷ, cô dâu cởi bỏ áo ngoài, chỉ mặc áo màu hồng. Áo mớ ba cũng tuỳ sự chọn màu của từng cô dâu. Có thể áo ngoài màu tiết dê, áo giữa màu hồ thuỷ, áo thứ ba màu mỡ gà.

Ở nông thôn chỉ con nhà chức sắc mới mặc áo cài khuy còn phổ biến là áo thắt vạt bằng nhiễu hoặc the màu hạt dẻ, màu gụ, màu cánh chả, lót bên trong áo dài màu hồng hoặc màu nõn chuối với những giải thắt lưng màu hoa đào, hoa lý. Chú rể mặc áo the thâm trên nền áo dài trắng bên trong, đầu đội khăn xếp. Cả hai bước vào chiếc chiếu hoa cạp điều làm lễ gia tiên và lễ tơ hồng rồi sóng đôi bước ra trong tiếng pháo mừng ròn rã.

Sau này do sự xâm nhập của văn minh châu Âu trang phục cô dâu chú rể tiếp thu một số hình thức trang điểm khác làm thay đổi rất nhiều kiểu cách, màu sắc của trang phục cưới. Trang phục của chú rể là bộ Âu phục áo sơ mi trắng bỏ trong quần Âu, thắt nơ hoặc cà vạt, những khi thời tiết mát hoặc se lạnh khoác thêm bộ comple, chân đi giầy da.

Các cô dâu trang điểm phấn son, mặc bộ áo dài (tân thời) màu trắng, cài bông hồng trắng bằng lụa ở ngực. Các cô dâu ở thành thị thì phi-dê, tay ôm bó hoa lay ơn màu trắng, trên đầu cài một cành hoa kết bằng lụa trắng. Màu trắng trở thành biểu tượng cho đám cưới tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu.

Các cô dâu ở nông thôn vẫn giữ nhiều nét truyền thống hơn, các cô không phi-dê mà tóc bỏ xoã tự nhiên, mặc bộ áo dài và thường cầm theo chiếc nón lá trắng trên tay, có lẽ để đôi tay đỡ ngượng và cũng như các cô dâu xưa thường cầm nón ba tầm.

Trần Văn Hải Nam

Bài viết thực hiện bởi Khám Phá Lịch Sử

Đội ngũ biên tập viên tại khamphalichsu.com là những người đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi không chỉ có kiến thức sâu rộng về các sự kiện và nhân vật quan trọng mà còn luôn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ và độc đáo để mang đến cho độc giả. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với công việc nghiên cứu và biên soạn nội dung, giúp tạo ra những bài viết chất lượng, truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả những trải nghiệm học hỏi thú vị, góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử đất nước.

Bạn đã đọc chưa?